Để ghi nhận tình hình thực tiễn từ cộng đồng doanh nhân trẻ, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã triển khai khảo sát nhanh trong các doanh nghiệp hội viên về mức lãi suất vay ngân hàng hiện tại. Kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp, trong số đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng, nông nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu… cho thấy, mức lãi suất vay hiện tại có sự khác biệt lớn giữa các ngân hàng và loại hình vay.
Về mức lãi suất vay ngắn hạn, doanh nghiệp cho biết dao động từ 4% đến hơn 9,5%/năm, trong đó mức phổ biến rơi vào khoảng 6% - 8,5%/năm. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp phản ánh đang phải chịu lãi suất tới 11%/năm, vượt xa mặt bằng chung hiện tại. Lãi suất vay trung và dài hạn dao động từ 5% đến 11%/năm, với phần lớn doanh nghiệp đang vay ở mức 6 - 8%/năm. Một số doanh nghiệp phản ánh không được tiếp cận nguồn vốn vay hoặc vẫn đang chịu lãi suất cao dù có các gói hỗ trợ được công bố.

Lãi suất cho vay lên đến 11%/năm
ẢNH: NGỌC THẮNG
Không ít doanh nghiệp cho biết hiện tại không vay được vốn, hoặc bị từ chối do tài sản bảo đảm không đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các tài sản hình thành trong tương lai - điều phổ biến trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất.
Theo kết quả khảo sát, có khoảng 50% doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất hiện nay là chưa hợp lý, trong khi số còn lại đánh giá là hợp lý. Theo phản ánh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi, vốn chủ yếu dành cho doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và cách thức triển khai thực tế tại các ngân hàng thương mại.
Các doanh nghiệp hội viên cũng đưa ra nhiều đề xuất cụ thể với mong muốn Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống tổ chức tín dụng tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, hạ lãi suất vay ngắn hạn về mức 4 - 6%/năm, và vay trung - dài hạn về mức 5 - 8%/năm. Ổn định chính sách lãi suất trong dài hạn, tối thiểu từ 3 - 5 năm, để doanh nghiệp có thể chủ động trong lập kế hoạch tài chính.
Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam kiến nghị ưu đãi thực chất và rõ ràng hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua các gói tín dụng chuyên biệt, giảm yêu cầu về tài sản bảo đảm. Giảm chi phí và đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tăng tỷ lệ chấp nhận tài sản hình thành trong tương lai. Đồng thời, tăng cường minh bạch thông tin về các gói tín dụng ưu đãi hiện có, tránh tình trạng doanh nghiệp không biết hoặc khó tiếp cận do thiếu thông tin.
Thông qua kết quả khảo sát nhanh cho thấy, cộng đồng doanh nhân trẻ Việt Nam kỳ vọng vào những hành động cụ thể và quyết liệt hơn từ Ngân hàng Nhà nước và hệ thống tổ chức tín dụng trong việc giảm lãi suất. Đặc biệt, các với doanh nghiệp nhỏ và vừa - lực lượng nòng cốt của nền kinh tế - rất cần được hỗ trợ về vốn để phục hồi và phát triển sau những năm khó khăn.