Tạo nên môi trường giao thông an toàn, văn minh
Huỳnh Tuấn Danh, sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM, cho biết: "Những quy định mới giúp mọi người hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình trên đường. Việc tuân thủ luật giao thông không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần tạo nên môi trường giao thông an toàn, văn minh".
Đinh Tấn Huy (29 tuổi), ngụ đường Nguyễn Thời Trung, P.6, Q.5 (TP.HCM), cho rằng: "Việc chấp hành luật không phải chỉ để tránh bị phạt, mà thực sự là để bảo vệ chính mình và những người thân xung quanh".
Phó trưởng Công an Q.1, TP.HCM Lê Tấn Châu nói: "Với vị trí là người dân tham gia giao thông và góc độ của cơ quan chức năng, tôi thấy ý thức chấp hành luật giao thông của mọi người được nâng lên rõ rệt. Tình trạng leo lề, vượt đèn đỏ, lấn làn, dừng đỗ sai quy định… đã giảm đáng kể. Điều này không chỉ giúp đảm bảo an toàn giao thông mà còn hỗ trợ cơ quan chức năng quản lý hiệu quả hơn. Khi trật tự xã hội được duy trì ổn định, việc phát triển cơ sở hạ tầng và các kế hoạch đô thị cũng thuận lợi hơn".
Luật sư Hà Hải, Đoàn luật sư TP.HCM, chia sẻ: "Theo tôi, lý do chính khiến tình trạng lạng lách, đánh võng và coi thường tính mạng người khác trên đường đã tiếp diễn trong thời gian trước đây là do các chế tài chưa đủ sức răn đe. Các đối tượng, nhất là thanh thiếu niên, thiếu ý thức khi điều khiển phương tiện giao thông. Họ tái phạm vì biết rằng hình phạt chỉ ở mức nhắc nhở hoặc lập biên bản thu giữ phương tiện trong thời gian ngắn. Điều này khiến nhiều người xem nhẹ trách nhiệm khi tham gia giao thông. Từ khi có Nghị định 168, tình trạng này giảm thiểu đáng kể vì đủ sức răn đe mạnh mẽ, vỉa hè cũng thông thoáng, tạo điều kiện cho người đi bộ an toàn hơn. Tôi rất ủng hộ".
Còn luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng: "Việc thượng tôn pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì trật tự và công bằng. Pháp luật là nền tảng quy định và điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân và tổ chức trong xã hội. Việc tuân thủ pháp luật không chỉ là trách nhiệm của mỗi người mà còn là nền tảng của sự phát triển và ổn định".
Theo luật sư Bình, Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26.12.2024 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe đã có hiệu lực từ ngày 1.1.2025. Trước đây, ra đường không khó để bắt gặp những vi phạm giao thông của người dân, điển hình như vượt đèn đỏ, leo lên vỉa hè để đi, lạng lách đánh võng gây mất an toàn giao thông, không mong muốn xảy ra hơn đó là tai nạn giao thông. Ngay khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành thì người dân đã nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ hiệu lệnh khi tham gia giao thông, giúp giảm thiểu khá nhiều những hành vi vi phạm, những hệ quả không mong muốn xảy ra.
Luật sư Bình nói rằng việc tham gia giao thông đảm bảo an toàn, tuân thủ quy định pháp luật là ý thức và trách nhiệm của mỗi người nhưng cũng không thể phủ nhận chế tài chặt chẽ của nghị định mới này, đã nâng cao hình phạt hơn so với các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông trước đây. Ngoài việc nâng cao mức phạt tiền, tùy từng hành vi vi phạm thì còn có biện pháp xử phạt mới về trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe cũng được áp dụng.
"Tuy nhiên, tôi cho rằng người dân không chỉ cần phải tuân thủ pháp luật mà cũng cần phải hiểu rõ về pháp luật hơn nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống pháp luật. Mọi hành vi đều dựa trên nền tảng ý thức, người dân có ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông không chỉ đảm bảo an toàn cho bản thân mà còn đảm bảo an toàn cho người khác. Khi mỗi cá nhân và tổ chức đều thượng tôn pháp luật, điều đó tạo ra sự tin cậy, ổn định và an ninh cho mọi người trong xã hội. Người dân cảm thấy tin tưởng vào hệ thống pháp luật, và từ đó tạo ra một môi trường sống và làm việc tích cực", luật sư Bình cho biết.
Tự nguyện thay đổi hành vi một cách tích cực hơn
Chuyên gia tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhấn mạnh: "Để nâng cao ý thức chấp hành Nghị định 168, cần tập trung thay đổi hành vi thông qua giáo dục và xây dựng thói quen. Hành vi vi phạm giao thông thường bắt nguồn từ tâm lý chủ quan, thiếu kiềm chế, hoặc áp lực trong cuộc sống hằng ngày. Do đó, việc tăng cường tuyên truyền, kết hợp với các chiến dịch truyền thông mang tính tương tác, có thể giúp người dân hiểu rõ hậu quả của việc vi phạm và từng bước điều chỉnh hành vi. Tôi cho rằng hình thành văn hóa giao thông không chỉ dựa trên luật pháp mà còn phụ thuộc vào cảm xúc và giá trị cộng đồng. Khi mỗi cá nhân ý thức rằng tuân thủ luật giao thông không chỉ bảo vệ bản thân mà còn thể hiện sự tôn trọng cộng đồng, họ sẽ tự nguyện thay đổi hành vi một cách tích cực hơn".
Về phía trường học, thầy cô cho biết sẽ đẩy mạnh tuyên truyền giao thông để học sinh được nắm rõ, hiểu luật tốt hơn. Anh Ngô Văn Tín, giáo viên bộ môn giáo dục công dân, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trung An, H.Củ Chi (TP.HCM), chia sẻ hiện nay nhà trường đang thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền giao thông trong tháng 11, phối hợp gia đình ký kết không vi phạm an toàn giao thông, mời công an huyện về tuyên truyền. Trong tuần, trường lập danh sách ghi nhận các em chưa đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông để nhắc nhở.
"Việc học sinh nghiêm túc chấp hành luật giao thông không chỉ bảo vệ an toàn cho chính các em mà còn mang lại sự yên tâm cho gia đình. Khi rủi ro và tai nạn giao thông được hạn chế, cha mẹ có thể tập trung tốt hơn vào công việc và chăm lo cuộc sống, từ đó không chỉ giúp xây dựng gia đình hạnh phúc mà còn góp phần vào sự ổn định của xã hội. Các em chính là những tuyên truyền viên nhí, lan tỏa ý thức giao thông văn minh đến cộng đồng", anh Tín chia sẻ.