Bất ngờ với những gợi ý khởi nghiệp từ 400 triệu đồng

Nuôi hươu, mua đất và…không làm gì cả

Vì câu hỏi được đăng trên hội nhóm về khởi nghiệp nông nghiệp nên đa phần các bình luận đều gợi ý thiên về hướng nông nghiệp; nhiều gợi ý rất thiết thực từ kinh nghiệm từng trải, nhưng cũng có không ít những chia sẻ khá hài hước.

Bất ngờ với những gợi ý khởi nghiệp từ 400 triệu đồng- Ảnh 1.

Nhiều gợi ý khởi nghiệp từ câu hỏi này

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Một thành viên đã nhiệt tình tư vấn: "Vốn ít thì trồng các cây phổ biến như hoa thọ bán tết, hay các cây bầu, bí, mướp, khổ qua... Nói chung ít ít vốn thì đầu tiên trồng gì ít ngày dễ bán và dễ chăm sóc. Đầu tư một vụ mà tiết kiệm, chỉ tốn 10 - 15 triệu đồng là cùng, sau vài vụ thì tính tiếp. Đầu tư nhỏ dễ tìm nguồn ra, mà nếu có sai cũng dễ sửa. Đầu tư lớn sai cái là đi luôn".

Ý kiến khác thì cho rằng: "Nếu có đất rồi thì làm vườn cũng tạm", hay "Làm nông nghiệp thủy canh, hệ aquaponics". Cũng có nhiều gợi ý về chăn nuôi, như: "Số tiền này thoải mái nuôi hươu sao lấy nhung", "Nuôi lợn đi", "Nuôi cá tầm"… Một gợi mở khác là: "250 triệu đồng mua mảnh đất, 50 triệu đồng chăn nuôi ngắn hạn, 100 triệu đồng còn lại thì kinh doanh quần áo cũ".

Một thành viên thì khẳng định: "Không đồng còn khởi nghiệp được nữa là 400 triệu đồng. Quan trọng tư duy của bạn thế nào?". Thành viên khác cũng đồng quan điểm khi cho rằng: "Quan trọng bạn thật sự khát khao không?".

Bên cạnh đó, có những gợi ý gây bất ngờ, như: "400 triệu đồng nên đem 350 triệu đồng cất. Tính cách khởi nghiệp với 50 triệu đồng thôi. Thất bại thì còn 7 lần để khắc phục. Nếu thành công thì lấy thêm 150 triệu đồng ra mở rộng".

Hay một thành viên khác khuyên: "Ăn tết xong rồi khởi nghiệp để có ít nhất 1 cái tết vui vẻ". Cũng có gợi ý: "Mua đất để đó chờ giá lên rồi tính".

Mặt khác, cũng có một vài lời khuyên không nên khởi nghiệp với số vốn đó. Chẳng hạn như ý kiến: "Gửi tiết kiệm, không thì mua mảnh đất nào rẻ rẻ để đó, chứ làm là mất hết"; hoặc "400 triệu đồng thì không nên khởi nghiệp nha bạn, chia sẻ chân thành. Nuôi trồng diện tích bé thì rủi ro cao là đầu ra khó"…

Có nhiều phương án để khởi nghiệp

Trước thắc mắc về vấn đề 400 triệu đồng có phải là số vốn lớn để khởi nghiệp hay không, anh Trầm Minh Thuần, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Trà Vinh, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Long Hiệp, cho rằng còn tùy vào dự án. Có dự án khởi nghiệp sẽ tốn vài chục tỉ đồng, thậm chí vài trăm tỉ đồng, nhưng cũng có dự án vài trăm triệu đồng đã làm được; còn phải xuất phát từ nhu cầu làm chậm hay nhanh của người khởi nghiệp. Với mức vốn 400 triệu đồng nếu khởi nghiệp ở nông thôn bằng những mô hình đơn giản, cũng xem là đủ. Còn với những mô hình áp dụng về công nghệ, AI hoặc các nền tảng số thì cần số tiền rất lớn...

Bất ngờ với những gợi ý khởi nghiệp từ 400 triệu đồng- Ảnh 2.

Theo anh Trầm Minh Thuần (ngồi sau), với số vốn 400 triệu đồng cũng có nhiều phương án để khởi nghiệp nông nghiệp

ẢNH: NVCC

Theo anh Thuần, với 400 triệu đồng cũng có nhiều phương án khởi nghiệp. Trong mảng nông nghiệp mà anh Thuần đang theo đuổi thì anh có những gợi ý: "Có thể về quê mời nông dân thành lập HTX, tập hợp người dân để cùng mua chung bán chung. Với 400 triệu đồng có thể đủ mua giống về cung ứng cho thành viên trong HTX, có thể chọn một vài xã viên giỏi, cùng nghiên cứu quy trình trồng lúa sinh học, lúa sạch để sản xuất gạo cung ứng cho khách hàng cao cấp tại các thành phố lớn".

Còn với các mảng khác, anh Thuần cho rằng 400 triệu đồng nếu vận dụng dòng tiền tốt vẫn có thể làm được một vài mô hình đơn giản để khởi nghiệp.

Anh Trần Thanh Tùng, chuyên gia giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nhiều chương trình thuộc các sở KH-CN trên toàn quốc, sáng lập và điều hành Sài Gòn Tếu, Wolf ON và New Founder, thì cho rằng các câu hỏi như "400 triệu đồng thì khởi nghiệp với gì được?" thường hay thấy ở những bạn mới khởi nghiệp. Vì khi khởi nghiệp lâu năm sẽ rất rành về nguồn lực đã và đang có, về những mối quan hệ, thế mạnh của bản thân và thậm chí đã có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng rất sâu rộng trong lĩnh vực mà họ biết họ sẽ khởi nghiệp về nó.

Anh Tùng cho rằng nếu như mục đích khởi nghiệp là để kiếm được nhiều tiền hơn thì ngoài khởi nghiệp cũng có thể nghĩ đến con đường đầu tư về tài chính. Chẳng hạn ở vùng sâu vùng xa, 400 triệu đồng có thể mua được một miếng đất và trong lĩnh vực đầu tư tài chính thì bất động sản một cách nào đó dễ dàng hơn với những người chưa có quá nhiều kiến thức về khởi nghiệp hoặc đầu tư tài chính…

Riêng gợi ý về khởi nghiệp, anh Tùng chỉ ra một xu hướng đang rất nổi bật hiện nay, đó chính là "Zero-Cost". Tức là khởi nghiệp không phí, mà theo anh Tùng nhiều khi nói vui là… không phí hoài thanh xuân.

Theo anh Tùng, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, khởi nghiệp cũng không phải là chuyện dễ dàng và thường đi kèm với sự gia tăng rủi ro. Vậy nên, "Zero-Cost" là xu hướng mà ở đó người ta sẽ đầu tư vào những ngành nghề không định phí. Mọi người làm việc online nhiều hơn, bắt đầu không thuê mặt bằng nữa.

"Chẳng hạn như cá nhân Tùng, cũng mới vừa bỏ mặt bằng ngay mặt tiền để cắt giảm chi phí. Xu hướng sắp tới là giảm định phí tối đa nhất có thể và một trong những biểu hiện là giảm chi phí thuê mướn. Thay vì thuê mặt bằng ở ngoài mặt tiền đường, người ta bắt đầu đi lên những căn chung cư, đi vào những con đường hẻm…", anh Tùng kể.

Không chỉ "Zero-Cost" ở mặt định phí, anh Tùng cho rằng còn phải "Zero-Cost" ở mặt biến phí. "Đó là lý do vì sao nhiều người thích đầu tư làm những sản phẩm online hơn. Thích dùng những công cụ, sản phẩm AI hơn. Bởi vì đơn giản không tốn biến phí nhiều trong quá trình vận hành. Ứng dụng công nghệ thông tin, những sản phẩm đổi mới sáng tạo để có thể tạo ra những sản phẩm phục vụ nhu cầu đang có mà không tốn quá nhiều chi phí về mặt con người…", anh Tùng chỉ ra.

Vốn là điều quan trọng nhất khi khởi nghiệp ?

Theo anh Trầm Minh Thuần, vốn là yếu tố cần nhưng chưa đủ để quyết định thành công hay thất bại của mô hình khởi nghiệp. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan của người điều hành, mô hình kinh doanh, nhu cầu thị trường... Để quá trình khởi nghiệp được thuận lợi, anh Thuần khuyên cần trang bị đầu tiên là kiến thức; sau đó chuẩn bị đủ về nguồn lực tài chính, học cách vận hành dòng tiền, xoay dòng tiền hiệu quả nhất có thể, tránh đầu tư lan man, bán hàng không nên để công nợ quá lâu, ưu tiên các giao dịch tiền mặt (tiền tươi thóc thật). Cuối cùng là tìm hiểu kỹ các chính sách ưu đãi của nhà nước về sản xuất nông nghiệp để tranh thủ một số chính sách ưu đãi có sẵn.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao