Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, Công ty Việt Nam SuperPort™ và Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc 16 Việt Nam (thuộc Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc) đã ký kết phát triển hạ tầng logistics đường sắt chiều 7.1.
Theo đó, biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam SuperPort™ và Viện Chiến lược và Phát triển GTVT nhấn mạnh việc triển khai chiến lược phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia, tối ưu hóa việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả đến và đi từ Việt Nam SuperPort™.
Hai bên sẽ hợp tác nghiên cứu chiến lược phát triển các tuyến đường sắt, nhà ga mới kết nối với Việt Nam SuperPort™ nhằm nâng cao năng lực hậu cần. Theo đó, Việt Nam SuperPort™ được định vị là trung tâm trung chuyển chủ lực dọc theo tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Sáng kiến này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa hiệu quả, tiết kiệm tại Việt Nam và xuyên biên giới.
Việt Nam SuperPort™ cũng ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc 16 Việt Nam, với việc xây dựng nhà ga hàng hóa đường sắt tại Việt Nam SuperPort™ và một tuyến đường sắt kết nối với đường sắt quốc gia Việt Nam. Nhà ga sẽ phục vụ các dịch vụ hậu cần và vận chuyển hàng hóa xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc cũng như các quốc gia khác trong khu vực.
Tại đây sẽ cung cấp các giải pháp hậu cần tích hợp bao gồm: lên kế hoạch, xử lý hàng hóa, quản lý kho vận, phân phối, vận chuyển đa phương thức…, từ đó nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của dịch vụ vận tải đường sắt.
Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort™, cho biết dự án với diện tích 83 ha sẽ tích hợp giao thông đường bộ, đường hàng không, đường biển và đường sắt. Phát triển ngành logistics gắn với kết nối hạ tầng giao thông, đặc biệt là hạ tầng đường sắt sẽ góp phần nâng cao năng lực hậu cần quốc gia cũng như tăng cường khả năng hội nhập của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hơn 200.000 tỉ đồng làm tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Ban Quản lý dự án đường sắt vừa đề xuất Bộ GTVT xem xét, xin ý kiến các bộ, ngành về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, khổ tiêu chuẩn 1,435 m. Tốc độ thiết kế 120 - 160 km/giờ, dài 388 km đi qua 9 tỉnh, thành phố và kết nối với Trung Quốc.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 211.030 tỉ đồng, bao gồm 135.600 tỉ đồng vốn vay ưu đãi để xây dựng. Nhà tài trợ vốn dự kiến là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).
Dự án có điểm đầu tuyến tại khu vực nối ray giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Dự kiến giai đoạn 1 từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng toàn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo quy mô đường đơn, giải phóng mặt bằng quy mô hoàn chỉnh.
Giai đoạn sau năm 2050 sẽ hoàn thành xây dựng toàn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo quy mô đường đôi và xây dựng đoạn tuyến nhánh nam Hải Phòng - nam Đình Vũ.