Thuế xuất khẩu vào Mỹ "cào bằng", mừng hay lo?
Thông tin cập nhật trên các hãng tin quốc tế đến chiều hôm qua (2.4, theo giờ VN) cho thấy Mỹ dự định áp thuế 20% với hầu hết hàng hóa nhập khẩu, thay vì nhắm vào một số đối tác hoặc sản phẩm nhất định. Thuế mới có thể giúp ngân sách Mỹ tăng thêm 6.000 tỉ USD nhưng các nước xuất hàng vào thị trường này lại như "ngồi trên đống lửa".

Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất của VN
ẢNH: Ng.Nga
Trao đổi với Thanh Niên chiều 2.4, đa số doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ nói tâm lý chung là chờ bởi mọi việc đều rất khó đoán nhưng nỗi lo đang hạ nhiệt. Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, giải thích về sự "ngược đời" này rằng trước đây, đa số doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ đều lo ngại về chính sách đánh thuế vào các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ. Như vậy sau Trung Quốc, Canada, Mexico… VN có nguy cơ cao. Ở trường hợp này, hàng hóa từ các nước bị áp thuế sẽ cao hơn rất nhiều so với cùng mặt hàng từ các đối tác khác, dẫn đến khó cạnh tranh. Còn nếu áp thuế đồng loạt thì hàng hóa của nước nào cũng chịu chung số phận bị đánh thuế như nhau khi vào Mỹ. Như vậy, sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu sẽ không cao như lo ngại.
Tuy nhiên, ông Quốc Anh bày tỏ thắc mắc và lo ngại: Nếu đánh thuế đối ứng, có phải sẽ không có sự phân biệt giữa hàng hóa từ Trung Quốc (vốn đang bị đánh thuế rất cao) và các nước khác? Nếu đúng như vậy, có thể lợi thế ở một số ngành của VN sẽ không còn nữa. "Hiện tại, VN đang xuất khẩu một số mặt hàng như lốp xe, các miếng đệm cao su sang Mỹ với mức thuế thấp hơn hàng Trung Quốc. Lâu nay, doanh nghiệp trong hiệp hội tận dụng lợi thế này, lấy được đơn hàng từ Mỹ. Giờ áp thuế quan đối ứng cho mọi quốc gia nếu lốp xe từ Trung Quốc hay VN đều có mức thuế như nhau thì vô hình trung, lợi thế này không còn nữa", ông Quốc Anh nói.
Theo ông, nhờ lợi thế thuế, VN đạt kim ngạch xuất khẩu lốp ấn tượng - khoảng hơn 3 tỉ USD mỗi năm.
Đây cũng là vấn đề khiến ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP.HCM, tỏ ra thận trọng. Bởi thực tế, thuế xuất khẩu hàng dệt may từ VN sang Mỹ tương đối thấp so với các nước, đặc biệt so với Trung Quốc. "Theo tôi hiểu, chính sách thuế đối ứng áp với các quốc gia, nhưng mức thuế mà các nước đã bị áp trước đây sẽ không được "hồi tố". Như vậy, so với hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc, hàng xuất xứ VN vẫn lợi thế hơn. Tuy nhiên, có một chi tiết đáng lo ngại là chính sách thuế quan của Mỹ khiến các doanh nghiệp không dám mở rộng đầu tư trong năm nay, đa số co cụm và làm các đơn hàng đã có trước đó. Trong quý đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành có tăng, nhưng nỗi lo vẫn còn phía trước", ông Phạm Xuân Hồng thông tin.
Riêng nông sản có tâm thế lạc quan hơn. Một doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản lớn sang Mỹ tự tin chính sách thuế đối ứng sẽ khó áp lên hàng nông sản Việt như trái cây, cà phê, tiêu… Lý do, đó là các mặt hàng mà Mỹ không có và nhu cầu tiêu thụ lớn. Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ NN-MT cho biết đang xem xét giảm thuế đối với một số mặt hàng nông sản của Mỹ xuất sang nước ta để hài hòa hàng hóa hai chiều.
Cần tiếp tục chủ động giảm thuế
Phân tích của Công ty Chứng khoán KBSV đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra nếu Mỹ đưa VN vào danh sách các đối tác bị áp thuế đối ứng. Kịch bản thứ nhất là VN bị áp thuế đối ứng không tính đến thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, Mỹ có thể tăng mức thuế bình quân thêm 5,8% đối với hàng hóa nhập khẩu từ VN. Kịch bản thứ 2 là VN bị áp thuế đối ứng có tính đến thuế VAT. Mỹ có thể xem xét đến cả những rào cản thương mại khác mà các quốc gia khác đang áp dụng, điển hình như thuế VAT, theo đó, mức thuế đối ứng có thể lên tới xấp xỉ 11%. Kịch bản cuối cùng là VN không bị áp thuế đối ứng. Hơn nữa, VN cũng đang có những kế hoạch cụ thể nhằm tăng mua hàng hóa từ Mỹ… nên kịch bản này đang được kỳ vọng nhất.
Chuyên gia kinh tế tài chính, TS Cấn Văn Lực nhận định VN đã và đang đi đúng hướng, kịp thời đối với chính sách thuế quan. Đặc biệt đã kịp thời ban hành Nghị định 73 giảm thuế nhập khẩu cho nhiều mặt hàng. Ông đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kiên định với biện pháp này trong thời gian tới, tăng cường đối thoại. Ông cho rằng dù Mỹ áp thuế lên mọi quốc gia, với thị trường đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, VN nên chủ động giảm thuế, nhất là thuế đối ứng với những hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nhiều nước, trong đó lưu ý hàng nhập từ Mỹ. Gia tăng nhập khẩu thiết bị, hàng hóa dịch vụ thiết yếu từ Mỹ; chú trọng giải quyết các vướng mắc về đầu tư, thương mại cho nhà đầu tư Mỹ…
Với doanh nghiệp, lời khuyên của chuyên gia này là tăng cường hơn nữa đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa xuất đi phải minh bạch, đầy đủ để khi cần chứng minh với phía Mỹ thì phải có ngay. Điều này hướng doanh nghiệp đến hoạt động chuyên nghiệp hơn, thích ứng hơn và mang tính bền vững hơn.
TS Nguyễn Quốc Việt, chuyên gia kinh tế, cho rằng trong trường hợp Mỹ đánh giá tích cực về nỗ lực của VN trong giảm thuế nhập khẩu hàng hóa mà có thể có lợi cho Mỹ, VN có thể không bị đưa vào danh sách tính thuế đối ứng đợt này. Giải pháp sắp tới là tiếp tục điều chỉnh thuế một số mặt hàng khác nữa, chú trọng cải thiện các yếu tố mà Mỹ đang cho là VN bảo hộ, hay kiểm soát tỷ giá, chính sách tiền tệ chưa minh bạch… "Vấn đề của chúng ta làm tiếp theo là xây dựng thị trường tài chính minh bạch, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nếu có, cần minh bạch, rõ ràng và bảo đảm công bằng. Việc mở cửa thị trường cho nhiều hàng hóa, tạo điều kiện, gỡ vướng cho nhà đầu tư Mỹ tại VN cũng là điểm cộng cần lưu ý", TS Nguyễn Quốc Việt nhận xét.
Từ khi trở lại vị trí Tổng thống Mỹ đầu năm 2025, ông Donald Trump đã thực hiện và thay đổi nhiều chính sách liên quan đến thuế quan.
Ngày 1.2: Áp 25% thuế với mặt hàng thép, nhôm từ 2 quốc gia láng giềng là Canada và Mexico; tăng thêm 10% thuế với hàng hóa từ Trung Quốc
Ngày 10.2: Áp 25% thuế với các nhóm hàng thép, nhôm nhập khẩu từ các quốc gia
Ngày 18.2: Công bố sẽ đánh thuế 25% với ô tô, chất bán dẫn, dược phẩm nhập vào Mỹ
Ngày 4.3: Công bố sẽ áp thêm 10% thuế lên hàng Trung Quốc
Ngày 26.3: Thông báo áp 25% thuế với ô tô và linh kiện nhập khẩu vào Mỹ
Ngày 2.4 (giờ địa phương): Công bố mới về thuế đối ứng cho mọi quốc gia