Doanh nghiệp ngoại báo lỗ cả triệu tỉ đồng: Cảnh báo chuyển giá

Những vụ chuyển giá điển hình

Vấn đề chuyển giá trong khối doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) tại VN không mới. Gần 10 năm trước, hàng loạt tên tuổi lớn đã bị điểm danh trong danh sách "lời thật lỗ giả". Điển hình nhất là vụ Coca-Cola VN bị truy thu, xử phạt về thuế hơn 821 tỉ đồng cuối năm 2019. Thời điểm đó, câu chuyện của Coca-Cola VN được xem là lần đầu cơ quan quản lý thuế đã thành công chống lại chuyển giá, né thuế. Cụ thể, kể từ khi vào VN từ năm 1995, Coca-Cola báo lỗ gần 20 năm liên tiếp. Đến năm 2013, Coca-Cola VN mới báo lãi 150 tỉ đồng và tiếp tục lãi 350 tỉ đồng trong năm 2014. Tuy nhiên, do DN được chuyển lỗ trong vòng 5 năm nên tính đến hết năm 2015 vẫn chưa phải nộp thuế thu nhập DN.

Chính vì vậy, đây là DN FDI đứng đầu danh sách nghi án chuyển giá tại VN khi đó. Quá trình thanh tra nhằm vào giai đoạn 2007 - 2015 của cơ quan thuế đã chỉ ra kết quả thua lỗ của DN này đến từ kê khai chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Cụ thể, trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006 - 2007 lên đến 80 - 85% giá vốn. Đến cuối năm 2012, lỗ lũy kế của Coca-Cola đã lên đến 3.768 tỉ đồng, vượt cả số tiền đầu tư ban đầu của tập đoàn là 2.950 tỉ đồng…

 - Ảnh 1.

Nâng chi phí kho bãi cao gấp nhiều lần giá thực tế là một trong những chiêu trò chuyển giá, tạo lỗcủa doanh nghiệp

ẢNH: NGỌC THẮNG

Tương tự, Công ty Keangnam Vina (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark (Hà Nội), đã buộc phải thừa nhận vi phạm chuyển giá với giá trị phải điều chỉnh tới 1.220 tỉ đồng, bị truy thu thuế thu nhập DN 95,2 tỉ đồng. Cụ thể, năm 2007 công ty được thành lập và ngay sau đó đã ký hợp đồng chìa khóa trao tay với Công ty Keangnam Enterprise - một thành viên cùng công ty mẹ tại Hàn Quốc - để làm tổng thầu EPC lên tới 871 triệu USD.

Sau đó, chủ sở hữu tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark trong 5 năm luôn than lỗ. Tính tới năm 2011, khi tòa nhà bắt đầu vận hành, công ty đạt doanh thu trên 5.200 tỉ đồng nhưng vẫn báo lỗ 140 tỉ đồng. Sau thanh tra, cơ quan thuế xác minh loại trừ tất cả những khoản chi phí đầu vào bất hợp lý. Tổng giá trị hợp đồng EPC từ mức 871 triệu USD giảm chỉ còn 699 triệu USD.

Ngoài việc kê khống giá thầu thì chi phí vay cũng được đẩy lên cao. Đó là mức lãi suất của khoản vay 400 triệu USD do Keangnam Vina vay từ Ngân hàng Kookmin Bank (Hàn Quốc), cũng cùng nằm trong tập đoàn, ban đầu được kê khai tới 12%/năm, gấp đôi mức lãi suất vay USD của các ngân hàng VN thời điểm đó, khiến tổng mức chi trả cho lãi vay lên tới 2.030 tỉ đồng. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm đoàn thanh tra thuế đến làm việc, khoản vay này đã được chủ đầu tư tự khai hạ thấp lãi suất xuống còn 5 - 7%. Vì có động thái "sửa sai" nên Keangnam Vina không bị phạt chuyển giá ở hành vi này. Với kết quả thanh tra và tổng giá trị bị điều chỉnh 1.220 tỉ đồng, toàn bộ số lỗ mà Công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina khai báo phát sinh 2007 - 2011 hiển nhiên đã giảm hết.

Hay Metro VN bắt đầu kinh doanh từ đầu năm 2002 với số vốn ban đầu là 120 triệu USD, sau đó liên tục nâng vốn lên hơn 301 triệu USD vào tháng 5.2013. Nhưng trong giai đoạn này, Metro VN luôn báo lỗ với số tiền lũy kế lên đến 1.657 tỉ đồng và chỉ duy nhất năm 2010 là có lãi 173 tỉ đồng. Mặc dù lỗ nhưng Metro VN vẫn tiếp tục mở thêm 19 điểm bán lẻ trên toàn quốc. Từ kết quả này, cơ quan thanh tra thuế đã vào cuộc và xác định có hành vi chuyển giá, qua đó yêu cầu Metro VN điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế với số tiền lên đến hơn 500 tỉ đồng, đồng thời xác định Metro VN đã có lãi trong 2 năm 2010 và 2011 với số tiền 234,8 tỉ đồng.

Trong số này, khoản điều chỉnh giảm lỗ lớn nhất liên quan đến phí nhượng quyền thương mại, các khoản chi phí không liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty. Cụ thể, trong giai đoạn 2002 - 2013, chi phí nhượng quyền thương mại mà Metro VN phải trả cho công ty mẹ ở Đức lên tới 731 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chi phí lương, thưởng và phụ cấp cho ban giám đốc và chuyên gia nước ngoài trả cho các cá nhân thông qua Metro Cash & Cary tại Đức lên tới 699 tỉ đồng. Theo Tổng cục Thuế, đây là những giao dịch liên kết mánh lới để Metro VN chuyển giá…, từ đó yêu cầu xác định lại lợi nhuận, xóa lỗ và truy thu thế.

Dính nghi án, xử lý đến đâu?

Báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2023 của DN FDI vừa được Bộ Tài chính gửi tới Thủ tướng Chính phủ cho thấy trong tổng số khoảng 29.000 DN FDI, có tới 16.292 công ty báo lỗ, 18.140 DN lỗ lũy kế, trị giá lỗ lũy kế lên tới gần 1 triệu tỉ đồng; số nộp ngân sách nhà nước giảm gần 4.000 tỉ đồng so với năm 2022.

Nhìn lại 1 thập niên trước, tỷ lệ hơn 50% DN FDI hoạt động tại VN báo lỗ đã được đề cập tại Báo cáo thường niên DN VN năm 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) công bố. Năm 2017, Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết ra đời. Theo thống kê của ngành thuế, chỉ sau hơn 2 năm có nghị định, từ 2017 - 2019, toàn ngành thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra và truy thu trên 41.000 tỉ đồng, giảm lỗ từ khu vực DN FDI với riêng khoảng xác định lại giá giao dịch liên kết đã giảm lỗ trên 13.700 tỉ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế gần 12.000 tỉ đồng… Nhiều DN FDI lớn sau thanh tra của ngành thuế đã chuyển từ lỗ sang lãi.

 - Ảnh 2.

Hơn 50% doanh nghiệp FDI báo lỗ với số lỗ lũy kế tăng cao

ẢNH: NGỌC THẮNG

Chẳng hạn PepsiCo VN liên tục báo lỗ 16 năm từ khi vào VN năm 1991, đến năm 2007 lần đầu tiên báo cáo lãi. Nhưng sau 16 năm, báo lãi vẫn được điều chỉnh chuyển lỗ, nên công ty chưa phải nộp thuế thu nhập DN. Trong thời gian đó, công ty vẫn mở rộng hoạt động, xây thêm nhà máy ở nhiều tỉnh thành tại VN. Đáng nói, trong khi nghi án vẫn chưa có lời giải đáp, cuối năm 2012, Pepsi bất ngờ công bố sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Sau khi đổi tên thành Suntory PepsiCo Vietnam, công ty báo lợi nhuận khả quan hơn với tổng lợi nhuận trước thuế trong 3 năm 2014 - 2016 đạt hơn 3.300 tỉ đồng, lợi nhuận chưa phân phối đến cuối năm 2016 đã trở lại số dương, với hơn 1.800 tỉ đồng. Từ đó đến nay DN này có lãi liên tục và đóng thuế theo quy định...

Có thể coi đây là hiệu quả từ các chính sách liên quan. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện trạng này vẫn diễn ra đáng báo động qua những con số do Bộ Tài chính vừa công bố.

Chuyên gia kinh tế thương mại, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng bày tỏ băn khoăn các DN nước ngoài từng dính nghi án trước đây, được thông tin trên truyền thông, đã âm thầm có lãi và đóng thuế sau đó, nhưng không nghe bất kỳ thông tin nào về việc họ có thực sự chuyển giá không? Và cơ quan quản lý đã kiểm tra, xử lý như thế nào?. Theo ông Lạng, thực tế có những dữ liệu để ngay từ đầu cơ quan quản lý thuế có thể phát hiện sớm nếu DN FDI có hành vi chuyển giá, không chờ đến khi cơ quan điều tra công an vào cuộc.

Chẳng hạn, Công ty Nhôm Toàn cầu tại Bà Rịa-Vũng Tàu, liên tục trong 5 năm từ 2015 - 2019 khai báo giá thuê kho bãi cao gấp 7 lần thực tế, tức cao hơn bình thường gần 2.700 tỉ đồng; kế đó là giá chuyển nhượng DN được nâng khống, bị kiểm toán Nhà nước phát hiện truy thu 80 tỉ đồng…

"Cơ quan quản lý thuế rất dễ dàng kiểm tra, đưa các DN báo lỗ nhiều năm liên tục vào danh giám sát, kiểm tra thuế. Đơn cử, một báo cáo của Quỹ đầu tư Dragon Capital năm qua cho thấy trong 2 năm 2022 - 2023 hậu đại dịch Covid-19, 80 công ty nước ngoài lớn chiếm khoảng 80% giá trị vốn hóa thị trường, đều không có sự tăng trưởng nào cả. Hãy bắt đầu lọc từ các DN lớn này, xem hồ sơ của DN lỗ thật vì ảnh hưởng đại dịch, làm ăn khó khăn hay lỗ giả kiểu tát nước theo mưa? Phải dò các con số và làm thường xuyên mới ngăn chặn được hành vi chuyển giá vô cùng tinh vi này", PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

Sàng lọc FDI, tập trung nhóm DN lớn nghi vấn

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Hội DN TP.HCM (HUBA), nhận định chuyển giá vẫn luôn tồn tại và là vấn đề nan giải nói chung trên toàn cầu. Bởi mỗi một vụ điều tra liên quan sẽ kéo dài nhiều năm, nó như một cuộc rượt đuổi giữa cơ quan quản lý thuế và DN. Thông thường các DN FDI lớn, hoạt động toàn cầu sẽ có đội ngũ luật sư, cố vấn pháp lý cực kỳ kinh nghiệm và chuyên nghiên cứu hành lang pháp lý ở các nước khi bắt đầu rót vốn đầu tư. Vì vậy cơ quan thuế luôn phải theo sau nên sẽ khó chỉ được ra DN chuyển giá chỗ nào. VN đã có Nghị định 132/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, đã tham khảo với nhiều nước và đã tạo được cơ sở rõ ràng hơn để quản lý. Tuy nhiên để công tác chống chuyển giá có hiệu quả thì ngành thuế cần tăng cường liên kết quốc tế. Khi cần thiết sẽ tham vấn số liệu của các cơ quan thuế ở nhiều nước.

Bên cạnh đó, trong số 42 chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài tại VN vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 315 thì nhóm tiêu chí về hiệu quả hoạt động gồm 10 chỉ tiêu có thể sử dụng để làm cơ sở ban đầu giúp cơ quan thuế "lọc" ra danh sách nghi vấn. Đó là chỉ tiêu về lợi nhuận trước thuế; tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản của tổ chức kinh tế (ROA); tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của tổ chức kinh tế (ROE); tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu thuần của tổ chức kinh tế (ROS); tỷ trọng xuất khẩu của tổ chức kinh tế; tỷ trọng nhập khẩu của tổ chức kinh tế…

Trước đó, năm 2024, Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế đã công bố 2 bộ tiêu chí liên quan đến đầu tư nước ngoài. Đó là 10 tiêu chí thẩm định dự án FDI và 36 tiêu chí đánh giá hiệu quả FDI. TS Ngô Công Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế, đánh giá bộ tiêu chí này rất quan trọng, trong đó, có nhóm đánh giá về hiệu quả đầu tư. Đây là tiêu chí để cơ quan quản lý giám sát nắm được hiệu quả đầu tư của DN FDI; theo dõi việc lỗ lã sớm hơn, thu hút được nhà đầu tư tốt hơn. Nếu đầu tư lỗ mãi mà vẫn cứ mở rộng đầu tư thì phải có biện pháp. Ví dụ như dùng nghiệp vụ theo dõi, thanh tra, thậm chí an ninh kinh tế để xem hoạt động đầu ra đầu vào của DN thế nào. Ngăn chặn chuyển giá ngay lập tức khi DN báo lỗ 3 - 4 năm liên tiếp nhưng vẫn mở rộng đầu tư…

Còn theo chuyên gia thuế, luật sư Trần Xoa, trước đây việc phát hiện và chỉ ra các DN FDI chuyển giá khó khăn vì khi đó là vấn đề mới, quy định chưa rõ. Tuy nhiên sau khi có những vụ điển hình như Coca-Cola VN, Keangnam Vina… thì ngành thuế đã có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, Nghị định 132/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết cũng đã tiệm cận các nước có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. Nhưng bản chất của việc kê khai kết quả hoạt động kinh doanh hằng năm là do DN tự thực hiện. Chính vì vậy, quan trọng nhất là phải có cơ sở dữ liệu giá giao dịch độc lập trên thị trường thế giới để so sánh. Chẳng hạn, nếu muốn chỉ ra DN này khai báo giá mua nguyên phụ liệu từ các đơn vị liên quan, cùng tập đoàn… cao hơn giá thị trường thì phải đưa ra bằng chứng giá thị trường đang ở mức nào.

Tương tự, chi phí lãi vay của công ty liên kết cao hơn ngân hàng nước ngoài thì cũng phải có số liệu chi tiết. Hay để so sánh tỷ suất lợi nhuận của DN đang khai báo quá thấp thì phải có số liệu tương ứng cùng ngành ở VN, thậm chí trên thế giới. Chỉ như vậy thì các DN mới chấp nhận và không phát sinh các vụ khiếu kiện lên những đơn vị quốc tế vì cho là VN "ép", vi phạm các hiệp định liên quan... Song song đó, khi kiểm tra các DN có nghi vấn thì sẽ rà soát được những chi phí không liên quan đến hoạt động ở VN để loại bỏ, giảm bớt số lỗ…

Báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2023 của DN FDI vừa được Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho thấy số đơn vị báo lỗ là 16.292/28.918 DN, tăng 21,2%; số DN bị lỗ lũy kế là 18.140 DN, tăng 15%; số DN bị lỗ mất vốn chủ sở hữu là 5.091 đơn vị, tăng 15,2%. Tổng cộng riêng năm 2023, số lỗ của khối DN FDI là 217.464 tỉ đồng, tăng 32%; lỗ lũy kế là 908.211 tỉ đồng, tăng 20%; giá trị âm vốn chủ sở hữu là 241.560 tỉ đồng, tăng 29%…

Mua dữ liệu giá giao dịch độc lập để tham khảo

Hiện nay với sự phát triển của công nghệ thông tin thì các tổ chức thế giới cũng sẽ có thu thập dữ liệu về hoạt động thương mại, tình hình kinh doanh, mối quan hệ liên kết kèm chi tiết về giá cả, tỷ suất lợi nhuận… của nhiều loại hình dịch vụ, sản xuất. VN có thể xem xét để mua, thuê các dữ liệu này để phục vụ công tác quản lý, nhất là trong thanh tra chống chuyển giá. Có thể trước mắt tập trung vào việc mua dữ liệu từ các nhóm ngành có nhiều DN FDI báo lỗ để có cơ sở tham khảo, so sánh

Chuyên gia thuế, luật sư Trần Xoa

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao