Tuyển sinh ĐH 2025: Điểm sàn giảm, điểm chuẩn có giảm?

Thông tin được chia sẻ trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chiến lược đặt nguyện vọng tăng cơ hội trúng tuyển" do Báo Thanh Niên thực hiện ngày 23.7. Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

THÍ SINH ĐỪNG LO LẮNG VỀ BÁCH PHÂN VỊ

Trong chương trình tư vấn, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân, chia sẻ: "Năm nay, nhằm tránh sự mất công bằng giữa các thí sinh (TS) xét tuyển, các chuyên gia của Bộ GD-ĐT đưa ra phương pháp thống kê bách phân vị. Tuy nhiên, vấn đề kỹ thuật này là công việc của các trường ĐH, TS không nên để tâm nhiều", tiến sĩ Hải nói.

Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, TS chỉ cần theo dõi điểm sàn xét tuyển các trường ĐH công bố từng ngành để thực hiện việc đăng ký. Trong đó, lưu ý đặc biệt với những ngành có quy định ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào đặc thù như: sức khỏe, sư phạm, pháp luật… Ví dụ, ĐH Duy Tân hiện đã công bố ngưỡng điểm xét tuyển các ngành theo từng phương thức, TS đạt được mức điểm này là đủ điều kiện đăng ký nguyện vọng (NV) xét tuyển.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Đỗ Tùng, Giám đốc điều hành Trường ĐH Văn Hiến, cũng cho rằng TS không cần quá lo lắng về thông tin này. Căn cứ trên bảng phân vị và kết quả đối sánh điểm Bộ GD-ĐT công bố, các trường ĐH đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định. Ví dụ, Trường ĐH Văn Hiến quy định điểm sàn thi tốt nghiệp THPT các ngành ở mức 15 (riêng ngành điều dưỡng 17 điểm, khối ngành pháp luật cần có quy định điểm tối thiểu môn văn hoặc toán). Như vậy, TS muốn xét tuyển vào trường chỉ cần quan tâm đến ngưỡng điểm sàn này của trường.

Điểm chuẩn đại học: Liệu có giảm khi điểm sàn giảm trong mùa tuyển sinh này? - Ảnh 1.

Tuyển sinh ĐH 2025: Điểm sàn giảm, điểm chuẩn có giảm? - Ảnh 1.

Các chuyên gia nêu những thông tin cần thiết và lời khuyên hữu ích cho thí sinh trong giai đoạn quyết định đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm thông tin - truyền thông Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cũng cho rằng TS không nên quan tâm nhiều tới bảng bách phân vị mà chỉ cần quan tâm điểm sàn xét tuyển các trường ĐH-CĐ đang công bố.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng ý kiến: "Nói một cách dễ hiểu, các thông số bách phân vị hoặc bảng đối sánh điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm học bạ là cơ sở dữ liệu giúp các trường ĐH có cái nhìn tổng quát hơn để có cách quy đổi ngưỡng điểm trúng tuyển đảm bảo công bằng giữa các TS khi xét tuyển. TS hiện nay chỉ cần theo dõi thông tin ngưỡng điểm sàn xét tuyển, tham khảo điểm chuẩn của chính trường đó trong vài năm gần đây để có lựa chọn NV phù hợp".

KHÔNG NÊN CHỦ QUAN ĐIỂM SÀN THẤP THÌ ĐIỂM CHUẨN THẤP

Mối quan tâm hiện nay của TS là mức độ cạnh tranh và xu hướng điểm chuẩn trong bối cảnh điểm sàn nhiều trường giảm mạnh.

Giải đáp băn khoăn này, tiến sĩ Võ Thanh Hải cho rằng mức cạnh tranh giữa các TS trong xét tuyển năm nay được dự báo ở mức rất cao. "Do đó, TS không nên chủ quan đăng ký quá ít NV. Với những ngành "nóng" như trí tuệ nhân tạo, khoa học sức khỏe… điểm chuẩn có thể không đổi. Các ngành năm ngoái dưới mức 27 thì điểm chuẩn năm nay có thể giảm, nhưng vẫn không loại trừ trường hợp một vài ngành điểm chuẩn tăng đột biến", tiến sĩ Hải dự báo.

Ở góc nhìn khác, thạc sĩ Nguyễn Đỗ Tùng đánh giá: "Theo suy nghĩ thông thường, điểm sàn giảm thì điểm chuẩn giảm. Tuy nhiên, điều này có thể không xảy ra với tất cả các trường và các ngành. TS không nên chủ quan điểm sàn của nhiều trường giảm thì điểm chuẩn giảm".

Tương tự, thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích phân tích: "Điểm sàn là mức điểm tối thiểu TS cần đạt được để đăng ký xét tuyển vào một ngành của một trường. Tuy nhiên, TS sẽ không biết được bao nhiêu người có từ điểm sàn này cùng đăng ký vào một ngành của một trường". Thạc sĩ Bích nói thêm: "TS giỏi vẫn chọn những ngành thực sự yêu thích ở phân khúc điểm chuẩn cao. Có những trường ĐH công bố điểm chuẩn năm nay dự kiến tăng hoặc giảm 1 điểm, điều đó cho thấy sự thay đổi điểm chuẩn không quá nhiều ở các trường này". Từ đó, chuyên gia này cho rằng điểm chuẩn có thể giảm nhưng sẽ không giảm đều. TS cần sáng suốt trong việc đăng ký NV. Có một thực tế, nếu năm trước TS đăng ký trung bình 5 - 7 NV thì năm nay không ít TS đăng ký từ 10 NV trở lên.

Thạc sĩ Trương Quang Trị cũng cho rằng những ngành thu hút nhiều TS đăng ký với điểm thi cao, mức độ cạnh tranh giữa các TS vào nhóm ngành này vẫn rất khốc liệt. Do đó, TS cần có chiến lược trong lựa chọn NV. "NV phù hợp nhất là căn cứ trên năng lực, sở thích, khả năng tài chính của bản thân và gia đình", thạc sĩ Trị khuyên.

Tuyển sinh ĐH 2025: Điểm sàn giảm, điểm chuẩn có giảm? - Ảnh 2.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh các trường ĐH

ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thông tin thêm về tình hình tuyển sinh hiện nay, tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết điểm sàn của trường giảm từ 1 - 3 điểm so với năm ngoái. Dựa trên điểm sàn này TS thực hiện đăng ký xét tuyển, trường sẽ xác định điểm trúng tuyển và quy đổi điểm các phương thức khác nhau phù hợp. Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, lưu ý: "Năm nay, tất cả phương thức, kể cả điểm học bạ đều thực hiện việc đăng ký trên cổng của Bộ GD-ĐT. TS chỉ cần đăng ký ngành và trường, không cần lựa chọn phương thức xét tuyển nào".

Thạc sĩ Chung Quốc Phong, Trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cũng cho hay điểm sàn của trường ở mức 15 cho phương thức kết quả thi tốt nghiệp THPT, 18 điểm theo phương thức xét học bạ và 500 điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Chiến thuật lựa chọn NV, theo thạc sĩ Phong, TS có thể phân làm 2 - 3 nhóm NV, mỗi nhóm có 2 - 3 NV gồm NV an toàn chắc chắn đậu, NV mong muốn được vào…

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, cũng cho biết trường đã công bố điểm sàn theo các phương thức khác nhau. "TS cần hết sức lưu ý đừng quên phương thức xét tuyển khác. Trên hệ thống đăng ký, dù TS không cần điền chọn phương thức xét tuyển nhưng trên hệ thống đã có dữ liệu thi của TS bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học tập THPT, điểm các kỳ thi riêng mà TS đã tham gia… Hệ thống sẽ tự động xét tuyển cho TS bằng tất cả các kết quả đạt được khi TS đăng ký vào ngành, trường cụ thể", thạc sĩ Phụng lưu ý.

Điểm chuẩn đại học: Liệu có giảm khi điểm sàn giảm trong mùa tuyển sinh này? - Ảnh 2.

TS nên mạnh dạn đặt NV yêu thích nhất là NV 1, dù đó là NV cao hơn, khó hơn so với khả năng có thể đạt được.

Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM

Điểm chuẩn đại học: Liệu có giảm khi điểm sàn giảm trong mùa tuyển sinh này? - Ảnh 3.

TS không nên đăng ký để bằng mọi cách phải trúng tuyển vào một trường mà cần quan tâm chọn ngành thực sự yêu thích, trường học và chương trình đào tạo phù hợp với lựa chọn của bản thân và gia đình.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing

Điểm chuẩn đại học: Liệu có giảm khi điểm sàn giảm trong mùa tuyển sinh này? - Ảnh 4.

Một trong những yếu tố TS nên quan tâm khi lựa chọn NV là tìm hiểu chương trình đào tạo, chính sách các trường để có lộ trình học tập tốt nhất. Với ngành học mình đam mê, 4 năm ĐH sẽ là thời gian hạnh phúc nhất của sinh viên.

Thạc sĩ Chung Quốc Phong, Trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM

Điểm chuẩn đại học: Liệu có giảm khi điểm sàn giảm trong mùa tuyển sinh này? - Ảnh 5.

Trong giai đoạn hiện nay, TS cần sắp xếp NV 1 gồm ngành/trường mong muốn nhất, tiếp theo là ngành khả thi và cuối cùng là các ngành chắc chắn trúng tuyển.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao