Nếu trước năm 1990, dòng kênh này bị gọi là "kênh đen", "kênh thúi", "kênh chết" bởi rác ngập tràn, hàng ngàn hộ dân lấn chiếm dọc 2 bờ và trên mặt kênh từ trước 1975, thì giờ đây 2 bên dọc con kênh dài gần 10 km là dải công viên cây xanh, đường giao thông kết nối... Nỗ lực xanh hóa các dòng sông, kênh, rạch chính là nét son trong lịch sử phát triển của TP.HCM suốt nhiều thập niên qua.

Kênh Tàu Hủ (Q.8) sau hồi sinh được tái hiện hình ảnh trên bến dưới thuyền đặc trưng đô thị sông nước Sài Gòn - TP.HCM
ẢNH: Nhật Thịnh
Hồi sinh những con nước xanh
Tết Nguyên đán 2025 có lẽ là mùa xuân đẹp nhất trong suốt gần 30 năm qua đối với hàng trăm hộ dân sinh sống dọc đoạn kênh Hàng Bàng nối từ đường Ngô Nhân Tịnh đến kênh Vạn Tượng (Q.5) khi dự án cải tạo chính thức được khánh thành. Đoạn kênh có chiều dài 250 m như khoác lên mình tấm áo mới với màu nước xanh trong cùng lối đi bộ ven kênh sạch đẹp. Trong ngày khai trương, phía UBND Q.5 và chủ đầu tư còn phát động phong trào trồng cây và bảo vệ môi trường, quyết tâm phủ xanh dòng kênh từ trên bờ xuống mặt nước, sau gần 30 năm ngập trong rác thải.
Hơn 50 năm sống ven kênh Hàng Bàng, bà Lâm Huệ Nhã (ngụ P.13, Q.5) chia sẻ: "Tôi nghe ba má kể lại thời trước đây từng là con kênh tấp nập thuyền ghe, giao thương sầm uất. Đến khi tôi lớn lên thì cảnh tượng đó đã không còn, chỉ còn dòng kênh gần như bị lấp hết làm cống hộp, hai bên rác thải nhếch nhác, ngày ngày bốc mùi hôi thối. Khi có dự án cải tạo 2 đoạn trên đầu kênh, tôi vẫn tự nhủ làm sao dọn cho sạch nổi. Ấy vậy mà từng đoạn cũng đã hoàn thành. Đến giờ thì chiều nào tôi cũng có thể đi dạo dọc kênh rồi. Đợt tết rồi mấy người còn rủ nhau ra đây vui chơi mừng xuân mới. Mai sau, những cái cây này lớn lên, có thêm bóng râm mát mẻ, người già trẻ nhỏ lại có thêm chỗ vui chơi".
Đây chỉ là một đoạn mới được lột xác thuộc tuyến Hàng Bàng gần 2 km nối từ kênh Tân Hóa - Lò Gốm (Q.6) đến kênh Tàu Hủ (Q.5), từng bị xem là con kênh ô nhiễm bậc nhất TP.HCM. Năm 2000, con kênh này từng bị lấp làm cống hộp do quá ô nhiễm. 15 năm sau, TP quyết định khôi phục kênh với 3 giai đoạn, kinh phí khoảng 2.000 tỉ đồng. Công trình nhằm thoát nước, giảm ô nhiễm, tái định cư cho các hộ dân sống hai bên, ban đầu dự kiến hoàn thành năm 2020, song bị chậm trễ, tới 2017 mới hoàn thành giai đoạn 1, khôi phục dòng chảy 2 đầu kênh. Giai đoạn 2, dòng kênh từ đường Phạm Đình Hổ đến Ngô Nhân Tịnh dài 500 m đang thi công cuốn chiếu từng phần. Hiện nay, máy móc và vật liệu xây dựng đã "chạy" tới đoạn qua Q.6, đang nỗ lực khánh thành đoạn cuối cùng của giai đoạn 2 vào dịp 30.4 này.
Trong năm nay, TP dự kiến tiếp tục triển khai dự án cải tạo kênh Hàng Bàng giai đoạn 3 (đoạn từ đường Bình Tiên đến đường Mai Xuân Thưởng), khởi công vào năm 2026 để phục hồi mặt nước và phủ xanh toàn bộ 1,7 km tuyến kênh vào năm 2028.
Cũng giống như bà Lâm Huệ Nhã, 20 năm trước, không người dân nào của TP dám "mơ" đến hình ảnh chạy bộ, dạo chơi mỗi sớm mai trên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Dòng kênh chảy xuyên trung tâm TP, từng được biết đến là tuyến kênh lớn, đẹp nhất của Sài Gòn xưa nhưng qua những biến động của chiến tranh, của thời cuộc, dân nhập cư từ các nơi đến ở dọc hai bên bờ kênh ngày càng đông, gây nên tình trạng xả thải, ô nhiễm trầm trọng. Con kênh đẹp nhất TP đã biến thành dòng kênh "chết", nước đen kịt, rác thải nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối, bị bao quanh bởi những căn nhà ổ chuột lụp xụp, cỏ rác um tùm.
Sau nhiều năm đau đáu ấp ủ, chính quyền TP.HCM quyết tâm cải tạo dòng kênh, bắt đầu giải tỏa dần từ năm 1993 - 1998. Đến năm 2002, khi dự án cải tạo lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè với tổng mức đầu tư gần 8.600 tỉ đồng được triển khai, hàng chục ngàn căn nhà xập xệ đã được giải tỏa. Dòng kênh đen kịt ngày nào đã nhường chỗ cho màu nước trong, hai bên đường cây xanh thẳng tắp, vỉa hè được lát đá, sáng trưng đèn thắp về đêm. Sau 10 năm, đề án cải tạo dòng kênh cùng chỉnh trang đô thị, mở rộng hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa được khánh thành đánh dấu sự hồi sinh của "dòng kênh chết".
Bây giờ, chạy ngang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, người dân và du khách không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của hai con đường rợp bóng cây uốn theo dòng chảy, những cây cầu kết nối đôi bờ vừa hiện đại vừa hoài cổ, mà còn cảm nhận được làn gió mát từ kênh thổi lên. Đó có lẽ cũng là một trong những lý do khi đến VN dự hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương 2017, Thủ tướng Canada khi đó Justin Trudeau đã chọn chạy bộ dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để rèn luyện sức khỏe.
Không chỉ Hàng Bàng, Nhiêu Lộc, dòng kênh Tân Hóa - Lò Gốm (đoạn qua Q.6), kênh Tàu Hủ - Bến Nghé dài khoảng 9,3 km bắt đầu từ sông Sài Gòn đến kênh Lò Gốm chảy qua quận 1, 4, 5, 6, và 8… cũng đã từng bước được hồi sinh, lột xác với diện mạo xanh xinh đẹp.
Mang lại sức sống mới cho đô thị
Luồn lách qua từng quận, từng huyện, những dòng kênh, rạch sau cải tạo đã mang lại sức sống mới thay đổi diện mạo đô thị của TP.HCM. Có thể thấy rõ nhất như tuyến đường Bến Vân Đồn (Q.4), sau khi kênh Tàu Hủ - Bến Nghé được chỉnh trang, cải tạo đã trở thành tuyến đường hiện đại với hàng loạt cao ốc mọc lên. Tương tự, bên cạnh dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên là đường giao thông hai bên bờ kênh với tổng chiều dài 63,41 km với 12 bến thuyền và 3 cầu giao thông dọc tuyến; các nút giao thông cùng các công trình thoát nước, chiếu sáng, cây xanh… được xây dựng.
Lãnh đạo TP khẳng định: Việc triển khai thi công, hoàn thành dự án chắc chắn sẽ tạo bước đột phá cho hạ tầng đô thị, đồng thời hình thành tuyến giao thông đường thủy, đường bộ liên kết qua 7 quận huyện, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu thông xe một số đoạn của Q.12, Q.Gò Vấp và một phần Q.Tân Bình để phục vụ bà con đúng dịp đại lễ 30.4 này.
"Ngụp lặn" hơn 2 thập niên với những sản phẩm du lịch đường sông TP.HCM, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du ngoạn Việt (Viet Excursions), khẳng định trả lại sự sống cho những dòng kênh "chết" vì ô nhiễm là nền móng của chiến lược hồi sinh bản sắc đô thị sông nước Sài Gòn, thực hiện các đề án đột phá kinh tế - xã hội. Lễ hội sông nước lớn chưa từng có sắp bước sang năm thứ 3 đã thể hiện quyết tâm của TP đầu tư những sản phẩm du lịch đường sông ra tấm ra món, biến sông nước thành tiền, đem lại lợi ích kinh tế cho người dân.
Bài học từ con kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã chỉ ra: Việc làm sạch dòng chảy và phát triển hoạt động kinh tế trên sông là tác động 2 chiều. Có dòng sông sạch mới có khai thác kinh tế, và ngược lại, chỉ khi nào được tập trung đầu tư phát triển, có sản phẩm, tạo ra giao dịch kinh tế, có người thường xuyên qua lại thì những dòng sông, kênh rạch ô nhiễm mới có thể hồi sinh bền vững. Khi các hoạt động du lịch, kinh tế ven sông, trên mặt nước dần hình thành, các dự án cải thiện môi trường nước cũng được đẩy nhanh. Người dân cũng sẽ ý thức hơn, chung tay bảo vệ môi trường đô thị.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du ngoạn Việt