Đơn thuốc ngoại trú dài ngày: Lưu ý cần biết với người có bệnh mạn tính

TS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng việc kê đơn ngoại trú dài ngày (trên 30 ngày theo quy định mới của Bộ Y tế, áp dụng từ 1.7.2025) mang lại nhiều thuận lợi nhưng cũng đặt ra một số vấn đề liên quan kiểm soát bệnh.

Thứ nhất, người bệnh tái khám ít hơn, một số người bệnh khi thấy bệnh ổn định thì chủ quan, không theo dõi đường huyết, huyết áp, không duy trì luyện tập, ăn uống thất thường và dễ bỏ thuốc.

Đơn thuốc ngoại trú dài ngày: Lưu ý cần biết với người có bệnh mạn tính  - Ảnh 1.

Người mắc đái tháo đường hoặc các bệnh mạn tính khác cần theo dõi sức khỏe, tuân thủ dùng thuốc theo đơn điều trị ngoại trú

ẢNH: LIÊN CHÂU

Thứ hai, việc không thăm khám thường xuyên dễ bỏ sót các dấu hiệu cảnh báo sớm của biến chứng, hoặc dễ quên lịch khám lại, dẫn đến hết thuốc. Với người điều trị đa khoa, dùng nhiều loại thuốc khác nhau, việc thuốc còn thuốc hết càng dễ xảy ra.

TS Nguyễn Quang Bảy lưu ý: Bệnh mạn tính là bệnh phải điều trị suốt đời. Sự ổn định chỉ là tạm thời, nếu không duy trì điều trị đúng thì bệnh có thể nặng lên bất cứ lúc nào. Do đó, người bệnh cần đọc kỹ đơn thuốc trước khi rời bệnh viện, có gì không rõ phải hỏi ngay. Bảo quản thuốc cẩn thận, đặc biệt với insulin cần giữ lạnh. Tránh nhầm lẫn thuốc khi trong nhà có nhiều người bệnh. Người mắc đái tháo đường cần uống hoặc tiêm thuốc đúng giờ; có thể đặt chuông báo hoặc để thuốc nơi dễ thấy để bảo đảm tuân thủ điều trị.

Đồng thời, cần duy trì theo dõi các chỉ số sức khỏe như đường huyết, huyết áp tại nhà hoặc tại trạm y tế. Khi có biểu hiện bất thường, đừng chờ đến ngày hẹn tái khám, hãy đi khám ngay hoặc gọi cho bác sĩ hoặc hotline bệnh viện. Đặt lịch khám lại trước 3 - 5 ngày để tránh trễ hạn dùng thuốc.

Với bệnh nhân ung thư, PGS-TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết kê đơn ngoại trú trên 30 ngày, tối đa 90 ngày, hiện cấp cho 3 bệnh: ung thư tuyến giáp, ung thư vú và ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Tuy nhiên, PGS-TS Phạm Cẩm Phương nhấn mạnh: "Các bệnh này khi được điều trị ổn định rồi thì mới được cấp phát thuốc định kỳ 3 tháng/lần và không quá 90 ngày". Nhưng cũng cần lưu ý với nhân viên, bác sĩ và người bệnh rằng, với người bệnh ung thư, có thể tiến triển, tái phát, di căn bất kỳ lúc nào, do vậy nếu người bệnh có triệu chứng bất thường, triệu chứng bệnh tăng lên hay có ho, đau ngực, cảm thấy khó chịu và bất kỳ bất thường nào khác thì phải đến thăm khám sớm, chứ không phải chờ hết thuốc mới khám theo hẹn.

Đồng thời, bác sĩ sẽ tùy thuộc tình trạng thăm khám gần nhất để đưa ra quyết định cấp thuốc 30, 60 hay 90 ngày, hoặc có thể sớm hơn 1 - 2 tuần, cũng như có những chỉ định phù hợp.

Bác sĩ có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết cho người bệnh

Để phục vụ người bệnh ngoại trú với quy định kê đơn thuốc trên 30 ngày, TS Nguyễn Quang Bảy chia sẻ: Tại bệnh viện, các khoa phòng liên quan cần chủ động điều chỉnh quy trình; chuẩn bị đủ cơ số thuốc để đáp ứng số lượng cấp phát tăng lên 2 - 3 lần bình thường; tăng cường nhân lực ở khâu khám bệnh, kê đơn và phát thuốc; nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo thông suốt giữa bác sĩ - kho thuốc - nhà thuốc. Đồng thời, các bác sĩ cũng có trách nhiệm hướng dẫn chi tiết cho người bệnh: thuốc nào có thể kê 30 - 60 - 90 ngày, hẹn lịch khám cụ thể; cung cấp số hotline, Zalo hoặc ứng dụng của bệnh viện để người bệnh có thể liên hệ khi có triệu chứng bất thường hoặc cần hỏi thêm.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao