Sinh ra trong gia đình thuần nông, chị Phượng luôn nhớ về hương vị cốm gạo ngày xưa mẹ hay làm cho ăn. Lớn lên, chị quyết định khởi nghiệp làm bánh cốm gạo từ năm 2022. Trong khi nhiều người làm cốm chọn các giống gạo thông thường thì chị Phượng chọn gạo dược liệu mang tên "ngọc đỏ hương dứa". Đây là đặc sản của vùng đất Lấp Vò, gạo nấu lên có mùi dứa đặc trưng.
Thời điểm đầu, chị Phượng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, do bao bì còn thô sơ, chủ yếu đựng trong bịch ni lông hút chân không nên không thu hút khách hàng. Nhờ địa phương hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp, chị mạnh dạn đầu tư thiết bị làm bao bì bắt mắt hơn. Đặc biệt, tiếp thu ý kiến của khách hàng, chị gia giảm độ ngọt của cốm cho phù hợp. Dần dần, sản phẩm được ưa chuộng, nhiều người biết đến thương hiệu "Cốm gạo ngọc đỏ hương dứa", công việc làm ăn của chị ngày càng thuận lợi.
Mong muốn đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, chị Phượng dành thời gian đi tham quan nhiều cơ sở làm cốm tại các tỉnh, thành miền Tây và TP.HCM; đồng thời tham gia các lớp tập huấn để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm. Sau đó, chị mày mò làm ra nhiều sản phẩm từ cốm gạo truyền thống như: cốm gạo chà bông, cốm gạo rong biển cùng các loại hạt (điều, bí). Trong các loại cốm gạo này đều có gừng, khi ăn có vị the nhẹ ở đầu lưỡi và ấm bụng.
Theo chị Phượng, các công đoạn làm cốm gạo khá kỳ công và hoàn toàn thủ công. Từ khâu nấu cơm, phơi khô, cho vào chảo dầu chiên cho đến khâu trộn đều với đậu phộng, đường thắng, cắt thành khuôn, đóng bao bì. Sản phẩm được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi tháng, chị bán ra thị trường từ 300 - 400 kg cốm gạo các loại. Giá bán từ 50.000 - 55.000 đồng/hộp (loại 250 gr). Sản phẩm bán khắp các tỉnh, thành miền Tây, TP.HCM… Nhờ đó, chị có thu nhập gần 500 triệu đồng/năm.
Anh Lê Hữu Thuận, Phó bí thư Đoàn thanh niên TT.Lấp Vò, cho biết: "Chị Phượng là thành viên của CLB khởi nghiệp TT.Lấp Vò. Cốm gạo ngọc đỏ hương dứa là sản phẩm mới được thương mại hóa và đưa ra thị trường với sự đón nhận tích cực của khách hàng. Thời gian tới, địa phương sẽ khuyến khích chị làm thêm các sản phẩm cốm từ tài nguyên bản địa".