Đáng lo thương chiến Mỹ - Trung leo thang

Rạng sáng qua (8.4, theo giờ VN), người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ Lưu Bằng Vũ chỉ trích lời đe dọa của Tổng thống Trump trước đó trên mạng xã hội Truth Social là "động thái điển hình của chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và bắt nạt kinh tế".

 - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong lần gặp bên lề Hội nghị G20 tại Nhật Bản vào năm 2019

ẢNH: AFP

Ăn miếng trả miếng quyết liệt

Reuters dẫn lời ông Lưu tuyên bố: "Chúng tôi đã nhấn mạnh nhiều lần rằng việc gây sức ép hay đe dọa Trung Quốc không phải là cách đúng để làm việc với chúng tôi. Trung Quốc sẽ cương quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp".

Tương tự, AFP dẫn lời đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 8.4 cho rằng lời đe dọa tăng thuế của Mỹ là "sai lầm tiếp nối sai lầm". Đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định: "Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận chuyện này. Nếu Mỹ khăng khăng con đường riêng của họ, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng".

Trước đó, viết trên mạng xã hội Truth Social vào khuya 7.4 (theo giờ VN), Tổng thống Trump nêu: "Trung Quốc đã ban hành mức thuế trả đũa 34% đối với hàng hóa Mỹ, đó là chưa kể mức thuế kỷ lục, thuế phi tiền tệ, hỗ trợ bất hợp pháp cho các công ty Trung Quốc và thao túng tiền tệ dài hạn".

Ông Trump đưa ra tối hậu thư: "Nếu Trung Quốc không rút lại mức tăng 34% thuế vào ngày mai (8.4), Mỹ sẽ bổ sung thuế đối với Trung Quốc là 50%, có hiệu lực từ ngày 9.4. Ngoài ra, tất cả các cuộc đàm phán với Trung Quốc liên quan các cuộc họp mà họ yêu cầu với chúng tôi sẽ bị chấm dứt! Các cuộc đàm phán với các quốc gia khác, những quốc gia cũng đã yêu cầu đàm phán sẽ bắt đầu diễn ra ngay lập tức".

Trả lời Thanh Niên, bà Bonnie S.Glaser (Giám đốc Chương trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Quỹ Marshall Đức tại Mỹ) nhận định: "Cả Tổng thống Trump và Chủ tịch nước Tập Cận Bình đều không muốn tỏ ra yếu đuối. Họ sẵn sàng tham gia vào một cuộc chơi mạo hiểm. Với 2 nhà lãnh đạo, các mối đe dọa thuế quan không quan trọng lắm vào thời điểm này. Quan hệ giao thương Mỹ - Trung có thể bị dừng lại đột ngột, ngoại trừ các mặt hàng thiết yếu, vì thuế quan thực tế đã vượt quá 60%. Chuỗi cung ứng sẽ bị thay đổi. Sự chia tách thương mại Mỹ - Trung mà mọi người lo ngại sắp xảy ra".

"Vì không nhà lãnh đạo nào chịu lùi bước, sẽ rất khó để tìm ra con đường đến bàn đàm phán", bà Glaser kết luận.

Trung Quốc 'quyết đấu đến cùng' khi ông Trump tăng nhiệt chiến tranh thuế quan

Viễn cảnh đáng lo

Cũng trả lời Thanh Niên, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá: "Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là sự tiếp nối các sáng kiến thương mại của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Điểm khác biệt lần này là Bắc Kinh cho rằng họ đã chuẩn bị cho cách tiếp cận của một doanh nhân đối với cuộc chiến thương mại. Ngược lại, Tổng thống Trump thì cho rằng đã hiểu được sức mạnh của chức vụ của mình và nền kinh tế Mỹ sau khi có một nhiệm kỳ tại vị".

"Điều vừa nêu dẫn đến tình huống Trung Quốc đang đánh giá thấp Mỹ dưới thời Trump và Mỹ dưới thời Trump có thể đánh giá quá cao khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ cùng khả năng định hình lại nền kinh tế toàn cầu theo cách có lợi cho Mỹ và các đồng minh", GS Nagy đánh giá.

Vị chuyên gia cũng cho rằng: "Thuế quan của cả hai bên và thuế quan trả đũa sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế của nhau. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang trong tình trạng tồi tệ với tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên là 20 - 25%, thị trường bất động sản bị phá vỡ, mức nợ ngân hàng ngầm lẫn chính thức chưa xác định chính xác, năng suất thấp và niềm tin của người tiêu dùng rất thấp. Thuế quan mà Tổng thống Trump đề xuất có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc vốn đã mong manh trở nên kém hiệu quả hơn nhiều và điều này không những không tốt cho Trung Quốc mà còn cho các nước đang phát triển khác. Bắc Kinh cố gắng tranh thủ EU và các nước đang phát triển. Điều này sẽ gây áp lực tiêu cực rất lớn lên EU và các nước đang phát triển vì thị trường của họ có thể tràn ngập hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn, dẫn đến nhiều mức thuế hơn từ các nước xuất khẩu".

Tuy nhiên, GS Nagy cũng chỉ ra: "Thuế quan của Tổng thống Trump cũng sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ. Nhiều đời tổng thống Mỹ thực tế đã quyết tâm tái công nghiệp hóa. Tổng thống Trump thực ra chỉ gây chú ý hơn so với các tổng thống trước đây".

Trong phân tích gửi đến Thanh Niên ngày 7.4, Standard & Poor's (S&P) Ratings, nhà xếp hạng tín nhiệm tín dụng hàng đầu thế giới, cảnh báo: "Các mức thuế đối ứng của Mỹ cùng với biện pháp "ăn miếng trả miếng" từ các nền kinh tế khác phản ứng có thể dẫn đến tăng trưởng GDP toàn cầu chậm hơn, gây ảnh hưởng các nền kinh tế APAC phụ thuộc vào thương mại. Mức độ tác động kinh tế và tài chính sẽ phụ thuộc vào thời điểm Mỹ áp thuế cũng như các biện pháp ứng phó và các biện pháp kích thích kinh tế từ các nền kinh tế bị ảnh hưởng".

Ông Trump phản ứng về đề xuất thuế 0% của EU

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7.4 nói rằng đề xuất của Liên minh châu Âu (EU) về việc áp dụng mức thuế 0% đối với các sản phẩm công nghiệp của hai bên là không đủ để giải quyết thâm hụt thương mại xuyên Đại Tây Dương, theo AFP. "EU đã rất tệ với chúng tôi, họ không lấy ô tô của chúng tôi... không lấy sản phẩm nông nghiệp của chúng tôi", ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng.

Ông Trump nói thêm rằng thâm hụt thương mại của Mỹ với EU sẽ "biến mất nhanh chóng" nếu các nước châu Âu chuyển sang mua năng lượng của Mỹ, và cần có một thỏa thuận trị giá 350 tỉ USD để xóa bỏ tình trạng thâm hụt thương mại này. Ông Trump không nói rõ liệu việc mua năng lượng có đồng nghĩa Mỹ sẽ dỡ bỏ thuế quan đối với EU hay không. Trong tuần trước, ông Trump đã công bố mức thuế 20% đối với hàng hóa châu Âu, dự kiến có hiệu lực từ ngày 9.4.

Tổng thống Trump có phát ngôn như trên để đáp lại đề xuất được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 7.4 công bố là áp dụng mức thuế 0% đối với ô tô và các hàng hóa công nghiệp khác của hai bên. Bà von der Leyen nhấn mạnh châu Âu luôn sẵn sàng đạt được một thỏa thuận tốt với Mỹ, nhưng "cũng sẵn sàng đáp trả bằng các biện pháp đối phó và bảo vệ lợi ích của mình" trước cuộc tấn công về thương mại của ông Trump.

Văn Khoa

 - Ảnh 2.

Tỉ phú Elon Musk phát biểu tại Wisconsin (Mỹ) ngày 30.3

ẢNH: REUTERS

Tỉ phú Musk tổn thất gần 135 tỉ USD

Kể từ đầu năm tới nay, tỉ phú Elon Musk, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Tesla và SpaceX, mất gần 135 tỉ USD do biến động của thị trường chứng khoán. Trong ngày 7.4, tài sản của ông Musk đã bốc hơi 4,4 tỉ USD sau khi cổ phiếu Tesla tiếp tục đà giảm, khiến tổng tài sản của ông xuống dưới 300 tỉ USD kể từ tháng 11.2024. Ông Musk là người mất nhiều tài sản thứ 6 trong nhóm 500 người giàu nhất thế giới, theo Bloomberg.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới với hơn 180 đối tác thương mại của Mỹ, tài sản của ông Musk giảm hơn 30 tỉ USD. Trong khi đó, cổ phiếu Tesla đã giảm hơn 50% kể từ khi đạt đỉnh vào giữa tháng 12.2024. Trước tình hình trên, tỉ phú Elon Musk được cho là đã tìm cách liên hệ trực tiếp với Tổng thống Trump để đề xuất thay đổi kế hoạch thuế quan đối ứng nhưng không đem lại kết quả, theo tờ The Washington Post dẫn các nguồn thạo tin.

Trí Đỗ

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao