Đối phó thuế đối ứng của Mỹ: ‘Không bỏ trứng vào một giỏ’

Chiều 4.4, tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý 1, ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh này đang khẩn trương đánh giá tác động và tìm giải pháp ứng phó với chính sách áp thuế đối ứng của Mỹ đối với các ngành hàng của tỉnh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố chính sách thuế quan mới, trong đó áp dụng mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam kể từ ngày 9.4. Điều này có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó có tỉnh Bình Định, nơi có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 604 triệu USD năm 2024, chiếm 34,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Đối phó thuế đối ứng của Mỹ: ‘Không bỏ trứng vào một giỏ’- Ảnh 1.

Bình Định là một trong những tỉnh xuất khẩu nhiều mặt hàng gỗ, sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ

ẢNH: BTC Q-FAIR 2025

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Định sang Mỹ bao gồm: dệt may, gỗ, sản phẩm gỗ, sản phẩm từ chất dẻo và giày dép. Hiện có 33 doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu sang Mỹ, trong đó 20 doanh nghiệp thuộc ngành gỗ, 12 doanh nghiệp dệt may và giày dép, cùng 1 doanh nghiệp thủy sản.

Theo ông Lâm Hải Giang, nếu Mỹ áp dụng mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam thì ngoài chính sách của nhà nước, tỉnh Bình Định cũng sẽ có chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cũng đã chủ trì cuộc họp nhằm đánh giá tình hình ảnh hưởng và đề xuất giải pháp ứng phó với chính sách áp thuế mới của Mỹ.

Ông Phạm Anh Tuấn đề nghị Sở Công thương tỉnh Bình Định phối hợp với doanh nghiệp dệt may, gỗ, thủy sản để mở rộng thị trường nội địa, đặc biệt với ngành gỗ vốn chủ yếu xuất khẩu mà chưa khai thác thị trường trong nước. Đồng thời, phải theo sát diễn biến chính sách thuế chi tiết cụ thể đến từng ngành hàng, mặt hàng, để hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh và các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Bình Định.

Đối phó thuế đối ứng của Mỹ: ‘Không bỏ trứng vào một giỏ’- Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn chủ trì cuộc họp nhằm đánh giá tình hình và đề xuất giải pháp ứng phó với chính sách áp thuế mới của Mỹ

ẢNH: THÙY TRANG

Theo ông Phạm Anh Tuấn, doanh nghiệp là khách hàng của chính quyền. Nếu hàng loạt doanh nghiệp gặp khó, đời sống dân sinh và địa phương sẽ bị ảnh hưởng lớn. Do đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế, và trợ cấp thất nghiệp, để ứng phó với tình huống các doanh nghiệp phải dừng sản xuất tạm thời do tác động chính sách thuế.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh Bình Định hỗ trợ doanh nghiệp về giá thuê đất, chính sách về thuế, trong đó điều chỉnh cho phù hợp thực tế, mang tư duy phát triển thay vì bó buộc bởi các quy định cứng nhắc; các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp bằng chính sách tín dụng, giúp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị các doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất, đa dạng hóa thị trường và tính toán khai thác thị trường trong nước; tận dụng mọi nguồn lực để tạo giá trị...

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao