Đồ án tốt nghiệp... độc lạ

Đồ án tốt nghiệp: Giữ gìn và phát triển văn hóa dân gian

Tác giả đồ án là nhóm sinh viên ngành thiết kế đồ họa, gồm: Lê Minh Trí (nhóm trưởng), Nguyễn Quang Trường và Nguyễn Thị Tường Vân. Đây là đồ án cho chuyên ngành 3 (thiết kế nhân vật và kỹ thuật đồ họa). Qua đồ án này, nhóm muốn tái hiện các nhân vật gắn liền với đời sống tâm linh của người Việt xưa.

Đồ án tốt nghiệp... độc lạ- Ảnh 1.

Vân, Trí và Trường (từ trái sang), nhóm tác giả boardgame "An Nam dị quỷ"

ẢNH: KIM NGỌC NGHIÊN

Trí cho biết cả nhóm dành 4 tháng để hoàn thiện đồ án. Nhóm đã tham khảo cuốn sách Ma quỷ dân gian ký của tác giả Duy Văn và chọn ra 9 nhân vật phù hợp để phát triển đồ án.

Trí cho biết giai đoạn 1 kéo dài 2 tháng để chọn đề tài, lên ý tưởng, tìm câu chuyện, mô tả tạo hình, sau đó thiết kế và minh họa lại nhân vật. Sau đó in ra sản phẩm là 1 quyển artbook (sách ảnh nghệ thuật), đồng thời phát triển đề tài thành một trò chơi ứng dụng vào thực tế.

"Sau khi có được các thiết kế hoàn thiện, chúng mình tiến hành thực hiện dựng gian hàng sự kiện ra mắt theo đề tài lựa chọn ứng dụng các kỹ thuật đồ họa. Sau đó, phát triển đồ án thành một trò chơi trí tuệ", Minh Trí chia sẻ về giai đoạn 2.

Nhóm sinh viên đưa người xem vào một thế giới tâm linh đầy huyền bí, nơi những câu chuyện dân gian VN về các nhân vật ma quái, thần thánh được tái hiện một cách sống động qua hình vẽ.

Theo Trí, bạn dựa vào thế mạnh của từng người để giao khối lượng công việc. Trí và Vân có thế mạnh về thiết kế tạo hình nhân vật, Trường làm về hậu kỳ, bối cảnh…

Đặc biệt, nhóm rất chú trọng vào việc thiết kế bối cảnh và môi trường xung quanh từng nhân vật, từ đó mang đến cái nhìn toàn diện và sinh động về những câu chuyện ma quỷ cổ xưa.

11a2.jpg

Các bạn sinh viên háo hức chờ đợi trải nghiệm trò chơi

ẢNH: KIM NGỌC NGHIÊN

Trò chơi thú vị

Bên cạnh việc phát hành artbook, nhóm tác giả còn sáng tạo một boardgame (thể loại trò chơi gồm 2 hoặc nhiều người tương tác trực tiếp với nhau thông qua một bàn cờ, thường sử dụng vật dụng đi kèm như xí ngầu, quân cờ…). "Với mục tiêu giúp những hình tượng xưa không chỉ xuất hiện trên giấy mà còn đến gần hơn với đời sống thực tế, nhóm đã xây dựng một trò chơi vừa mang tính sáng tạo, vừa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc", Trường chia sẻ.

Trí cho biết nhóm có tham khảo luật chơi của trò cờ cá ngựa, sau đó phát triển, biến tấu để có được phiên bản phù hợp hơn với từng nhân vật, văn hóa dân gian VN.

Phần bản đồ hình bát quái, người chơi sẽ sử dụng các lá bài (nhân vật và chức năng). Lá bài chức năng có nhiệm vụ rất quan trọng để xoay chuyển tình thế trong game. Game dành cho 2 - 5 người chơi. Người chơi sẽ chọn ra cung mệnh tương xứng trên bản đồ, mỗi lượt sẽ gieo xúc sắc, ai nhiều điểm nhất được đi trước.

Số điểm đạt được khi gieo xúc sắc sẽ tương ứng với bước đi trên bản đồ. Người chơi sẽ khám phá nhân vật có chức năng từ yếu đến mạnh. Mỗi lần gieo xúc sắc sẽ được rút một lá bài và người chơi sẽ sử dụng chức năng trong lá bài để tấn công đối thủ. Tất cả người chơi phải đối kháng với nhau, ai đi tới điểm cuối cùng đầu tiên sẽ chiến thắng.

"Nhóm mong muốn qua thiết kế nhân vật sắc nét, có thể khơi gợi lại vẻ đẹp kỳ bí, huyền ảo của những câu chuyện dân gian, đồng thời làm mới chúng bằng ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại", Trí cho biết.

11a3.jpg

Hình ảnh ma quỷ được nhóm tác giả đưa vào trò chơi

ẢNH: NVCC

Thạc sĩ Trần Thanh Hùng, Trưởng bộ môn Thiết kế đồ họa Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhận xét: "Đồ án boardgame "An Nam dị quỷ" là sản phẩm rất sáng tạo khi kết hợp hài hòa yếu tố văn hóa dân gian VN với lối chơi chiến thuật hấp dẫn".

Thạc sĩ Hùng nói thêm: "Nhóm đã tận dụng tốt các hình tượng và câu chuyện truyền thuyết VN, không chỉ mang đến trải nghiệm giải trí mà còn giúp người chơi hiểu thêm về nét đặc sắc của văn hóa nước nhà. Thiết kế mỹ thuật ấn tượng, luật chơi chặt chẽ, nội dung cuốn hút cho thấy sự đầu tư và tâm huyết của các bạn. Đây là một sản phẩm có tiềm năng lớn để phát triển".

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao