Có những người trẻ khởi nghiệp và khát khao cống hiến

Trong số phát sóng thứ 4 của chương trình giao lưu trực tuyến "Tuổi trẻ Việt Nam - Những câu chuyện đẹp", do T.Ư Đoàn chỉ đạo triển khai, Báo Thanh Niên tổ chức thực hiện, 3 khách mời đã có những trao đổi thú vị về chủ đề "Tuổi trẻ sáng tạo, khởi nghiệp và đóng góp cho cộng đồng".

Khởi nghiệp, sáng tạo vì cộng đồng

Tại chương trình, anh Nguyễn Hữu Minh Hoàng (33 tuổi), người từng lọt vào danh sách "30 Under 30 Asia" (top 30 người dưới 30 tuổi có tầm ảnh hưởng nhất châu Á) năm 2020 do tạp chí Forbes công bố, kể về cơ duyên khởi nghiệp với BuyMed, công ty điều hành trang thương mại điện tử thuocsi.vn mà anh là đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành.

Đây là công ty vận hành theo mô hình B2B (từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp) và đánh dấu bước tiến trên thị trường dược phẩm khi chuyển đổi mô hình tự mua bán thuốc sang tổ chức sàn giao dịch kết nối các phòng khám, nhà thuốc…

Anh Hoàng cho biết tính xã hội của dự án khởi nghiệp này là giải quyết vấn đề khó mua thuốc của người dân, đặc biệt với những vùng sâu, vùng xa. Bởi thực tế, có những nhà thuốc cách xa thành phố tới vài trăm ki lô mét, nên việc mua được thuốc đủ cung cấp cho người dân địa phương không phải chuyện dễ dàng. Chính sự ra đời của sàn giao dịch thuocsi.vn sẽ hỗ trợ các quầy thuốc ở nhiều địa phương tăng khả năng tiếp cận với nhiều loại thuốc, góp phần hỗ trợ dược sĩ, bác sĩ cũng như bệnh nhân. Dù ở đâu cũng có thể đặt hàng với bất kỳ số lượng nào với giá tốt nhất.

Có những người trẻ khởi nghiệp và khát khao cống hiến- Ảnh 1.

Từ phải sang: Nguyễn Bùi Anh Duy, Nguyễn Hữu Minh Hoàng và Đoàn Ngọc Hiếu

ẢNH: NỮ VƯƠNG

Cũng trong buổi giao lưu, Nguyễn Bùi Anh Duy, cựu sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, đang làm việc tại Công ty Fulin Plastic Industry Joint Stock Company Branch, đã kể về quá trình thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học từng giúp bản thân nhận được nhiều giải thưởng như: Tuổi trẻ sáng tạo của T.Ư Đoàn năm 2024, giải nhất giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka 2023, được tuyên dương là công trình, giải pháp, sản phẩm sáng tạo, sáng kiến tiêu biểu toàn quốc 2024; HCV cuộc thi Thiết kế chế tạo ứng dụng 2024…

Trong đó, đáng chú ý là nghiên cứu chế tạo màng nhựa sinh học từ phế phẩm nông nghiệp hạt bơ booth Việt Nam. "Mọi người từng được nghe và biết phải mất tới khoảng 1.000 năm (có nghĩa là 10 thế kỷ) để một chiếc túi ni lông có thể phân hủy được. Từ đó, mình và cộng sự đã nghĩ đến xu hướng sử dụng nhựa sinh học sẽ tăng lên. Thực tế, trên thế giới, các nước châu Âu đã dùng tinh bột hạt ngô, tinh bột khoai mì… để nghiên cứu chế tạo màng nhựa sinh học. Và trong một lần mua bơ về ăn, khi ăn xong, mình chợt nghĩ hạt bơ có thể tạo ra sản phẩm gì hữu ích? Từ đó, nghiên cứu các tài liệu quốc tế, phát triển ra ý tưởng chế tạo màng nhựa sinh học từ phế phẩm nông nghiệp hạt bơ", Duy kể lại.

Theo Duy: "Một trong những động lực để nghiên cứu khoa học đó là khát khao cống hiến cho cộng đồng, cho xã hội. Mình tâm niệm rằng nghiên cứu khoa học không phải đơn giản là việc mình khám phá bản thân, tìm kiếm điều mới mẻ trong cuộc sống mà cần phải sử dụng kiến thức học được để tạo ra những giá trị cho sản phẩm, giúp ích cho xã hội, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân".

Một khách mời khác cũng đem đến câu chuyện thú vị, là anh Đoàn Ngọc Hiếu (34 tuổi), Phó chủ tịch JCI Việt Nam 2024 (thuộc Liên đoàn lãnh đạo và doanh nhân trẻ thế giới, là mạng lưới kết nối toàn cầu của những người trẻ tích cực trong độ tuổi từ 18 - 40 có chung tinh thần phát triển bản thân và phụng sự xã hội). Anh Hiếu kể về hành trình khởi nghiệp với sản phẩm nguyên phụ liệu phục vụ ngành da giày. Đồng thời đã và đang tham gia nhiều dự án kinh doanh khác liên quan đến lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số…

Anh Hiếu hiện cũng tham gia nhiều câu lạc bộ, hội, nhóm như: JCI Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM… "Nhờ vậy, tôi đã có cơ hội gặp gỡ những người trẻ truyền cảm hứng, được tiếp nhận năng lượng tích cực. Tôi nhận ra họ đều có những điểm chung về khát vọng cống hiến cho đất nước, luôn nỗ lực mỗi ngày để tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng", anh Hiếu nói.

Chủ động, học hỏi, mơ lớn, dám nghĩ, dám làm

Khi được đề cập đến việc, là thế hệ sinh ra trong thời đại toàn cầu hóa và sự bùng nổ của khoa học công nghệ, nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức, có điều gì muốn nhắn gửi đến người trẻ? Anh Hiếu cho rằng: "Cần phải có sự chủ động. Bởi có thể gặp phải những thử thách, khó khăn trong cuộc sống. Nhưng nếu có sự chủ động trước, suy nghĩ những phương án đối phó với những điều không mong muốn thì vẫn có những cách để thích ứng".

Anh Hiếu cũng nói về câu chuyện thời đại AI đang bùng nổ. "Nhiều ý kiến cho rằng AI sẽ thay thế công việc của con người. Tuy nhiên, những người chủ động tìm hiểu, học hỏi về AI thì có thể biến AI trở thành công cụ để hỗ trợ cho học tập, công việc một cách hiệu quả hơn", anh Hiếu chia sẻ.

Anh Hoàng thì cho rằng người trẻ cần luôn luôn học hỏi, biết mơ lớn, và dám nghĩ, dám làm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới. Anh Hoàng cho biết bản thân từng học tập, làm việc tại Trung Quốc, Mỹ… Nhưng sau đó chọn trở về Việt Nam. Trong quá trình tiếp xúc với người trẻ thế giới, anh Hoàng nhận ra: "Người trẻ Việt Nam chăm chỉ, có tính logic... Tuy nhiên còn hạn chế về việc dám nghĩ lớn, dám làm. Thay đổi được điều này sẽ giúp giỏi hơn".

Còn Duy thì chia sẻ: "Để không chênh vênh trong cuộc đời, cần có mục tiêu rõ ràng. Và thay vì nghĩ cho cá nhân, hãy nghĩ về tập thể, cộng đồng, xã hội. Việc nghĩ rộng như vậy sẽ giúp có thêm những động lực tạo ra những hành động, việc làm ý nghĩa, thiết thực".

Đừng sợ thất bại

Theo Duy, trong quá trình theo đuổi niềm đam mê nghiên cứu khoa học, đã gặp không ít trở ngại, khó khăn về kinh phí, thời gian, thiết bị…

"Tuy nhiên, theo mình thì những khó khăn chính là bàn đạp để chinh phục nấc thang cao hơn, giúp bản thân trui rèn sự mạnh mẽ, bản lĩnh. Không nên đổ lỗi hoàn cảnh. Thay vì tìm kiếm lý do để biện minh không thể làm được, thì hãy tập trung tìm phương pháp, kiếm cách để cải thiện vấn đề. Và thế hệ trẻ có nhiều ưu điểm như: sức khỏe, tinh thần, trí tuệ… nên đừng bao giờ sợ thất bại. Thất bại là bước đệm của thành công. Người trẻ cũng cần luôn nuôi dưỡng ước mơ của mình", Duy chia sẻ.

Anh Hoàng cũng thừa nhận một thực tế là khi khởi nghiệp luôn phải đối diện với những khó khăn. "Nhưng nếu không bỏ cuộc, có sự cố gắng đến cùng rồi sẽ vượt qua. Chẳng hạn BuyMed từng gặp nhiều thách thức trong thời điểm dịch Covid-19, nhưng cũng đã vượt qua", anh Hoàng kể và chia sẻ kinh nghiệm: "Để khởi nghiệp, cần học thật nhiều. Nếu thất bại, hãy biết cách "chịu đau", sau đó làm bài học kinh nghiệm để vượt qua. Ngoài ra, khi khởi nghiệp, cần tìm được những cộng sự có cùng chí hướng, nhiệt huyết. Quan trọng nữa là khi khởi nghiệp, cần ưu tiên giá trị cộng đồng lên trên giá trị kinh tế. Cứ làm đi, cứ cho đi, rồi sẽ được nhận lại".

Qua câu chuyện thành công của mình, anh Hiếu chia sẻ với những người trẻ đang ấp ủ khởi nghiệp, mong được đứng vững trên thị trường trong nước cũng như có thể vươn ra tầm quốc tế, đó là phải nghiên cứu tạo ra những sản phẩm chất lượng, phục vụ đúng nhu cầu của thị trường.

"Ở thời đại thông tin rất minh bạch, thì những sản phẩm kém chất lượng nhanh chóng bị đào thải. Vì lẽ đó, cần dành thời gian mày mò, sáng tạo ra những sản phẩm thật tốt, lấy chất lượng làm "kim chỉ nam" trong kinh doanh. Bên cạnh đó, người khởi nghiệp phải luôn trau dồi, học hỏi kinh nghiệm, thay đổi để sản phẩm ngày càng làm khách hàng hài lòng hơn", anh Hiếu chia sẻ thêm.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao