Ngày 21.2, UBND Q.Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) cho biết vừa phê duyệt đề án Khai thác dịch vụ, du lịch sinh thái trên đất lâm nghiệp, đất nông nghiệp, nhằm giải phóng các nguồn lực đất đai.
Trước đó, Thanh Niên thông tin, thời gian qua khu vực rừng Nam Hải Vân (đèo Hải Vân, địa phận P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu) thu hút đông đảo người dân, du khách đến thưởng ngoạn phong cảnh, tắm suối, trekking.
Kéo theo đó là nhu cầu đầu tư du lịch sinh thái ở tiểu khu 4A, 11, 16, suối Lương và rừng Nam Hải Vân. Các hộ dân trồng cây lâu năm, cây ăn quả, kết hợp kinh doanh dọc QL1 qua đèo Hải Vân, tận dụng khu vực có cảnh quan đẹp nhìn về vịnh Đà Nẵng và "thiên hạ đệ nhất hùng quan" để dựng quán tạm bán nước giải khát, phục vụ các "phượt thủ", kết hợp dịch vụ rửa xe, sửa xe.

Đèo Hải Vân còn nhiều dư địa phát triển
ẢNH: NGUYỄN TÚ
Tại suối Lương, các hộ tận dụng nguồn nước suối để đầu tư tạo ao tắm, các lều nghỉ chân cho khách.
Tuy nhiên, theo ông Trần Công Nguyên, Phó chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu, các hộ sản xuất vườn rừng kèm dịch vụ du lịch sinh thái trên đất lâm nghiệp, nông nghiệp đều chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất. Hầu hết các hộ chưa đảm bảo pháp lý về phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng, nên chỉ đầu tư cơ sở vật chất tạm bợ, có lúc xuống cấp nhếch nhác khi thời tiết xấu, chưa an toàn.
Thời gian qua, một số trường hợp hoạt động sai quy định đã bị chính quyền địa phương xử lý, tháo dỡ. Trong khi đó Q.Liên Chiểu còn nhiều tiềm năng từ thiên nhiên ưu đãi (có sông, núi, biển, phong cảnh hữu tình) đến tài nguyên rừng (có 6 tiểu khu gần 4.000 ha ở 3 phường Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Bắc).
"Cần thiết có giải pháp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện pháp lý để hộ dân yên tâm đầu tư cơ sở vật chất an toàn cho nhu cầu thể thao, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, dịch vụ khu vực đèo Hải Vân, vừa phát triển kinh tế, thương mại, đóng vai trò hậu cần trong bối cảnh hàng loạt đại dự án tỉ USD đang thành hình", ông Trần Công Nguyên nói.
Đơn cử là các dự án cảng Liên Chiểu, Khu phức hợp du lịch và đô thị nghỉ dưỡng làng Vân quy mô 44.000 tỉ đồng, khu thương mại tự do…

Thương mại, dịch vụ khu vực đèo Hải Vân phục vụ du khách chưa tương xứng với tiềm năng phát triển
ẢNH: NGUYỄN TÚ
Do đó, từ năm 2023, Q.Liên Chiểu phác thảo đề án thí điểm phát triển kinh tế kết hợp du lịch sinh thái, hình thành các dịch vụ du lịch chất lượng cao tại rừng Hải Vân.
"Đặc biệt, luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1.8.2024 cho phép sử dụng đất kết hợp đa mục đích, tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành đề án Khai thác dịch vụ, du lịch sinh thái trên đất lâm nghiệp, nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí", ông Trần Công Nguyên nói.
Điều này đã "cởi trói" cho tài nguyên rừng, nhất là khu vực đèo Hải Vân, tránh lãng phí nguồn lực đất đai; gia tăng giá trị đất nông nghiệp, lâm nghiệp, khuyến khích chủ rừng trồng rừng; tạo việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ngân sách có nguồn thu từ tiền sử dụng đất, thuế, phí.