Giá ngoại tệ, vàng tăng mạnh

Kẻ khóc người cười khi ngoại tệ biến động mạnh

Giá USD cùng các ngoại tệ khác những ngày gần đây tăng mạnh khiến các gia đình có con đang du học cảm thấy "chóng hết cả mặt". Chị Nguyễn Thanh (Q.7, TP.HCM) chia sẻ, nhìn giá USD tăng mà lo lắng. Con gái chị Thanh đang học năm 3 đại học ở Mỹ. Mỗi năm, tiền học phí chị đóng 2 lần vào tháng 1 và tháng 8, nhưng tiền sinh hoạt phí thì gửi hằng tháng. Chị cho biết học phí mỗi năm 30.000 USD, sinh hoạt phí mỗi tháng khoảng 1.000 USD, đó là chưa kể tiền vé máy bay, xin visa… 

Cách đây 3 năm, khi con chị Thanh đi du học, giá USD lúc bấy giờ là khoảng 23.000 đồng, nay mỗi USD tăng lên 26.000 đồng, nên chỉ tính riêng tỷ giá chị đã phải bỏ thêm 90 triệu đồng mới đủ mua ngoại tệ đóng học phí. Còn tiền sinh hoạt phí thì tăng thêm 3 triệu đồng mỗi tháng… "Chỉ tính riêng tỷ giá tăng thì số tiền bỏ ra mỗi năm cứ thế mà tăng lên. Từ nay đến tháng 8, thời điểm đóng học phí mà giá USD còn tăng nữa thì tôi phải bù thêm tiền mới mua đủ ngoại tệ thanh toán tiền học phí cho con. Mỗi lần thấy tỷ giá tăng là áp lực", chị Thanh than thở.

Giá ngoại tệ, vàng tăng mạnh- Ảnh 1.

Giá các ngoại tệ tăng mạnh

ẢNH: NGỌC THẮNG

Với các phụ huynh cho con du học ở Anh, châu Âu thì phấp phỏng hơn vì giá các ngoại tệ khu vực này cũng tăng mạnh khiến số tiền bỏ ra tăng vọt nằm ngoài dự đoán. Tuần qua, khi euro (EUR) vượt mức 30.000 đồng, chị H.K, có con du học ở Pháp, than trời vì số tiền bù chênh lệch tỷ giá quá lớn. Tương tự, anh Q.T có con chuẩn bị đi du học Anh cho biết, khi cha con anh làm hồ sơ, bảng Anh mới hơn 32.000 đồng, nhưng đến hôm qua đã vọt lên trên 34.000 đồng. "Đến tháng 9 con tôi nhập học, không biết còn biến động thế nào. Hy vọng là mọi thứ sẽ ổn định chứ bù tiền thêm nhiều thì quá sức gia đình tôi", anh T. nói.

Những người bán hàng xách tay nước ngoài cũng choáng váng vì tỷ giá quy đổi cao khiến giá hàng hóa trở nên đắt hơn trước. Chị Võ Vy (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết, một lọ nước hoa Pháp 100 ml giá 100 EUR nay tăng giá thêm 100.000 đồng chỉ vì tỷ giá tăng. Từ sau tết đến nay, hàng hóa mỹ phẩm, thực phẩm… xách tay khá ế ẩm, nay thêm tỷ giá tăng thẳng đứng làm giá hàng hóa cũng cao hơn khiến càng thêm ế ẩm.

Ngược lại, những người đang xuất khẩu lao động ở nước ngoài thì mừng ra mặt khi tỷ giá tăng. Chị Ngọc Ngà (đang làm việc ở Pháp) cho biết giá EUR tăng lên "bỗng nhiên thấy đỡ nghèo hẳn" khi quy đổi lương ra tiền Việt thì không quá thấp so với bạn bè mình ở VN. Giá EUR tăng lên gần 30.200 đồng, cao hơn gần 1.000 đồng chỉ trong vòng 10 ngày trở lại đây. Tương tự, anh Phùng Thiện (hiện đang làm việc tại Nhật) vui mừng ra mặt khi tỷ giá yen Nhật tăng lên. Vào tháng 4.2024, mỗi yen Nhật chỉ đổi được 160 đồng, nay tăng lên 175 đồng khiến số tiền anh gửi về cho vợ con ở nhà cũng vì thế tăng lên vài triệu đồng.

Hôm qua, các ngân hàng tăng giá USD thêm 30 - 80 đồng, lên lại 26.000 đồng/USD. Giá USD tại Vietcombank lên 25.610 - 25.640 đồng chiều mua vào, bán ra lên 26.000 đồng. Giá USD tại ACB lên 25.620 - 25.650 đồng, bán ra 26.000 đồng… USD đã tăng 140 đồng trong mấy ngày qua. Dù vậy, giá USD trong ngân hàng hiện thấp hơn mức cao kỷ lục đạt được trong tuần trước là 182 đồng. Trên thị trường liên ngân hàng, giá USD tăng 70 đồng, lên 25.826 đồng. Giá USD trên thị trường tự do tăng 40 đồng, mua vào 26.020 đồng, bán ra 26.120 đồng.

Biến động vàng ngày 15.4: Giá vàng SJC tiếp tục tăng

Các ngoại tệ khác trong ngân hàng cũng tăng giá mạnh so với giá cuối tuần trước. Tại Vietcombank, giá EUR tăng mạnh 414 đồng, lên 28.620 - 28.909 đồng chiều mua vào, bán ra 30.189 đồng; bảng Anh tăng gần 400 đồng, lên 32.960 - 33.293 đồng chiều mua vào, bán ra 34.360 đồng; yen Nhật tăng 2 đồng, lên 174 - 176 đồng chiều mua vào, bán ra 185,54 đồng; đô la Úc tăng 300 đồng, lên 15.832 - 15.992 đồng chiều mua vào, bán ra 16.505 đồng… Như vậy, so với đầu năm, giá USD trong ngân hàng đã tăng 450 đồng, tương đương 1,75%; EUR tăng gần 2.900 đồng, tương đương 10,6%; bảng Anh tăng 1.860 đồng, tương dương 5,7%; yen Nhật tăng 19,42 đồng, tăng 11,7%...

Nguyên nhân khiến giá các ngoại tệ tăng mạnh đến từ giá USD trên thị trường thế giới giảm mạnh so với các ngoại tệ khác. Chỉ số USD-Index giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây khi về mức 99,5 điểm. Chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đẩy căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang và khiến niềm tin vào đồng bạc xanh bị lung lay. Không những USD mà làn sóng bán tháo toàn cầu lan sang cổ phiếu và thậm chí cả trái phiếu chính phủ Mỹ vốn được coi là tài sản an toàn. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng gần nửa điểm phần trăm trong tuần qua, lên 4,49% trong bối cảnh giao dịch hỗn loạn. Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải hạ lãi suất để chống lại tác động của thuế quan. Đây cũng là một yếu tố quan trọng làm giảm sức hấp dẫn của USD trên thị trường thế giới.

Giá vàng tăng mạnh

Cũng từ cuộc căng thẳng thương mại trên thế giới đã khiến dòng tiền chảy mạnh trú ẩn vào vàng, giúp giá vàng thế giới đứng vững trên mức 3.200 USD/ounce trong ngày 14.4, có lúc lập mức cao kỷ lục ở 3.246 USD/ounce. Giá vàng trong nước cũng biến động theo chiều hướng tăng lên mức đỉnh mới. Các công ty kinh doanh vàng tăng mạnh giá mua vàng miếng SJC 2 triệu đồng/lượng, lên 105 triệu đồng/lượng; trong khi giá bán ra tăng 1 triệu đồng, lên 107,5 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn có mức tăng nhẹ hơn, chỉ từ 1 - 1,1 triệu đồng mỗi lượng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào lên 102,6 triệu đồng, bán ra 106,2 triệu đồng/lượng. Công ty Phú Quý mua vào 102,3 triệu đồng, bán ra 105,6 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji mua vào 102 triệu đồng, bán ra 105 triệu đồng/lượng. Công ty SJC mua vào với giá 102 triệu đồng, bán ra 105,1 triệu đồng/lượng… Giá bán vàng nhẫn hiện thấp hơn vàng miếng SJC từ 1,3 - 2,4 triệu đồng/lượng.

Giá ngoại tệ, vàng tăng mạnh- Ảnh 2.

Giá vàng lên mức cao kỷ lục

ẢNH: NGỌC THẮNG

Mặc dù ở mức giá cao kỷ lục nhưng lượng khách hàng đến Công ty SJC bán vàng không xuất hiện như những ngày trước đó khiến công ty không có hàng để bán, lượng vàng bán ra nhỏ giọt. Còn đối với vàng nhẫn, mỗi khách hàng được mua 1 lượng nhưng số lượng khách cũng giảm so với trước. Thị trường kỳ vọng giá vàng còn tăng lên 110 triệu đồng/lượng nên lực bán ra trên thị trường giảm mạnh.

Chuyên gia vàng Dương Anh Vũ dự báo giá vàng thế giới có thể sẽ chạm mức giá 3.320 USD/ounce trong 1 - 2 tuần trở lại đây. Kim loại quý còn có thể sẽ lên đỉnh giá mới trong thời gian tới khi quá trình đàm phán giữa Mỹ và các đối tác xung quanh tỷ lệ thuế quan sẽ khó có kết quả nhanh chóng. Thêm vào đó, căng thẳng ở khu vực Trung Đông sẽ là những hoạt động đáng chú ý có thể tác động đến giá vàng. Nhà đầu tư cần thận trọng trước những biến động của giá vàng vì khi lên nhanh thì cũng có khi giảm nhanh.

Dự báo giá USD tăng

Tại báo cáo vừa công bố, bộ phận Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB (Singapore) nhận định các đồng tiền châu Á sẽ bước vào giai đoạn suy yếu sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt hàng loạt thuế quan đối với các nền kinh tế châu Á. Khối lượng xuất khẩu gần như chắc chắn sẽ sụt giảm, làm suy yếu triển vọng tăng trưởng và đồng tiền của các nền kinh tế trong khu vực.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao