Cùng thời điểm này, gần nơi tôi ở, đường điện Bắc - Nam 500kV bắt đầu đổ cọc làm trụ. Đường điện đi ngang qua giữa đồng bưng, chen trong đám rừng tràm nước và cây dầu gió, chỗ thì đất nứt nẻ, chỗ thì nước lỉnh ỉnh. Kênh, mương, rãnh, lồi, lõm, ngang, dọc... nằm trãi dài theo tuyến đường điện. Xe chuyên chở vật liệu bị lún sình hoài, mắc lầy phải đổ cát đá, sắt, xi măng... trên xe xuống bớt, chờ lôi xe bị lún lên được rồi mới chuyển đi tiếp. Thật sự có chứng kiến mới thấy cái công cực khổ gian nan của các anh - những kỹ sư và công nhân xây dựng công trình đường điện Bắc - Nam đầu tiên ở khu vực ấp 2, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Xóm nhà tôi ở cách công trình đường dây cao thế khoảng nửa cây số, mấy chị em nhà gần thường hay rủ nhau ra bưng mót củi, cắt tranh, bàng, xúc cá lia thia... Công trình của các anh tuốt đằng xa, đối mặt nhưng không gần, nói to thì nghe, cho nên không ai biết tên tuổi của ai, chỉ biết nhau qua những lời trêu chọc mà thôi.

Trụ điện Bắc - Nam đường điện 500kV đầu tiên ở khu vực ấp 2, Đức Hòa, Long An
ẢNH: TGCC
Đến bây giờ nhắc lại vẫn thấy vui, lần nào chị em tụi tôi đi ngang qua, mấy anh công nhân toàn là thanh niên trai trẻ, đang làm nhưng thấy cô gái nào đi qua là trêu ghẹo dữ lắm. Nào là em gái ơi cho anh phụ gánh bàng, gánh củi; em gái ơi cá nhiều không em, mang về kho đi, lát nữa anh về ăn cơm nhé... Tụi tôi cũng đâu có vừa, cũng chọc lại mấy anh đủ kiểu. Có thời điểm vào mùa nắng khoảng tháng 2 đến tháng 5, bà chị ở xóm, trưa nào cũng gánh sương sâm, bánh lọt tới chỗ công nhân làm trụ điện để bán. Chị bán đắt lắm, xíu là hết nồi. Có hôm, chồng của chị sợ chị "say nắng", không cho đi, giận đổ cả gánh sương sâm ra đất.
Lảm cột trụ xong, bắt đầu kéo dây điện về, nhìn người thợ đi trên dây, cả làng tôi, người lớn kẻ nhỏ ai cũng xem, thấy ngộ, lạ. Ai ai cũng trầm trồ: "Họ tài giỏi quá!". Khi các công nhân, kỹ sư, thợ điện làm xong, họ lần lượt rời quê tôi đi nơi khác. Chúng tôi ra bưng, đi ngang nơi công trình điện các anh làm, nay yên ắng đến lạ, chợt nhớ không khí vui nhộn ngày ấy.
Đường điện đã có, lãnh đạo địa phương đứng ra vận động để đưa điện về thôn xóm, vùng xa, lúc đó gọi là điện dân lập. Chia tổ, mỗi tổ từ 4-6 hộ chung một đồng hồ lớn. Sau đó từng hộ mắc thêm một cái nhỏ. Nhờ vậy mà xóm tôi từ giã những năm tháng leo lét đèn dầu. Nhớ lúc có được điện dùng, trong người cảm giác lâng lâng làm sao ấy, cả xóm hùn nhau người gà, người vịt, người gạo, người góp củi xúm lại tổ chức một buổi tiệc ăn mừng lớn lắm.
Có điện rồi, ông chú chuyên nghiệp sửa máy dầu máy xăng bị thất nghiệp, đa số người dân mua máy bơm về để tưới đậu phộng, hoa màu... Đặc biệt là hết cảnh quăng 9 thước dây từ dưới đáy giếng nước để mang nước lên mặt đất. Đồ gia dụng trong nhà cũng theo điện đổi đời.
Tuy điện là tiện ích, nhưng tiết kiệm điện mới là hữu ích, cái nào cần thiết thì sử dụng, hao tốn điện thì mình hạn chế. Mẹ tôi cao tuổi, kỹ tính, dù không ở chung nhà với con cháu, nhưng cứ mỗi lần sang nhà chơi là bà hay nhắc con cháu tắt mở đèn khi nào cần. Nghe ti vi nói tắt điện Giờ trái đất, bà cũng hưởng ứng.
Cám ơn các anh thợ điện đến và đi đã để lại cho người dân quê tôi ký ức thật đẹp, thật thú vị. Chúng tôi trân quý công sức của các anh, những người thợ điện miền Nam đã vun đắp cho đời nguồn ánh sáng quý giá!
Cuộc thi viết "50 năm thắp sáng niềm tin" có tổng giải thưởng lên đến 100 triệu đồng.
- Nhận bài thi đến hết ngày 30.4.2025.
- Email: [email protected]. Mời quý bạn đọc xem thể lệ cuộc thi trên thanhnien.vn/evnspc.vn.