Reuters ngày 9.4 dẫn lời quyền Đại sứ Mỹ tại LHQ Dorothy Shea cho hay nước này "sẽ không kiên nhẫn với việc đàm phán thiếu thiện chí và vi phạm cam kết", trong bối cảnh Mỹ tìm cách chấm dứt chiến sự giữa Nga và Ukraine. "Cuối cùng, chúng tôi sẽ đánh giá về một cam kết ngừng bắn của Tổng thống Vladimir Putin thông qua hành động của Nga", bà phát biểu trong cuộc họp của HĐBA LHQ hôm 8.4.
Tranh cãi về Kryvyi Rih
Cuộc họp nêu trên được tổ chức sau khi Nga phóng tên lửa vào TP.Kryvyi Rih (tỉnh Dnipropetrovsk, Ukraine) ngày 4.4.
"Chúng tôi kêu gọi Nga ghi nhớ rằng các cuộc tấn công như ở Kryvyi Rih và việc hành quyết tù nhân chiến tranh có khả năng gây tổn hại nỗ lực hòa bình và tất cả các cuộc thảo luận liên quan", bà Shea phát biểu. Nga cho hay vụ tập kích trên nhằm vào một cuộc họp của các binh sĩ Ukraine và chuyên gia nước ngoài, khiến 85 người thiệt mạng. Ukraine cho rằng Nga tung tin sai lệch, đồng thời cho biết có 20 dân thường thiệt mạng.
Mỹ, đồng minh chờ động thái 'nghiêm túc' của Nga về hòa bình ở Ukraine
Phản hồi phát biểu của bà Shea, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia cho rằng dân thường Ukraine thiệt mạng trong vụ việc là do Ukraine nỗ lực chặn cuộc tấn công. Ông nhắc lại một trong những mục tiêu của Nga là phi quân sự hóa Ukraine và sẽ đạt được "bằng các biện pháp quân sự hoặc đàm phán để đảm bảo rằng Ukraine không còn là mối đe dọa đối với Nga". Bên cạnh đó, nhà ngoại giao này khẳng định Nga sẵn sàng đối thoại nghiêm túc và thực tế, nhưng sẽ không để bị lừa dối hoặc để bất cứ bên nào lợi dụng quá trình này để củng cố tiềm lực quân sự của Ukraine.

Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Randy George thăm các binh sĩ tham gia cuộc tập trận Combined Resolve tại Hohenfels (Đức) hôm 6.2
Ảnh: Lục quân Mỹ
Về tình hình tại Ukraine, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 9.4 bác bỏ thông tin của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng có công dân Trung Quốc bị bắt khi đang tham chiến giúp Nga. Theo đó, Trung Quốc luôn yêu cầu công dân không tham gia hoạt động quân sự của bất cứ bên nào.
Lực lượng Mỹ ở châu Âu
Liên quan thông tin Mỹ cân nhắc rút bớt lực lượng tại châu Âu, văn phòng báo chí Lầu Năm Góc ngày 8.4 ra thông cáo cho biết vẫn chưa có quyết định cuối cùng về điều này. "Cam kết của Mỹ đối với NATO là mạnh mẽ, nhưng Mỹ mong các đồng minh châu Âu sẽ dẫn đầu sự phòng vệ thông thường của châu lục", theo Đài TVP Info dẫn thông cáo. Trước đó vào cùng ngày, Đài NBC News loan tin Mỹ đang cân nhắc giảm đến phân nửa trong số 20.000 binh sĩ được điều động thêm vào năm 2022 nhằm củng cố sự phòng thủ của các nước châu Âu giáp Ukraine.
Nga thừa nhận xe thiết giáp M2 Bradley vượt trội BMP-3 trong xung đột Ukraine
Lực lượng Mỹ hiện đóng tại Ba Lan, Romania và các nước Baltic trong thế trận răn đe và đảm bảo an ninh của NATO. Việc rút bớt quân có thể diễn ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth muốn các đồng minh châu Âu phải có trách nhiệm lớn hơn về phòng thủ.
Theo tướng Christopher Cavoli, chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, Lầu Năm Góc nên tiếp tục duy trì hiện diện quân sự tại châu lục này. Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện hôm 8.4, ông cho biết Mỹ từng có hơn 100.000 binh sĩ đồn trú tại châu Âu sau khi Nga đưa quân sang Ukraine vào năm 2022, nhưng đã giảm xuống còn 80.000. "Lời khuyên của tôi là duy trì thế trận lực lượng hiện tại", Reuters dẫn lời ông phát biểu. Theo ông, quân đội Mỹ nhiều lần xem xét lại sự hiện diện quân sự tại châu Âu kể từ năm 2022, nhưng không nên giảm. Trong phiên điều trần, các nghị sĩ lưỡng đảng đều cho rằng sẽ là sai lầm nếu Mỹ rút bớt quân khỏi châu lục này.