Dỡ rào chắn, khơi thông cửa ngõ phía nam
Sáng 6.1, dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh (Q.7), đoạn giao với Nguyễn Hữu Thọ thông thoáng lạ thường. Không chỉ vì đường đỡ kẹt xe nhờ 2 nhánh hầm chui cùng cầu Rạch Đỉa vừa được hoàn thiện đưa vào thông xe, mà còn do hơn 1 km rào chắn trên nút giao điểm đen ùn tắc này vừa được tháo dỡ. Vậy là sau gần 1 năm kể từ tháng 2.2024, người dân sống tại khu vực cửa ngõ phía nam TP đã có thể phóng tầm mắt nhìn xuyên đường Nguyễn Hữu Thọ từ phía H.Nhà Bè sang Q.7 và ngược lại, không còn bị chắn ngang bởi hàng rào thi công và lớp khói bụi mù mịt phía trong công trường.
Nút giao hiện ra, dù vẫn còn đang ngổn ngang sỏi đá cùng máy móc tập kết, nhưng cũng đủ khiến những người thường xuyên di chuyển qua khu vực này lòng đầy hứng khởi vì chắc chắn trước tết Nguyên đán, khu vực giao lộ này sẽ được khơi thông hoàn toàn, như dự kiến mà chủ đầu tư đã thông tin hồi cuối tháng 12. Khi đó, người dân có thể di chuyển thẳng theo trục Nguyễn Hữu Thọ để đi từ H.Nhà Bè, Q.7 vào trung tâm TP hoặc ngược lại, thay vì đi vòng qua Nguyễn Văn Linh như hiện nay. Cùng với hai nhánh hầm chui mới vừa khánh thành, vòng xoay Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ sẽ "lột xác" với diện mạo hoàn toàn mới. Sẽ không còn cảnh tượng dòng xe con nối đuôi sau những chiếc xe tải, xe container cồng kềnh; không còn hình ảnh xe máy, ô tô giao cắt nhau lộn xộn qua vòng xoay rồi chen nhau ùn tắc ngay giữa ngã tư như trước.
Trong khi đó, đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án đường bộ cao tốc lớn nhất miền Nam với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh (giai đoạn 1) là hơn 31.320 tỉ đồng, đi qua các huyện Cần Giờ, Nhà Bè và Bình Chánh cũng được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) cho biết đang phấn đấu thông xe 18,8 km đoạn từ nút giao QL1 đến nút giao Nguyễn Văn Tạo (H.Nhà Bè, TP.HCM) trước Tết Nguyên đán 2025. Dự kiến, một đoạn tuyến liền mạch dài 22 km phía tây đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ được thông xe trước thềm năm mới. Hai công trình lớn nhất, cùng loạt cây cầu kết nối nội huyện gồm Rạch Đỉa, Phước Long, Long Kiểng… vừa được thông xe sẽ giúp cửa ngõ phía nam TP xóa cảnh ùn tắc trầm trọng bao năm qua. Người dân về quê và hàng hóa di chuyển về hướng Long An, miền Tây dịp tết cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Ông Lương Minh Phúc (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM - TCIP, gọi tắt Ban Giao thông) cho biết trong năm nay, TP sẽ tiếp tục triển khai khởi công cầu Rạch Tôm, cầu Rạch Dơi, mời gọi đầu tư mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, xây dựng các nút giao nối kết giữa QL50, đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Tạo với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, khởi công cầu Nguyễn Khoái, nghiên cứu trục động lực QL50B và hoàn tất toàn bộ đường QL50. Đến cuối năm 2025, hệ thống hạ tầng giao thông khu vực phía nam TP sẽ cơ bản được hoàn thiện, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương địa bàn phía nam nói riêng cũng như toàn TP nói chung.
Cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất chờ hạ nhiệt
Tương tự, khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang ngóng từng ngày hoàn thiện những công trình giao thông kết nối trọng điểm để đón một mùa cao điểm tết thông thoáng. Những ngày cận tết này, các tuyến đường kết nối từ trung tâm TP ra tới sân bay thường xuyên trong tình trạng hầm hập xe cộ, không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày của người dân mà còn mang đến nhiều rủi ro cho hành khách có lịch di chuyển bằng đường không qua sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Lương Minh Phúc thông tin: Đường Tân Kỳ Tân Quý ở phía tây TP vừa được mở rộng đưa vào khai thác phục vụ người dân từ 30.12.2024. Người dân phấn khởi khi nhìn tuyến đường mới trải nhựa sạch sẽ, sơn vạch kẻ đường, lắp dải phân cách, hai bên vỉa hè lát gạch, biến đoạn đường từ Bình Long đến kênh Nước Đen lột xác sau khi mở rộng gấp 3 lần. Các nhà thầu, đơn vị tư vấn đang chạy đua với thời gian, tăng ca tăng kíp gấp rút hoàn thiện các công đoạn cuối cùng để tiếp tục thông xe cầu Tân Kỳ Tân Quý vào 20.1 tới để đồng bộ trục đường này. Cầu Tân Kỳ Tân Quý sẽ đồng bộ với đường Tân Kỳ Tân Quý hình thành trục giao thông thông suốt từ QL1A đến trung tâm TP và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là một trong 10 dự án trọng điểm giảm ùn tắc khu vực cửa ngõ sân bay.
Sau đó, đơn vị này sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý đoạn trên địa bàn Q.Tân Bình, thông xe đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa nối kết vào nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất. Dự kiến, trục đường nối Trần Quốc Hoàn - Nhà ga T3 - Hoàng Hoa Thám đến cuối tuyến sẽ thông xe trước Tết Nguyên đán 2025. Từ đây sẽ hình thành trục giao thông nối kết giữa QL1A - Vành đai 2 với sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực trung tâm TP.
Phía cửa ngõ tây bắc còn có công trình đang được người dân ngóng đợi rất nhiều, đó là mở rộng đường Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp). Công trình có tổng vốn 2.300 tỉ đồng, mục tiêu thông xe cuối năm. Tuần nào cũng di chuyển qua khu vực này để về nhà ở H.Củ Chi, anh Trần Hoài Nam (ngụ Q.Gò Vấp) cho biết trên trục đường từ Phan Văn Trị nối ra Quang Trung về Củ Chi, đoạn qua Dương Quảng Hàm thường xuyên ùn tắc khoảng 200 - 300 m do khu vực này "hội tụ" rất nhiều hàng quán, công trình tôn giáo, cả kho vận của công ty chuyển phát… Nhu cầu di chuyển cao, đường hẹp nhưng nhiều xe tải, cộng với dòng xe hay dừng, đỗ mua đồ, ra vào từ nhiều hướng nên rất dễ trở nên hỗn loạn. "Có những thời điểm đèn tín hiệu bị lỗi, người dân phải ra điều tiết nhưng cũng không thể giải quyết được ùn tắc nghiêm trọng. Cứ luồn ra được đoạn này thì đoạn khác lại kẹt cứng", anh Nam chia sẻ.
Thông tin từ chủ đầu tư, tiến độ thi công mở rộng đường Dương Quảng Hàm không được như kỳ vọng do vướng di dời và tháo dỡ các lô cốt từ Bộ Quốc phòng; bàn giao mặt bằng từ Q.Gò Vấp và việc thu hồi trụ điện từ ngành điện lực. Các đơn vị đang phối hợp, nỗ lực tối đa để đưa dự án về đích trước tết Nguyên đán, phục vụ bà con.
"Sắp tới, TCIP sẽ triển khai mở rộng tiếp các đường Trường Chinh, Cộng Hòa trong khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất để hoàn thiện hệ thống giao thông cho cả khu vực này", ông Lương Minh Phúc chia sẻ.
Mở nút thắt cho TP sáng tạo phía đông
Trong những dự án đang chạy đua về đích trước tết, khu đông TP cũng điểm tên khá nhiều dự án trọng điểm, không chỉ giải tỏa ách tắc cho nội đô mà còn đóng vai trò lớn trong kết nối giao thông liên vùng. Điển hình là công trình nút giao An Phú (TP.Thủ Đức).
Cập nhật tiến độ từ chủ đầu tư, cầu Bà Dạt và cầu Giồng Ông Tố 2 của nút giao An Phú đang nỗ lực thi công hoàn thiện trước thềm năm mới để mở đường cho người dân TP về quê hoặc du xuân theo hướng qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Các đơn vị đang tập trung đẩy nhanh đường hầm HC1 để có thể hoàn thành trước 30.4.2025 và tất cả các hạng mục 4 gói thầu, cũng như hạng mục HC2 trước 31.12. Toàn bộ các hạng mục của nút giao An Phú sẽ được hoàn thành trong năm nay.
Cùng với đó, các gói thầu còn lại của nút giao Mỹ Thủy đang ở giai đoạn cuối hoàn thiện, dự án đường Nguyễn Thị Định chuẩn bị khởi công, hoàn tất mở rộng đường Lương Định Của, khởi công mở rộng đoạn đầu 4 km của cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (phần còn lại do Bộ GTVT thực hiện). Như vậy, khu vực cửa ngõ phía đông TP bao gồm đường Lương Định Của, nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy, đường Phạm Văn Đồng, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ được mở rộng đồng bộ, sẵn sàng nối kết với nhà ga hành khách Long Thành giai đoạn 1. Dự kiến tới 30.4 sẽ hoàn thành kết nối Vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với cầu Nhơn Trạch do Bộ GTVT thực hiện. Sau đó, TP.HCM sẽ khởi công thêm đường liên cảng mới nối từ cụm cảng Cát Lái - IDC Tân Bình cho đến Vành đai 3. Dự án đường liên cảng sẽ giải quyết cơ bản nút thắt giao thông tại khu vực cảng Cát Lái, tạo sự di chuyển thuận lợi cho xe ra vào cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu, giảm ùn tắc giao thông trên các đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ. Đồng thời, góp phần quan trọng cho phát triển logistics của TP.HCM và vùng Đông Nam bộ.
Báo động những hình ảnh "cực xấu" của khách đi metro
Ngày 6.1, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC) cho biết sau 2 tuần đầu hoạt động thương mại tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), số lượng hành khách di chuyển bằng phương tiện này tăng 300% so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên đội ngũ vận hành cũng phát hiện nhiều trường hợp còn vi phạm văn hóa metro, làm ảnh hưởng đến trải nghiệm chung của tất cả hành khách.
Theo đó, có nhiều hành khách vi phạm quy định về cảnh báo an toàn như: đứng chặn cửa chắn ke ga và cửa tàu để chờ người thân lên xuống; thời gian mở và đóng cửa tàu chỉ trong 30 giây, nhưng có hành khách vẫn cố lao ra hoặc lên tàu khi cửa đang đóng; nhiều khách bước qua vạch cảnh báo an toàn… Ngoài ra còn có nhiều trường hợp chen lấn, xô đẩy lên, xuống tàu gây nguy cơ mất an toàn; nhiều trường hợp khách mang theo đồ ăn, thức uống vào khu vực nhà ga; có hành khách cố tình mang theo thú cưng trong ba lô. Thậm chí có trường hợp cởi bỏ trang phục, thiếu thuần phong mỹ tục khi chụp ảnh; có khách còn sử dụng nhà vệ sinh như phòng tắm cá nhân. "Metro là phương tiện vận chuyển công cộng hiện đại, hành khách cần tuân thủ các quy định, xây dựng và giữ gìn văn hóa metro vì một môi trường giao thông văn minh, an toàn", đại diện HURC khuyến nghị.