Ở thời điểm hiện tại, TP.HCM đang tiến tới việc trở thành trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế của cả khu vực. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế qua mỗi giai đoạn phù hợp với xu thế phát triển đã giúp TP.HCM vững vị trí đầu tàu cả nước.

Phối cảnh trung tâm tài chính TP.HCM
ẢNH: Sở Tài chính TP.HCM
Từ "phá rào" tìm lương thực cho 3 triệu dân…
"Hồi mới thống nhất đất nước, TP.HCM có khoảng 3 triệu dân, trong đó dân nhập cư rất lớn. Khi ấy, VN vẫn còn bị cấm vận, TP.HCM cũng bị ảnh hưởng bởi cơ chế quản lý kinh tế hóa tập trung, ngăn sông cấm chợ. Dù có vị trí địa chính trị chiến lược nhưng do thiếu nguyên vật liệu, các nhà máy đóng cửa, người dân thiếu ăn, điều quan tâm nhất chỉ là lo đảm bảo an ninh lương thực cho người dân. Tôi còn nhớ thời đó, lãnh đạo TP đã phải rất năng động, sáng tạo, vượt qua những hàng rào quy định để tìm về các tỉnh ĐBSCL mua lúa gạo theo sát giá thị trường (thời đó còn chưa có khái niệm này). Nhờ giải pháp táo bạo đó, người nông dân có lợi nhuận cao nhất mới tăng ca, tăng kíp, tăng vụ mùa, cung cấp đủ gạo để người dân không bị ảnh hưởng bởi đói nghèo", Nhà giáo ưu tú Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, nhớ lại.
Cũng theo ông Ngân, đây chính là khởi nguồn cho việc định hình cơ cấu kinh tế của TP sau chiến tranh. Không chỉ thu mua gạo từ ĐBSCL, TP phải đồng thời tạo ra hàng hóa trao đổi nên đã dần hình thành các khu vực sản xuất nhỏ, hàng tiểu thủ công nghiệp. Rồi cũng từ đó, thương mại bắt đầu phát triển thông qua lấy hàng nông sản từ miền Tây để xuất khẩu, thu về ngoại tệ dùng nhập nguyên liệu phục vụ ngành dệt may, da giày, bột giặt, thuốc lá…; đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân.

Phối cảnh trung tâm tài chính TP.HCM
ẢNH: Sở Tài chính TP.HCM
"Sau năm 1986, khi đất nước chuyển sang giai đoạn đổi mới, khi người dân đã có thu nhập khấm khá hơn, nhu cầu tiêu dùng cũng tăng cao, các hoạt động giao thương giữa TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL ngày càng nhộn nhịp. Người miền Tây lên TP đi chợ, mua áo quần, giày dép…, biến TP.HCM trở thành trung tâm bán buôn, bán lẻ, hoạt động thương mại cứ thế phát triển mạnh", ông Ngân hồi tưởng.
Với lợi thế là cửa ngõ giao lưu hội nhập quốc tế, có sân bay Tân Sơn Nhất, có hệ thống cảng biển lớn nhất khu vực miền Nam, là trung tâm kết nối các địa phương vùng Đông Nam bộ - Tây Nam bộ, TP.HCM dần trở thành trung tâm thương mại, trung tâm chăm sóc sức khỏe của cả vùng Nam bộ, tập trung các dịch vụ y tế chất lượng cao; đồng thời có hệ thống giáo dục, đào tạo tiên tiến… Những lợi thế và tiềm năng sẵn có đã thúc đẩy tỷ trọng các ngành thương mại, dịch vụ đóng góp trong cơ cấu kinh tế ngày càng lớn.
Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, trong giai đoạn 2000 - 2014, cơ cấu kinh tế của TP.HCM đã chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng GDP 2 khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản và công nghiệp - xây dựng, đồng thời tăng dần tỷ trọng GDP khu vực dịch vụ. Cụ thể, khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản giảm dần từ 1,96% năm 2000, xuống còn 1% năm 2014. Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm từ 45,41% năm 2000 xuống còn 39,40% năm 2014. Khu vực dịch vụ tăng dần từ 52,63% năm 2000 lên 59,60% năm 2014.
Các chuyên gia kinh tế của Viện đánh giá chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế được xem là một trong những giải pháp hàng đầu của TP.HCM trong giai đoạn hội nhập kinh tế toàn cầu. Sự chuyển dịch này đi đúng hướng theo định hướng của Chính phủ và của UBND TP.HCM, đồng thời là bước đệm để TP từng bước trở thành trung tâm thương mại, KH-CN, GD-ĐT của khu vực. Đến năm 2020, quy mô kinh tế của TP đã tăng gấp 2,7 lần năm 2010, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tập trung vào các ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.
…Tới trung tâm tài chính quốc tế của cả khu vực
Sau nhiều thập niên giữ vai trò trung tâm kinh tế, dịch vụ lớn nhất cả nước, ngày 15.11.2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.HCM khi Bộ Chính trị có Kết luận số 47 đồng ý chủ trương thành lập TTTC quốc tế toàn diện tại TP.HCM (TTTC TP.HCM).
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được cho biết TTTC không chỉ là nơi hội tụ dòng vốn lớn mà còn là động lực chiến lược thúc đẩy đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, nâng cao năng lực quản trị, gia tăng sức cạnh tranh và hội nhập quốc gia. Đây là cơ hội nâng cao hiệu quả, phân bổ nguồn lực và mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp (DN) trong phát triển hạ tầng, khẳng định vị thế của VN trong mạng lưới tài chính thương mại toàn cầu. Việc xây dựng TTTC quốc tế không chỉ mang lại lợi ích KT-XH tích cực cho TP.HCM mà còn tạo sự lan tỏa cho các đô thị lân cận và cả khu vực Đông Nam Á. Đây sẽ là nền tảng để TP.HCM nâng cao năng lực quản lý đô thị, phát triển bền vững và mở rộng hợp tác toàn diện với các quốc gia.
Ông Trần Hoàng Ngân nhìn nhận thực tế trước khi được thông qua chủ trương thành lập TTTC, TP.HCM đã là TTTC lâu đời của VN. Từ trước những năm 1975, trước thời kỳ đổi mới, TP đã có hệ thống ngân hàng (NH), dịch vụ tài chính phát triển. Các NH thương mại cổ phần đầu tiên của VN đều được thành lập ở TP.HCM, có thể kể tới như NH Sài Gòn Công thương, NH Eximbank, NH Phát triển nhà ở… Về sau, các định chế tài chính đầu tiên, trung tâm giao dịch chứng khoán đầu tiên cũng "khai sinh" tại TP từ những năm 2000. TP.HCM là nơi tập trung quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, chi nhánh NH nước ngoài… nhiều nhất cả nước. Cùng với đó, các hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được coi là động lực quan trọng cho bước tiến mới của kinh tế VN cũng ngày càng đóng góp nhiều vào cơ cấu kinh tế TP.HCM, hiện đã đạt trên 5%.
Ngoài ra, TP.HCM sở hữu vị trí địa lý thuận lợi khi tiếp giáp với vùng biển phía đông, thuận lợi liên kết vùng và giao thương quốc tế. Đây là nơi có nhiều trung tâm công nghiệp lớn; thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng phát triển và nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ cao.
"Năm 2022, tổ chức Z/Yen Partners (Anh) và Viện Phát triển Trung Quốc đã công bố về chỉ số TTTC toàn cầu (GFCI), theo đó xếp hạng TP.HCM đứng thứ 104/120. Khi đó, TTTC TP.HCM đứng sau Bangkok của Thái Lan, Jakarta của Indonesia và Manila của Philippines. Năm ngoái, cũng trong bảng xếp hạng này, TP.HCM đã thăng hạng lên bậc 98, vượt Manila. Chúng ta chưa chính thức thành lập TTTC mà đã được quốc tế công nhận rồi. Chính phủ quyết định chọn TP.HCM để phát triển TTTC quốc tế VN là một hướng đi, một quyết định vừa có cơ sở thực tiễn và có một tầm nhìn xa chiến lược lâu dài. TTTC không chỉ là động lực mới để TP.HCM bứt phá mà sẽ là biểu tượng mang tầm vóc thời đại của một đất nước VN đang vươn mình sánh vai với các cường quốc năm châu", đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Theo phương án xây dựng TTTC được Sở Tài chính TP.HCM đề xuất lựa chọn, TTTC được xác định bố trí tại một phần khu lõi trung tâm thương mại - tài chính (CBD) (Phân khu 1) và một phần diện tích Q.1 nằm trong khu lân cận lõi trung tâm (Phân khu 5) của khu trung tâm hiện hữu TP. Tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được bố trí toàn bộ các phân khu chức năng (trừ Phân khu 8) với diện tích khoảng 564 ha. Tổng diện tích TTTC TP.HCM theo tính toán khoảng 687 ha. Trong 687 ha dự kiến thu hút đầu tư, sẽ có 9,2 ha của 11 phân khu tại khu lõi của Khu đô thị mới Thủ Thiêm dự kiến đầu tư xây dựng các cơ quan quản lý hoạt động TTTC, cơ quan tài phán, cơ quan giám sát hoạt động và các tòa nhà tài chính hiện đại.