Đánh vào tâm lý kẹt tiền
Thời gian gần đây, tình trạng tổng đài nhá máy lại bùng phát và khi người dùng bắt máy, các thông tin "anh chị đã đủ điều kiện được vay 100 triệu đồng…" lập tức cất lên, những ai đang có tâm lý cần vay mượn ở thời điểm này có thể trở thành "con mồi" cho bọn lừa đảo.

Văn bản thông báo cho vay giả mạo
Ảnh: NVCC
Dù đã nhiều ngày trôi qua nhưng chị T.A, một thợ may tại Q.1 (TP.HCM), vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi bức xúc khi hứng một cú lừa "táng tận lương tâm". Chị kể: "Tôi một mình nuôi con học đại học và nuôi thêm một đứa cháu ruột mồ côi mẹ. Hồi đầu năm, cháu tôi có hỏi xin tiền đóng học phí, do thu nhập có phần giảm sút, kẹt tiền nhất thời nên khi có cuộc gọi điện thoại giới thiệu là Ngân hàng Vietcombank, tôi đã đánh liều làm theo hướng dẫn để vay 40 triệu đồng.
Do đã đọc nhiều cảnh báo lừa đảo, tôi trình bày rõ hoàn cảnh của mình cho nhân viên hướng dẫn và nhắn nhủ: "Em đừng lừa chị nhé". Đầu dây bên kia nói mình đang có bầu, sắp có con và còn lấy gia đình ra để thề thốt. Những lời này khiến tôi xóa tan nghi ngờ và bắt đầu nghe theo hướng dẫn. Sau khi làm theo các bước cung cấp thông tin, nhân viên này cho tôi xem thông báo từ hệ thống và nhanh chóng cho thấy tiền đã chuyển vào tài khoản, nhưng không thấy tiền đâu. Sau đó, người này nói tôi nhập thông tin địa chỉ sai so với CCCD nên tiền bị treo, muốn giải ngân thì phải nộp thêm 6 triệu đồng để ký quỹ và số tiền sẽ được trả về cùng với tiền vay. Dù đang kẹt tiền nhưng khi thấy các bước thủ tục đã gần xong, tiền sắp về tài khoản nên tôi cũng ráng đi vay mượn để nộp 6 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền vay vẫn chưa thấy giải ngân, nhân viên tiếp tục viện cớ này nọ để yêu cầu nộp thêm tiền. Đến lúc này tôi biết chắc mình đã bị lừa nên cắt đứt liên lạc".
Chiều 4.4, anh N.H.C, ngụ Hà Nội, chia sẻ: "Tôi vừa bị lừa lúc 16 giờ do các chiêu trò thao túng tâm lý quá tinh vi. Chúng mạo danh là công ty tài chính Lotte và đưa ra các thủ tục, thông tin tư vấn giống đến 99%. Trước đây tôi từng vay ngân hàng nên cũng nắm được quy trình. Còn đối với bọn lừa đảo chúng sẽ cố tình sửa sai số CCCD của mình đi rồi kêu do mình đánh sai một số rồi cho thời gian để xử lý chỉ vỏn vẹn 120 phút, nếu không thì số tiền vay sẽ bị tịch biên. Để chứng minh số CCCD này là của mình, nhóm lừa đảo kêu tôi phải chuyển 15 triệu đồng. Tiếp sau đó chúng lại nói là tôi điền sai số điện thoại của người thân và cho xem thông tin tra cứu trên web để mình đối chiếu. Các đối tượng này tiếp tục thao túng và dẫn dụ sẽ giúp sửa hồ sơ thêm một lần nữa nhưng phải đóng thêm 35 triệu đồng. Đến lúc này tôi mới sực tỉnh, nếu tôi có 35 triệu đồng thì cần gì phải đi vay 50 triệu đồng? Ngay lập tức tôi gọi đến hotline của Lotte để hỏi thì mới ngớ ra là bị lừa vì Lotte đã cảnh báo nhiều rồi. Đến lúc này thì số Zalo của kẻ lừa đảo cũng đã khóa và biến mất".
Ngân hàng nói gì?
Là đơn vị bị mạo danh liên tục trong thời gian gần đây, Ngân hàng Vietcombank vừa chính thức phát đi thông báo về tình trạng trên. Theo đó, Vietcombank cho biết: Kẻ gian sẽ tự nhận là nhân viên ngân hàng gọi điện, gửi tin nhắn (SMS, Zalo, Messenger…) thuyết phục khách hàng chủ động mở thẻ ghi nợ phi vật lý hoặc làm hồ sơ phát hành thẻ tín dụng tại ngân hàng. Một vài số điện thoại lừa đảo đã được phản ánh: 02366888766, 02488860469, 02888865154, 1900355561…

Tin nhắn thao túng tâm lý để nạn nhân phải nộp tiền
Ảnh: NVCC
Trong một số trường hợp, khi nhận cuộc gọi, khách hàng sẽ nghe thấy thông điệp giả danh tổng đài tự động: "Chúc mừng quý khách đã đủ điều kiện phát hành thẻ tín dụng tại ngân hàng. Nếu khách hàng có nhu cầu, nhấn phím 1 hoặc nhấn phím 0 để gặp tổng đài viên". Nếu khách hàng nhấn phím thì kẻ gian ngắt cuộc gọi, sau đó gọi lại tự nhận là nhân viên ngân hàng và lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng.
Các số điện thoại mà Vietcombank công bố cũng trùng khớp với báo cáo của người dùng thông qua website "Trang Trắng". Cụ thể, số điện thoại 02366888766 được nhiều người báo cáo cuộc gọi từ số này tự xưng là nhân viên ngân hàng, chào mời người nghe mở thẻ ghi nợ phi vật lý hoặc làm hồ sơ phát hành thẻ tín dụng. Đây là dấu hiệu cần cảnh giác cao độ về mánh khóe lừa đảo nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng.
Trước thủ đoạn lừa đảo nói trên, Vietcombank khuyến cáo: Khách hàng tuyệt đối không cung cấp các thông tin bảo mật (thông tin thẻ, mật khẩu ứng dụng VCBDigibank, mã OTP) cho bất kỳ ai. Vietcombank không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ dưới mọi hình thức. Khách hàng không truy cập các đường link lạ hoặc quét mã QR không rõ nguồn gốc được gửi qua thư điện tử (email), tin nhắn (SMS) hoặc mạng xã hội và chỉ liên hệ và nhận thông tin qua các kênh chính thức của Vietcombank để hạn chế rủi ro.
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 4.4, ông Nguyễn Anh Cương, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ KH-CN) cho hay: "Trước đây tình trạng lừa đảo qua dịch vụ viễn thông thường thấy sử dụng bằng SIM điện thoại rác, sau khi siết chặt quản lý SIM chính chủ thì tình trạng này lại biến tướng sử dụng tổng đài ảo, spam call, và rải cuộc gọi khắp nơi. Nhiệm vụ theo dõi, quản lý, cảnh báo các thông tin lừa đảo trước đây thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT cũ) nhưng hiện nay đã được bàn giao về Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) trực thuộc Bộ Công an. Mới đây, chúng tôi vừa nhận được Công điện chỉ đạo của Thủ tướng về tăng cường đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sắp tới sẽ có những buổi làm việc cụ thể để triển khai các giải pháp với đơn vị chủ trì là Bộ Công an để ngăn chặn tình trạng này".
Quyết liệt ngăn chặn lừa đảo công nghệ cao trên không gian mạng
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện số 29/CĐ-TTg ngày 3.4.2025 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng hoạt động phạm tội, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là trong giai đoạn sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương; thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các nội dung, trang web, đường dẫn, ứng dụng, hội, nhóm, tài khoản trên không gian mạng liên quan đến hoạt động lừa đảo, cuộc gọi, tin nhắn nghi vấn lừa đảo, nhất là các cuộc gọi từ nước ngoài, cuộc gọi sử dụng công nghệ VoIP, ứng dụng OTT...
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước VN chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khẩn trương kiểm tra, đối chiếu xác thực sinh trắc học người đại diện hợp pháp đối với các giao dịch trực tuyến của tài khoản doanh nghiệp; loại bỏ tài khoản không chính chủ, tài khoản có thông tin sai lệch.
Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp tăng cường kiểm tra việc góp vốn điều lệ của doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; tăng cường hậu kiểm, phát hiện doanh nghiệp sau khi được thành lập không phát sinh hoạt động kinh doanh thực tế; "làm sạch" dữ liệu về thông tin doanh nghiệp nhằm phòng ngừa, xử lý việc lợi dụng thành lập doanh nghiệp để hoạt động vi phạm pháp luật…