Thành thật mà nói, đây là câu hỏi khiến mình trăn trở khá nhiều – không chỉ vì đây là quyết định hệ trọng với tương lai của một đứa trẻ, mà còn vì chính mình cũng có mâu thuẫn lợi ích bởi cũng là một nhà đầu tư giáo dục ngoài công lập.
Nhưng sau khi tự vấn khá lâu, với trải nghiệm của một người đã học trường chuyên và cũng có con học đại học cùng với các bạn từng học chuyên, mình xin chia sẻ góc nhìn cá nhân, hoàn toàn là trải nghiệm cá nhân – không phải là quan điểm của tổ chức mình làm việc.
Đó là nếu bạn không có điều kiện về tài chính để tiếp tục theo học trường tư thì rất nên chuyển con sang học trường chuyên công lập. Còn nếu bạn có điều kiện tài chính, thậm chí có phải cố một chút thì nên để con học trường tư hiện tại. Tại sao?

Học sinh dự thi khảo sát vào lớp 6 Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa TP.HCM
ảnh: Đào Ngọc Thạch
Đừng sửa cái gì đang hoạt động tốt
Người Anh có câu: "If it ain't broke, don't fix it", có nghĩa là: "Việc gì đang yên đang lành thì đừng cố mà thay đổi nó".
Nếu con bạn đang học ở một trường tư tốt và vừa thi đậu vào một trường chuyên danh giá, điều đó chứng minh rằng môi trường giáo dục hiện tại của trường tư đang làm rất tốt vai trò đào tạo học thuật. Vậy tại sao phải "đánh đổi" để đưa con vào một môi trường mới, chưa biết trước và chắc gì con bạn đã học tốt hơn?
Chuyển trường lúc này là một "canh bạc": có thể tốt hơn, nhưng cũng có thể làm xáo trộn hệ sinh thái mà con đang phát triển rất hài hòa.
Cá lớn trong ao nhỏ đôi khi bơi xa hơn
Hiệu ứng "cá lớn trong ao nhỏ" (Big-Fish-Little-Pond Effect) cho thấy học sinh giỏi trong môi trường vừa phải thường tự tin và có động lực học hơn. Nghiên cứu của Herbert Marsh (một nhà khoa học giáo dục) chỉ ra rằng so sánh xã hội trong môi trường cạnh tranh cao có thể làm giảm lòng tự trọng. Hiện tượng này đã được xác nhận qua nhiều nghiên cứu quốc tế. Nó không phủ nhận giá trị của trường chuyên, nhưng cảnh báo rủi ro tâm lý cho học sinh trong môi trường toàn "siêu cá mập" đầy áp lực, nơi ai cũng giỏi giang - thậm chí hơn bạn.
Hồi ở Úc, một trong những quyết định sau này nghĩ lại là sáng suốt nhất của tôi là chọn học một trường đại học rất bình thường. Tuy nhiên, tôi là một trong những sinh viên học tốt nhất khóa đó, và tôi được học rất nhanh, tốt nghiệp nhanh với điểm khá cao. Điều đó đã tạo ra vô cùng nhiều thuận lợi cho tôi sau này. Việc làm "con cá lớn trong một cái ao nhỏ" đã giúp tôi tự tin và học tốt hơn rất nhiều trong quá trình học lên cao hơn, cũng như trong công việc và sự nghiệp về sau.
Đại học không còn xét tuyển chỉ bằng điểm số
Nhiều phụ huynh nghĩ rằng: học trường chuyên sẽ dễ vào đại học hơn nhưng thực tế không hẳn như vậy. Các trường đại học hàng đầu ở Mỹ, châu Âu và cả Việt Nam giờ đây không chỉ nhìn vào điểm học tập. Họ muốn biết học sinh đã từng làm gì, sống ra sao, có kỹ năng gì, có đam mê gì. Việc tham gia hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu, tình nguyện, thể thao… có trọng số cao ngang bằng – thậm chí cao hơn – so với điểm GPA (điểm trung bình).
Trong khi đó, học sinh trường tư có lịch học nhẹ hơn, linh hoạt hơn – và vì thế có nhiều thời gian để đầu tư cho các hoạt động ngoài lớp học.
Trừ khi bạn cực kỳ xuất sắc về học thuật, trường đại học nào cũng muốn nhận sinh viên đã từng chơi thể thao cho đội tuyển của trường. Có mối liên hệ khác rõ ràng giữa việc học tốt ở trường ĐH, thành công cuộc đời với khả năng chơi tốt một môn thể thao nào đó.

Phụ huynh chờ con bước vào kỳ khảo sát lớp 6 Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa
ảnh: Đào Ngọc Thạch
Hãy chọn vì lợi ích thật sự của con – không phải vì kỳ vọng của người lớn hay áp lực "đồng trang lứa" của con
Nhiều quyết định chuyển con vào trường chuyên đôi khi xuất phát từ mong muốn rất tự nhiên của cha mẹ – mong con được "công nhận", được "bằng bạn bằng bè", và cả nhà được tự hào. Mình hoàn toàn hiểu điều đó. Ai làm cha mẹ lại không muốn điều tốt nhất cho con?
Nhưng đôi khi, điều "đúng" không nhất thiết là điều "được xã hội tán thưởng". Nhiều khi "sự tự hào" và cái "tôi" không phải là điều đúng và có lợi nhất về dài hạn cho các bạn trẻ. Con có thể phải đánh đổi bằng sự mệt mỏi, thiếu ngủ, ít vận động, căng thẳng thường trực, và đôi khi là phải gác lại những sở thích cá nhân. Cuối cùng, con vẫn vào đại học – như bao bạn bè khác – với một hành trình 3 năm đầy áp lực không cần thiết.
Muốn con tự tin hơn – hãy để con là "cá lớn trong ao vừa". Muốn con cao hơn – hãy để con được ngủ đủ, ăn đủ, vận động đủ. Muốn con sống đúng với chính mình – hãy đừng để con bị nhấn chìm trong cuộc đua điểm số.
Mỗi đứa trẻ là một đường chạy riêng. Và chọn trường – đôi khi – chính là chọn chạy nhanh, hay chạy xa.
Cuối cùng, tôi viết những dòng này chỉ để mở ra một góc nhìn khác, chắn chắn có người không đồng tình, trong một giai đoạn nhiều phụ huynh đang đứng trước những lựa chọn khó khăn.
Không có câu trả lời đúng cho tất cả. Chỉ có câu trả lời đúng với từng đứa trẻ.
Chọn trường không phải là chọn danh tiếng – mà là chọn sự phát triển dài hạn, toàn diện, phù hợp và hạnh phúc cho con.