Sinh ra trong gia đình thuần nông tại thôn Gia Độ (xã Triệu Độ, H.Triệu Phong, Quảng Trị), Nguyễn Trung Chánh (30 tuổi) luôn ấp ủ ước mơ khởi nghiệp trên quê hương. Và rồi ước mơ đang dần thành hiện thực khi anh ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy đông trùng hạ thảo, lĩnh vực còn tương đối xa lạ với nhiều người dân địa phương.
Tốt nghiệp cử nhân ngành báo chí, Nguyễn Trung Chánh trở về quê hương Quảng Trị và thử sức với nhiều công việc trong ngành truyền thông. Tới cuối năm 2021, sau khi tiếp cận được công nghệ nuôi cấy đông trùng hạ thảo của Sở KH-CN tỉnh Quảng Trị, anh nhanh chóng triển khai ngay tại nhà.
"Sau khi được Sở KH-CN hỗ trợ về máy móc và các thủ tục chuyển giao công nghệ, tôi bắt tay xây dựng một phòng nuôi cấy ngay tại nhà. Thời điểm này đang xảy ra đại dịch Covid-19, người dân rất quan tâm đến sức khỏe, tôi lại càng mong muốn nuôi cấy thành công để tạo ra một sản phẩm tốt cho người dân sử dụng", anh Chánh chia sẻ.
Việc trồng thử nghiệm đã được Sở KH-CN ứng dụng và trải qua nhiều bước nên Nguyễn Trung Chánh không mất nhiều thời gian trong ứng dụng kỹ thuật. Khó khăn ban đầu mà anh gặp phải là vốn, khi các máy móc có giá khá cao. Anh dùng hết số tiền tích góp được và vay mượn thêm, đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống nuôi cấy đông trùng hạ thảo gần 1 tỉ đồng vào cuối năm 2021.
Đến giữa năm 2022, việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo thành công, anh Chánh thành lập công ty, đưa sản phẩm đi giám định và được đánh giá chất lượng đạt 70% so với đông trùng hạ thảo tự nhiên. Thời gian từ lúc cấy tế bào cho đến khi hoàn thiện khoảng 3 tháng. Để luôn có sản phẩm, anh thực hiện nuôi cấy quanh năm với 10.000 lọ cho mỗi chu kỳ cấy tế bào.
"Để tạo ra 1 kg đông trùng hạ thảo sấy khô phải mất từ 500 - 700 lọ, chưa kể trong quá trình nuôi cấy tế bào có nguy cơ bị giảm chất lượng do ảnh hưởng của thời tiết và một số yếu tố khác. Bên cạnh sản phẩm sấy khô, tôi còn cho ra các mặt hàng khác như đông trùng hạ thảo ngâm rượu hay ngâm mật ong", anh Chánh chia sẻ.
Hiện tại, sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy khô của công ty anh Chánh có giá 42 triệu đồng/kg, đã đạt OCOP 3 sao vào năm 2023. Để nhiều người có thể tiếp cận với mặt hàng cao cấp, anh chia nhỏ sản phẩm sấy khô thành hộp (10 g/hộp) và chế biến các sản phẩm ngâm rượu, ngâm mật ong với giá từ 400.000 - 2.000.000 đồng, tùy loại sản phẩm.
Sau 3 năm khởi nghiệp tại quê nhà, anh Nguyễn Trung Chánh không chỉ đạt được doanh thu từ 1 - 1,4 tỉ đồng/năm mà còn tạo việc làm cho 4 lao động địa phương. Ông chủ trẻ đang ấp ủ mong muốn sẽ mở rộng thêm diện tích sản xuất, máy móc cũng như ứng dụng thêm các công nghệ để phát triển sản phẩm hơn nữa, đồng thời đưa đông trùng hạ thảo đến nhiều thị trường hơn.
Ông Trần Ngọc Lân, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Quảng Trị, cho biết dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đông trùng hạ thảo được triển khai từ năm 2021 và đạt được những thành quả nhất định, tạo ra sản phẩm tốt, chất lượng.
"Trong thời gian thực hiện dự án, Sở cũng đã hỗ trợ khởi nghiệp, hướng dẫn, chuyển giao và nhân rộng mô hình dự án cho một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là công ty của Chánh. Đây là tín hiệu rất khả quan về sự thành công cũng như định hướng mở rộng, nhân rộng kết quả của dự án", ông Lân nói.