Coi chừng bẫy lừa 'đăng ký học trí tuệ nhân tạo miễn phí'

Bẫy lừa mang tên "lớp học miễn phí về trí tuệ nhân tạo"

Ngày 21.12.2024, anh N.Đ.D (36 tuổi), ngụ đường số 5, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân (TP.HCM), nhận được tin nhắn từ số máy lạ 0392…218. Nội dung là những dòng chữ không dấu, nhưng có thể tạm dịch: "Lớp học miễn phí: Trí tuệ nhân tạo, cách sử dụng AI kiếm tiền online. Vào nhóm Zalo để học miễn phí"; kèm theo là một link.

Coi chừng bẫy lừa 'đăng ký học trí tuệ nhân tạo miễn phí'- Ảnh 1.

Nội dung tin nhắn anh N.Đ.D nhận được

ẢNH: NVCC

Anh D. kể: "Câu chuyện về AI ngày càng phổ biến, trong khi tôi chưa có những kiến thức về AI nên cũng muốn học. Thấy tin nhắn cho học miễn phí nên đã làm theo hướng dẫn".

Anh D. tiếp tục: "Sau khi vào nhóm Zalo, lại được hướng dẫn tiếp vào một nhóm trên Telegram. Tại đây, tôi được mời gọi đầu tư với những lời hẹn lợi nhuận cao. Một phút thiếu cảnh giác tôi đã nghe theo lời những thành viên trên đấy, "bay" mất 12 triệu đồng".

"Nhiều người trên đó tiếp tục chiêu dụ, tôi sợ quá nên thoát nhóm cả trên Telegram và Zalo. Xem đó là… tiền học phí cho bài học nhớ đời", anh D. rầu rĩ.

Trường hợp khác, N.T.H (27 tuổi), ngụ chung cư Lê Thành, Q.Bình Tân (TP.HCM), cũng nhận được tin nhắn từ số máy lạ 0345…291. Nội dung là mời gọi tham gia lớp học về AI hoàn toàn miễn phí, được dạy về cách kiếm tiền thụ động nhờ các công cụ AI. Và trong tin nhắn cũng kèm link.

"Sau khi nhấn vào link được chèn trong tin nhắn, thì tôi trở thành thành viên của một nhóm chuyên quảng cáo cá độ, bài bạc trực tuyến, cũng tràn lan các video nhạy cảm. Tôi e ngại việc sẽ bị chiếm đoạt tài khoản nên nhanh chóng thoát nhóm", H. kể lại.

Trên diễn đàn chongluadao.vn, nhiều người cũng kể đã từng là người trong cuộc; nghĩa là nhận được những tin nhắn với nội dung mời tham gia các "lớp học AI miễn phí", "diễn đàn làm giàu từ AI", "nơi học cách kiếm tiền nhờ AI"…

Đối phó bằng cách nào ?

Theo anh Đoàn Huỳnh Huy, chuyên viên công nghệ thông tin, làm việc tại Công ty phần mềm ứng dụng Đà Nẵng (TP.Đà Nẵng), "bẫy lừa" này không mới, chỉ là "biến thể" của việc phát tán những link chứa mã độc, vốn quen thuộc suốt thời gian qua.

Coi chừng bẫy lừa 'đăng ký học trí tuệ nhân tạo miễn phí'- Ảnh 2.

Cần cẩn thận nếu nhận link từ người lạ qua tin nhắn Messenger, Zalo, Telegram... đề phòng bị lừa

ẢNH: NVCC

"Chiêu cũ nhưng kẻ lừa áp dụng cách mới, đó là đưa nội dung AI vào khiến mọi người mất cảnh giác. Nhất là khi hiện nay những khái niệm về AI đang được quan tâm; và việc "làm giàu từ AI", "kiếm tiền từ AI" thu hút mọi người", anh Huy nói.

Cũng theo chuyên viên công nghệ thông tin này, nếu nhấn vào link mà người lạ gửi đến có thể gặp những rủi ro như: phải tải phần mềm lạ, bị chiếm quyền kiểm soát máy tính, điện thoại hay có thể bị đánh cắp dữ liệu tài khoản cá nhân...

"Thực tế đã có nhiều trường hợp mất tài khoản mạng xã hội chỉ vì bấm vào những link do người lạ gửi qua tin nhắn, Messenger, Zalo, Telegram. Cũng có những link dẫn tới một địa chỉ yêu cầu nhập mã OTP, mật khẩu, tên đăng nhập tài khoản internet banking. Nếu làm theo, chắc chắn sẽ gặp hậu quả khó lường như bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Ngoài ra, cũng có thể phải tham gia các nhóm chat với nội dung "bẩn" mà bản thân không mong muốn", anh Huy nói thêm.

Anh Vũ Quang Trí (32 tuổi), làm việc tại Công ty tư vấn đầu tư và phát triển công nghệ AIC (Hà Nội), khuyến cáo: "Đừng chủ quan nhấn vào link lạ vì có nguy cơ dính vi rút hoặc bị đánh cắp các thông tin cá nhân".

Để đối phó với chiêu lừa này, anh Trí cho rằng: "Hãy nói không với việc nhấn vào những link do người lạ gửi. Đặc biệt cần nâng cao tinh thần cảnh giác với những lời chiêu dụ giúp "làm giàu", "tặng quà", "miễn phí"… kẻo "dính chưởng" từ những kẻ lừa đảo".

Trường hợp đã lỡ nhấn vào link lạ, anh Trí khuyên: "Nhanh chóng thoát ra, xóa lịch sử đăng nhập. Phải thay đổi mật khẩu các tài khoản mạng xã hội, email, ngân hàng…".

Cũng theo anh Trí, bẫy lừa này với chiêu phát tán những link chứa mã độc, có thể sẽ lại hoành hành trong thời gian tới, nhất là khi sắp đến Tết Ất Tỵ 2025.

"Cụ thể, kẻ lừa có thể sẽ tung chiêu đăng bài với nội dung "tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán", "Tri ân khách hàng chào Tết Ất Tỵ 2025", "Tặng quà đầu xuân 2025"…; kèm theo đó là những link chứa mã độc. Kẻ lừa sẽ qua mặt những người thiếu cẩn trọng bằng cách mạo danh các thương hiệu nổi tiếng chuyên kinh doanh sản phẩm về: xe máy, ô tô, bia, bánh kẹo, điện thoại, máy giặt, máy lạnh. Cũng có thể những link chứa mã độc ấy được phát tán qua tin nhắn điện thoại, email, Messenger, Telegram… Nếu không cảnh giác, nhấn vào link là có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Thực tế, vào dịp đầu xuân những năm trước đã từng có những nạn nhân sập bẫy lừa này", anh Trí nói.

Anh Trí lưu ý: "Cẩn thận trước những món quà "từ trên trời rơi xuống" qua tin nhắn điện thoại, tin nhắn mạng xã hội như thế. Phải cảnh giác trước những yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền để nhận thưởng…".


Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao