Bất cập nhỏ, tác động lớn
Kể từ khi Nghị định 168 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực, ý thức của người dân tham gia giao thông đã được cải thiện rõ rệt, tình trạng vượt đèn đỏ đã được hạn chế. Tuy nhiên, tại một số nút giao có hiện tượng đèn tín hiệu giao thông có thời gian chênh lệch lớn, gây khó khăn cho người điều khiển phương tiện.
Đơn cử, từ sau Tết Nguyên đán 2025, người dân sống tại khu vực cửa ngõ phía nam TP.HCM rất hoang mang khi giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7 - H.Nhà Bè, TP.HCM) đã thông xe hoàn toàn nhưng cứ chập chờn lúc ùn ứ, lúc không, theo nhịp điều chỉnh của hệ thống đèn tín hiệu. Cụ thể, sau khi dự án đã gỡ hoàn toàn rào chắn, các phương tiện có thể đi thẳng qua giao lộ mà không cần đi vòng như trước nhưng do hệ thống đèn xanh hướng trục Nguyễn Hữu Thọ được cài đặt chỉ gần 30 giây, trong khi đèn đỏ gần 90 giây nên tuyến đường vẫn thường xuyên ùn ứ, xe xếp hàng dài như thời điểm còn thi công. Sau khi nhận phản ánh của người dân, Sở GTCC TP.HCM đã khảo sát, đề nghị Đội CSGT Nam Sài Gòn phối hợp cùng chủ đầu tư điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu, tăng mức đèn xanh, đèn đỏ từ cả 2 hướng Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ lên ngang nhau, giảm ưu tiên 1 chiều. Lập tức, tình hình giao thông tại nút giao được cải thiện thông thoáng. Thế nhưng, chỉ được vài ngày, hệ thống đèn tín hiệu lại trở về nguyên trạng như cũ, và lại tái diễn tình trạng ùn ứ. Đại diện Sở GTCC lý giải do hầm chui Nguyễn Văn Linh gặp sự cố ngập nước nên đơn vị chức năng phải điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu, giải tỏa lượng phương tiện hướng đường Nguyễn Văn Linh. Song, khi sự cố đã được giải quyết xong xuôi, đèn tín hiệu vẫn chưa điều chỉnh, xe lại ùn ứ và người dân lại phải tiếp tục phản ánh để "đòi" đường thông hè thoáng.

Biển báo chi chít khiến người tham gia giao thông “hoa mắt chóng mặt”
ẢNH: NHẬT THỊNH
Thực tế, ngay cả khi hệ thống đèn tín hiệu đã được điều chỉnh hợp lý hơn thì trục đường Nguyễn Hữu Thọ hướng về H.Nhà Bè (đoạn từ Trường ĐH Tôn Đức Thắng đến vòng xoay) vẫn chưa cải thiện nhiều. Nguyên nhân là do các dòng xe rẽ phải, rẽ trái khi đèn xanh liên tục xung đột, dẫn đến lượng xe chạy thẳng phải mất rất nhiều thời gian nhường đường, đôi khi qua 2 lần đèn đỏ vẫn chưa di chuyển được qua nút giao dù không phải giờ cao điểm. Hệ quả, dù nút giao lớn nhất khu Nam TP đã thông xe nhưng nhiều người vẫn phải đi đường vòng để "né" giao lộ này.
Tương tự, các phương tiện hằng ngày di chuyển từ trung tâm TP về Q.4 qua cầu Ông Lãnh (nối Q.1 - Q.4) không khỏi ngán ngẩm khi đèn đỏ tại giao lộ cầu Ông Lãnh - Hoàng Diệu tới 100 giây nhưng đèn xanh chỉ 20 giây. Khu vực này còn cho phép xe quay đầu nên chỉ cần 1 ô tô quay đầu thì gần như mỗi lượt đèn xanh chỉ đủ cho 3 lượt ô tô di chuyển. Vào khung giờ cao điểm, nhiều khi xe xếp hàng dài trên cầu, kéo về tận đường Nguyễn Thái Học (Q.1). Sau nhiều lần phản ánh, đèn tín hiệu giao thông ở đây đã được cải thiện, xanh lâu hơn và đỏ giảm xuống nhưng chênh lệch vẫn khá cao nên theo nhiều người ở khu vực này, vẫn cần có sự điều chỉnh hợp lý hơn để cải thiện tình trạng ùn ứ vào khung giờ cao điểm.
Tại Hà Nội cũng ghi nhận một số nút giao có đèn đỏ dài tới 100 - 120 giây, trong khi đèn xanh quá ngắn, gây nhiều bất cập cho các phương tiện, gây ùn tắc tại nhiều ngã ba, ngã tư.
Không chỉ có đèn tín hiệu, nhiều bất cập trong hệ thống biển báo chỉ dẫn trên đường cũng khiến cánh tài xế "chóng mặt". Có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh biển báo bị che khuất bởi bảng hiệu, cây xanh, trụ điện gây khó quan sát; biển báo giống nhau lặp lại nhiều lần tại giao lộ; hàng chục biển báo xếp san sát rối rắm trên 1 thanh giá long môn, chi chít chữ… trên rất nhiều tuyến đường. Cá biệt, trên QL27 đoạn qua xã Lạc Lâm, H.Đơn Dương (Lâm Đồng) dài chỉ khoảng 1 km nhưng có tới 23 biển báo giao thông cấm đậu xe ngày chẵn. Ngược lại, một số tuyến đường cao tốc lại "kiệm" biển chỉ dẫn, khiến nhiều tài xế không tránh khỏi vi phạm "oan". "Tôi đã đi rất nhiều cao tốc từ Nam ra Bắc, có điểm chung là việc chuyển đổi tốc độ giới hạn rất đột ngột. Có nhiều đoạn xe đang được di chuyển 90 km/giờ nhưng chỉ trong tích tắc phải hạ xuống 60 km/giờ, vô cùng nguy hiểm. Xe phải gắn thiết bị chỉ dẫn của Google, báo liên tục qua màn hình mới theo dõi được, còn không thì chịu luôn. Có khi bị phạt mà vẫn không biết mình mắc lỗi gì", tài xế Trần Thanh Thủy (TP.HCM) chia sẻ.
Rà soát từng vị trí, nút giao
Liên quan đến những bất cập của hệ thống biển báo, lãnh đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTCC TP.HCM) cho biết trong tuần qua, đơn vị đã cho rà soát lại từng vị trí, nút giao trên tuyến đường Mai Chí Thọ và đường Võ Văn Kiệt để đánh giá cụ thể. Trong số những trường hợp được người dân phản ánh là rối rắm, trùng lặp, không phải trường hợp nào cũng bất hợp lý, do đó cần rà soát kỹ. Dự kiến trong tuần tới, trung tâm sẽ có kết quả khảo sát gửi về Sở, nếu có bất cập sẽ đề xuất điều chỉnh, mục tiêu lớn nhất là đảm bảo an toàn giao thông cho người điều khiển phương tiện.
Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận thực trạng biển báo trên đường hiện không nhất quán, gây khó khăn cho các phương tiện giao thông là do đơn vị lắp đặt biển báo và tổ chức giao thông không lường được hết những khả năng xảy ra, chưa làm tới nơi tới chốn việc quán xuyến tình huống trong thực tế. Đặc biệt việc giảm tốc đột ngột trên cao tốc là rất nguy hiểm, bất hợp lý. Thay đổi tốc độ trên cao tốc không chỉ cần biển báo mà còn phải có đoạn trung gian, để giảm tốc từ từ, đảm bảo an toàn cho phương tiện.
Liên quan tới tình trạng biển báo dày đặc trên giao lộ tại các đô thị đông dân như Hà Nội, TP.HCM, ông Hồ Thanh Phong lý giải nguyên nhân do cơ quan chuyên môn đặt quá nhiều mong đợi cho một tuyến đường. Một tuyến đường mang biển ưu tiên cho xe buýt, biển đỗ xe theo giờ, biển thông báo hướng tuyến… nhưng đôi khi các mong muốn lại mâu thuẫn nhau và không phù hợp thực tế. Đơn cử, có những tuyến đường để bảng ưu tiên cho xe buýt rẽ phải khi đèn đỏ nhưng thực tế xe buýt không có đường để rẽ, biển báo tưởng có lý nhưng thực tế lại thành thừa. Do đó, đơn vị chức năng cần nhân việc rà soát gắn đèn cho xe máy rẽ phải tại các giao lộ để rà soát thật kỹ lại từng vị trí, đối chiếu với luật và thực tế để đặt hệ thống biển báo cũng như tổ chức phân luồng, phân làn xe sao cho phù hợp.
"Sở GTCC nên phối hợp với Công an TP nghiên cứu một chương trình tổng thể, bao gồm nhiều phương pháp áp dụng cho toàn TP, nhân lúc đi rà soát lại hệ thống biển báo thì cho chạy thử chương trình tại các giao lộ để có được hệ thống đèn tín hiệu hợp lý, hiệu quả", PGS-TS Hồ Thanh Phong đề nghị.
Hiện nay hầu hết các giao lộ đều lắp đặt camera giám sát, ngoài phục vụ phát hiện vi phạm phạt nguội thì có thể chụp lại lượng xe theo chu kỳ đèn, ít nhất trong khoảng 30 - 50 m, đủ để đếm được số lượng xe. Từ đây, cơ quan chức năng có thể giả lập, chạy mô phỏng từng tình huống với thời lượng đèn xanh/đỏ khác nhau để chọn ra thời gian tối ưu. Nên áp dụng triệt để công nghệ để có thể tự động hóa điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên toàn TP linh hoạt theo nhu cầu thực tế.
PGS-TS Hồ Thanh Phong