Thỏa thuận được ký bởi các quan chức an ninh hàng đầu của Mỹ và Panama, cho phép quân nhân Mỹ có thể đến các cơ sở do Panama kiểm soát để tham gia huấn luyện, diễn tập và "các hoạt động khác". Thỏa thuận này không cho phép Mỹ xây dựng các căn cứ thường trực tại Panama, nhưng trao quyền quyết định cho Washington nhằm triển khai một số nhân sự đến các căn cứ nêu trên.
Kênh đào Panama dài 82 km do Mỹ xây dựng, được khánh thành vào năm 1914 và được trao cho Panama vào ngày 31.12.1999 theo các hiệp ước được ký kết khoảng 2 thập niên trước đó giữa tổng thống Mỹ khi đó là ông Jimmy Carter và nhà lãnh đạo Panama Omar Torrijos. Đây là tuyến đường thủy quan trọng trong khu vực, với khoảng 40% lưu lượng container của Mỹ và 5% thương mại quốc tế đi qua hằng năm.
Bộ trưởng Mỹ tuyên bố sẽ ‘giành lại’ kênh đào Panama
Phát biểu khi đang thăm Peru ngày 10.4, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino cho hay Mỹ đã đề nghị có các căn cứ riêng tại Panama, chứ không chỉ đưa quân đến các căn cứ ở nước này. Tuy nhiên, ông cho biết mình đã nói với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth rằng điều đó là không thể chấp nhận. Trong bản ghi nhớ do ông Hegseth và Bộ trưởng Công an Panama Frank Abrego ký kết ngày 9.4, Mỹ công nhận chủ quyền của Panama. Bên cạnh đó, Panama sẽ duy trì quyền kiểm soát đối với bất cứ cơ sở nào, nhưng sẽ phải tiếp nhận binh sĩ do Mỹ điều động đến.

Một tàu hàng đi qua âu tàu Agua Clara trên kênh đào Panama
ẢNH: REUTERS