Từ kinh tế đêm vẫn chờ thắp sáng…
Không quá lời nếu gọi 2024 là năm của "game show" khi những chương trình âm nhạc Anh trai say hi hay Anh trai vượt ngàn chông gai trở thành từ khóa "hot" nhất xâm chiếm mọi nền tảng mạng xã hội. Chưa bao giờ một chương trình tổ chức tới 5 concert mà vẫn cháy vé, bùng nổ khắp từ TP.HCM tới Hà Nội. Mỗi đêm nhạc, hàng chục ngàn vé được người hâm mộ canh nhau mua bất chấp mức giá cao ngất ngưởng, đem lại nguồn thu lớn cho đơn vị tổ chức và địa phương cùng hưởng lợi.
Cuối tháng 12.2024 khi cả 2 concert đồng tổ chức tại Hà Nội, đại diện một số khách sạn gần sân vận động Mỹ Đình (nơi tổ chức concert Anh trai vượt ngàn chông gai) cho biết công suất phòng tăng vọt tới 80 - 90%. Tương tự, các căn hộ thuê ngắn ngày tại Vinhomes Ocean Park 3 (địa điểm diễn ra chương trình Anh trai say hi) cũng kín chỗ. Có nhiều người Việt ở nước ngoài sẵn sàng mua vé bay về VN để "đu idol", kết hợp tổ chức chuyến du lịch ngắn ngày. Đối với những người làm du lịch, đây là chỉ dấu cho thấy nhu cầu, sức mua của thị trường rất lớn và VN đang có rất nhiều dư địa để nâng tầm đẳng cấp các chương trình sự kiện âm nhạc trở thành sản phẩm mới hấp dẫn như một cấu phần đánh thức kinh tế đêm. Đó cũng là cách mà Singapore đã làm rất thành công để vực dậy kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Những mô hình chợ đêm thành công cần được nhân rộng để thúc đẩy kinh tế đêm. Trong ảnh là chợ đêm Vui Phết ở Phú Quốc, Kiên Giang
ẢNH: N.A
Năm ngoái, đảo quốc sư tử là điểm đến duy nhất ở Đông Nam Á của Taylor Swift trong khuôn khổ The Eras Tour. 6 đêm diễn độc quyền của ngôi sao người Mỹ giúp kinh tế, du lịch của Singapore "hốt bạc", thu về 500 triệu USD. Trước đó, The Eras Tour ước tính tạo ra 4 tỉ USD chi tiêu ròng của người tiêu dùng chỉ riêng tại Mỹ. Ngoài ra, kinh tế địa phương cũng tăng trưởng mạnh khi giá vé máy bay đến Singapore tăng gần gấp 3 lần, số lượng đặt chỗ ở tăng gấp 5 lần. Số lượt đặt chỗ các điểm tham quan và tour du lịch đã tăng hơn 23 lần, trong khi số lượt tìm kiếm khách sạn ở Singapore trong thời gian The Eras Tour mở bán vé tăng gấp 160 lần so với bình thường.
Không chỉ Singapore, trong chiến dịch phục hồi và tái thiết nền kinh tế nói chung cũng như ngành du lịch nói riêng sau Covid-19, nhiều nơi trên thế giới đã chọn phát triển kinh tế đêm như một "cây đũa thần" để thu hút khách, gia tăng nguồn thu. Theo "Khảo sát du lịch đêm" của Tổ chức du lịch Hàn Quốc thực hiện năm 2022, du lịch đêm tạo ra khoảng 1.359 tỉ won và việc làm cho gần 16.000 người mỗi năm. Con số này tại Anh là khoảng 1,3 triệu việc làm, ở Úc là 1,1 triệu việc làm và Pháp là 3,5 triệu việc làm… Với số lượng việc làm lớn được tạo ra, kinh tế đêm là giải pháp góp phần ổn định an sinh xã hội tại nhiều quốc gia.

Kinh tế đêm cần được khai phá mạnh mẽ để tăng tốc phát triển kinh tế cả nước
ẢNH: THANH QUÂN
VN cũng không ngoại lệ. Cuối năm 2020, khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thông qua Đề án phát triển kinh tế đêm với mục tiêu tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, coi kinh tế đêm là đòn bẩy vực dậy ngành du lịch một cách nhanh chóng, là giải pháp chớp thời cơ để vực dậy kinh tế. Tháng 7.2023, một đề án chi tiết về phát triển sản phẩm du lịch đêm tại 12 điểm đến nổi tiếng chính thức được Bộ VH-TT-DL ban hành với mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu có ít nhất một mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Trong đó, Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM được yêu cầu hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt.
Thế nhưng, đến nay sắp hết thời hạn, ngoại trừ Phú Quốc và Đà Nẵng xây dựng được những sản phẩm vui chơi về đêm mới quy mô, xứng tầm, các TP còn lại vẫn đang quẩn quanh mô hình chợ đêm, phố đi bộ. Hà Nội và TP.HCM chưa hoàn thành nhiệm vụ có 1 tổ hợp giải trí đêm riêng biệt. Kết quả, mặc dù du lịch VN ghi nhận tốc độ phục hồi tốt nhất Đông Nam Á nhưng mức chi tiêu của du khách quốc tế vẫn còn thấp. Trong vòng 9 ngày, du khách đến VN chi tiêu 96 USD/ngày, trong khi ở Thái Lan là 163 USD. Hầu hết địa phương vẫn đang loay hoay tìm cách làm nóng "cỗ máy in tiền".
Đến kinh tế phi chính thức
Theo Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát do Tổng cục Thống kê thực hiện, khu vực kinh tế chưa được quan sát (còn gọi là kinh tế phi chính thức) bao gồm các hoạt động kinh tế ngầm (là những hoạt động hợp pháp nhưng bị giấu giếm nhằm tránh phải nộp thuế và thực hiện các quy định của Nhà nước). Thứ hai là các hoạt động kinh tế bất hợp pháp, như buôn lậu hay các hoạt động kinh tế không bị pháp luật cấm nhưng do các nhà sản xuất trái phép. Thứ ba, hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh ở quy mô nhỏ, tổ chức sản xuất đơn giản, chưa phân định rõ ràng giữa lao động và vốn của cơ sở kinh doanh với hộ gia đình. Thứ tư, hoạt động kinh tế hộ gia đình và cuối cùng là các hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu hay do điều tra không bao phủ đầy đủ phạm vi.

Thúc đẩy phát triển cá nhân, hộ kinh doanh tạo động lực tăng trưởng kinh tế
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Có thể thấy, rất nhiều hoạt động chính thức nhưng không thống kê được như khám chữa bệnh tại nhà, quán ăn vỉa hè, rửa xe... Thậm chí hiện nay, các giao dịch buôn bán qua mạng internet, thương mại điện tử phát triển mạnh nhưng cơ quan quản lý cũng khó xác minh, không thống kê được hoặc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ vẫn giao dịch tiền mặt, không hóa đơn chứng từ vẫn còn diễn ra phổ biến tại VN. Điều này khiến môi trường kinh doanh chưa minh bạch, phát triển. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt cũng sẽ giảm động cơ của kinh tế phi chính thức, gia tăng hoạt động chính thức. Trong đó, nhiều chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh nhà nước phải khuyến khích, phát triển các hoạt động kinh tế hộ gia đình hay các tổ chức sản xuất đơn giản. Bởi đây sẽ là động lực để góp phần tăng trưởng kinh tế của VN trong giai đoạn tới. Ước tính, trong tỷ trọng đóng góp gần 40% vào GDP của kinh tế tư nhân thì 75% đến từ khu vực kinh tế tư nhân không chính thức, bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, hợp tác xã…
Thực tế, nhiều năm qua, Chính phủ cũng đưa ra các khuyến khích để phát triển khu vực kinh tế này nhưng chưa đạt hiệu quả mong muốn. Chẳng hạn, chương trình khuyến khích hộ kinh doanh tiến lên thành doanh nghiệp (DN) đạt tỷ lệ không cao. Mục tiêu đề ra là đạt 1 triệu DN vào năm 2020 nhưng đến nay số lượng DN vẫn ở dưới mức này. TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, phát triển kinh tế tư nhân chỉ ra, trong đó bao gồm kinh doanh cá thể, hộ kinh doanh là vấn đề quan trọng. Khu vực kinh tế này còn rời rạc, tản mát nhưng tạo ra công ăn việc làm rất lớn cho người dân. Khi khuyến khích được khu vực kinh tế này sẽ là phần đóng góp lớn để thúc đẩy kinh tế VN tăng trưởng hơn nữa. Chẳng hạn, khuyến khích người dân khởi nghiệp hay hộ kinh doanh chuyển lên thành DN.
Theo ông Độ, điều đầu tiên là cần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, điều kiện kinh doanh thuận lợi. Không chỉ cắt giảm hay đơn giản hóa thủ tục mà làm thế nào để chi phí ngầm tại VN giảm mạnh mới khiến người dân, hộ kinh doanh mạnh dạn thành lập DN. Thậm chí, các hoạt động nhỏ lẻ không đủ để trở thành DN như quán ăn nhỏ, dịch vụ rửa xe… cũng nên được khuyến khích. Riêng đối với hộ kinh doanh, để khuyến khích nâng quy mô hoạt động lớn hơn thì cần được hỗ trợ về đào tạo lao động, hệ thống khai báo thuế, báo cáo thường xuyên... Chính những thủ tục, quy định còn khá nhiều mà các hộ kinh doanh e ngại vì khi chuyển đổi họ sẽ phải tốn thêm nhiều chi phí.
Cần chính sách đột phá, cải thiện môi trường kinh doanh
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế quản lý trung ương, đã nhiều lần nhấn mạnh kinh tế đêm là lợi thế cạnh tranh mới của phát triển đô thị hiện đại. Đến một TP, nhìn vào hàng quán đóng cửa lúc mấy giờ là có thể đánh giá được phần nào "sức khỏe" của nền kinh tế ở đó. Trong những giai đoạn "khẩn nguy" như hậu Covid-19 hoặc thời điểm cần những động lực mới để đột phá thì kinh tế đêm sẽ là yếu tố sức bật để kinh tế chớp thời cơ vượt lên, là đòn bẩy vực dậy ngành du lịch một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, ông Thiên thừa nhận, để động lực này đột phá vừa dễ, lại vừa khó. Dễ vì kinh tế đêm là một cấu phần có thể dễ dàng bật ngay, hút tiền của du khách ngay. VN có những lợi thế tiềm năng như tài nguyên du lịch phong phú; văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu… và đã có sẵn những loại hình dịch vụ, giải trí mà không cần xây dựng mới, chỉ cần "mở quy định" là có thể đẩy mạnh ngay được. Đơn cử như khách muốn đi xem phim, muốn đi karaoke, bar, pub, vũ trường… thì chỉ cần nới khung thời gian cho khách chơi thêm, là nghiễm nhiên "hốt" được thêm tiền. Đêm là lúc du khách dễ bị "dụ" tiêu tiền, chỉ cần có những trải nghiệm vui, hấp dẫn, những chỗ mua sắm "thả ga" thì họ không ngại chi tiêu.

Cần đẩy mạnh khai phá kinh tế đêm
ẢNH: NHẬT THỊNH
Thế nhưng, khó là bởi để khoan mũi khoan thật sâu vào mỏ vàng này thì phải nhìn từ bản chất kinh tế đêm là một nền kinh tế đích thực, có cơ cấu, cơ chế, động lực và nguồn lực đặc thù. Kinh tế đêm phải là sự tiếp nối các hoạt động kinh tế ban ngày mà ở đó dịch vụ và tiêu dùng đóng vai trò chính. Từ ẩm thực đến sân khấu, âm nhạc, mua sắm, các loại hình vui chơi giải trí… muốn "thắp sáng" kinh tế đêm đòi hỏi các địa phương phải thúc thật mạnh du lịch, đa dạng hóa hoạt động giải trí và thương mại, hồi sinh các khu vực đô thị vắng vẻ vào đêm.
Muốn vậy cần chuẩn bị các điều kiện hiện thực như: có không gian để tổ chức kinh tế đêm; phát triển các ngành, các sản phẩm phục vụ kinh tế đêm và các khuyến khích chính sách. Cùng với đó, phải thiết lập các điều kiện bảo đảm như hạ tầng, khung khổ pháp lý, hệ thống bảo đảm an toàn, an ninh… Quan trọng nhất, phải có chính sách khác biệt, phù hợp với kinh tế đêm chứ không phải chỉ là những luật lệ sẵn có. "Nói vậy để thấy, phát triển kinh tế đêm không chỉ là nhiệm vụ của ngành du lịch mà phải được coi là một chiến lược trong tổng thể chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn tới như một nội dung ưu tiên. Kinh tế đêm chỉ có thể được thúc đẩy, đột phá nếu thật sự có quyết tâm, làm tới nơi tới chốn", PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Đối với khu vực kinh tế phi chính thức, PGS-TS Trần Đình Thiên đánh giá, nếu quan sát tốt, cái thu được từ mảng "ngầm" này không nhỏ. Hiện tại, chúng ta thất thu từ lĩnh vực đánh bạc, cá cược rất lớn do chảy sang các nước lân cận. Tuy nhiên, thống kê không phải đi rình mò, đếm, đo, bắt những thành phần kinh tế đang ẩn trốn để tăng thu, mà mục tiêu quan trọng nhất là xây dựng bức tranh kinh tế lành mạnh và bền vững hơn. Tăng yếu tố công khai, minh bạch nhiều hơn, lúc đó cơ chế xin - cho mới giảm và theo đó, nạn tham nhũng sẽ giảm theo. Thể chế và môi trường kinh doanh là những yếu tố cốt lõi, trụ cột để kinh tế VN đột phá tiến vào kỷ nguyên mới.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Độ cũng nhấn mạnh rằng vẫn cần chính sách hỗ trợ như giảm thuế, phí, đào tạo nhân lực cho lực lượng kinh tế tư nhân, hộ gia đình. Chẳng hạn đề xuất của Bộ Tài chính là giảm thuế cho DN khi chuyển từ hộ kinh doanh lên vẫn phải đưa ra và sau đó sẽ xem xét, điều chỉnh khi thị trường tiếp nhận như thế nào. Dù vậy, các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ cụ thể thường sẽ bị giới hạn do nguồn lực của chúng ta còn ít. Điều quan trọng nhất để người dân, hộ gia đình mạnh dạn khởi nghiệp, tự tin phát triển là tạo ra môi trường thông thoáng, công bằng. Từ đó sẽ giúp cho chi phí không chính thức tại VN giảm mạnh, không chỉ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh chính thức mà cũng thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài gia tăng vào VN.
Ưu đãi thuế cho hộ kinh doanh chuyển lên DOANH NGHIỆP
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 3,5 triệu hộ đã được cấp mã số thuế và khoảng hơn 2 triệu hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Trong Dự thảo luật Thuế thu nhập DN (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào giữa năm nay, Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế thu nhập DN (TNDN) trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN nhỏ, DN siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Mức này tương đương mức miễn thuế đối với dự án đầu tư mới thuộc một số ngành, nghề ưu đãi hoặc tại địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn. Điều này để góp phần khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN và tạo điều kiện cho các DN này tích tụ vốn, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng cường tính công khai, minh bạch và lành mạnh nền kinh tế.
Kinh tế đêm chiếm tỷ trọng lớn
Trên thế giới, kinh tế đêm chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế. Kinh tế đêm đã tạo 66 tỉ bảng (khoảng 80 tỉ USD) doanh thu hằng năm, là ngành kinh tế đứng thứ 5 của Anh. Kinh tế đêm đóng góp hơn 10 tỉ USD/năm vào nền kinh tế của TP.New York (Mỹ). Với Úc, kinh tế đêm trị giá 102 tỉ AUD (khoảng 70 tỉ USD), riêng Sydney ước chiếm 27,2 tỉ USD/năm. Nhật Bản có quy mô kinh tế đêm 400 tỉ yen (khoảng 3,7 tỉ USD) vào năm 2020.