Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Những điều cần lưu ý khi chọn ngành đăng ký xét tuyển" diễn ra đồng thời ở các kênh: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
Bộ GD-ĐT đã chính thức ban hành quy chế tuyển sinh và các trường ĐH cũng đã có thông tin tuyển sinh năm 2025. Theo dự thảo hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh CĐ của Bộ GD-ĐT, năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển tại Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia từ ngày 16.7 đến 17 giờ ngày 28.7.
Thí sinh khi đăng ký xét tuyển không cần chọn mã tổ hợp, chỉ cần xác định rõ chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo và cơ sở đào tạo mong muốn theo học để quyết định đăng ký. Với những thay đổi quy chế năm nay, việc chọn ngành đăng ký xét tuyển có gì cần lưu ý?

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực (đợt 1) của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2025
ảnh: đào ngọc thạch
Trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Những điều cần lưu ý khi chọn ngành đăng ký xét tuyển", chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH phân tích vai trò quan trọng của việc chọn ngành phù hợp; cách để có thể chọn được ngành phù hợp trong bối cảnh hiện nay thí sinh bị chi phối trước nhiều thông tin…
Đợt 1 (từ 14-15 giờ) gồm các chuyên gia

Các khách mời tham gia đợt 1 chương trình tư vấn trực tuyến chiều nay tại Báo Thanh Niên
ảnh: Lê Thanh Hải
- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân;
- Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin-Truyền thông Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM;
- Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Các lưu ý quan trọng khi xét tuyển
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân, cho biết đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo lịch trình xét tuyển năm 2025. Năm nay, khi đăng ký xét tuyển thí sinh cần lưu ý 4 điểm quan trọng:
Một là trước khi bắt đầu đăng ký xét tuyển, cần tìm hiểu kỹ các mốc thời và các quy định tuyển sinh của các trường mong muốn xét tuyển. Mỗi trường ĐH có những hệ thống tiêu chí phụ trong xét tuyển, thí sinh cần đọc kỹ đề án này của các trường. Thống kê của Bộ GD-ĐT năm vừa rồi cho thấy những sai sót của thí sinh trong khai báo hồ sơ, không thực hiện hết quy trình xét tuyển, không nộp lệ phí đúng quy định.
Hai là hệ thống xét tuyển theo ngành và không theo chuyên ngành.
Ba là thứ tự nguyện vọng, mã trường, tên trường và mã xét tuyển. Các thông tin khác như phương thức, tổ hợp xét tuyển phần mềm sẽ tự chạy cho thí sinh.
Bốn là việc đăng ký xét tuyển thực hiện theo hình thức trực tuyến. Thí sinh có thể điều chỉnh nhiều lần nhưng sau mỗi lần thực hiện, thí sinh cần kiểm tra và lưu lại thông tin. Để thực hiện việc đăng ký thuận lợi, thí sinh cần chuẩn bị kỹ lưỡng các giấy tờ cần thiết như căn cước công dân.
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin-Truyền thông Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM: Năm 2024, Bộ GD-ĐT có thống kê các nhóm ngành dẫn đầu về tỷ lệ nhập học của 25 lĩnh vực đào tạo. Trong đó cao nhất vẫn là kinh doanh và quản lý; sau đó đến máy tính và CNTT, công nghệ kỹ thuật,nhân văn, khoa học sức khỏe. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý giữ vững đam mê ngành học mình yêu thích, tránh tình trạng điều chỉnh chạy theo xu hướng không cần thiết.
Theo thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, khi đăng ký xét tuyển, thí sinh cũng cần lưu ý các dữ liệu về mã trường để tránh chọn sai trường, đặc biệt là những trường có mã gần giống nhau, ví dụ Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM (UEF),Trường ĐH Kinh tế-Luật (UEL) và ĐH Kinh tế TP.HCM (UEH).
Chọn ngành xét tuyển gắn liền với tổ hợp môn. Thí sinh cũng cần xem thông tin chi tiết tổ hợp xét tuyển từng ngành.
Thí sinh cũng tìm hiểu kỹ việc đào tạo cùng một ngành ở những trường đào tạo chuyên ngành và ở trường đa ngành.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thông tin: Theo quy chế tuyển sinh năm nay, thí sinh có quyền đăng ký cùng một ngành bằng nhiều phương thức khác nhau trong cùng một đợt xét tuyển. Ví dụ, thí sinh có thể đăng ký 1 ngành vừa bằng xét học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm kỳ thi riêng… Tuy nhiên, mỗi trường ở mỗi phương thức có quy định riêng khác nhau, thí sinh cần tìm hiểu kỹ quy định các trường mong muốn xét tuyển. Ví dụ, năm nay Trường ĐH Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên sử dụng điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhưng cùng phương thức này khi xét tuyển vào các ngành sức khỏe, thí sinh có yêu cầu về ngưỡng đầu vào khác so với các ngành khác.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân
ảnh: Lê Thanh Hải
Nguyên tắc chọn ngành đăng ký xét tuyển
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, thí sinh nên bắt đầu từ việc chọn nghề, chọn ngành học có đào tạo nghề đó, rồi chọn trường có đào tạo ngành học đó. Ví dụ, muốn làm công việc liên quan đến bán hàng, có thể học ngành marketing, quản trị kinh doanh, thương mại điện tử… Các ngành này cũng được đào tạo tại nhiều trường.
Việc chọn ngành, thí sinh cần lưu ý đến môn học thế mạnh gắn liền với ngành nghề đào tạo. Ví dụ, với khối ngành đào tạo bác sĩ thí sinh cần giỏi môn sinh, kiến trúc môn vẽ… Thí sinh không nên chọn có khả năng đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp mà nên chọn mình có thể mạnh gắn liền với ngành học.
Chọn ngành cũng cần xem xét xu hướng thị trường lao động, khả năng dự báo cơ hội việc làm sau 4 năm.
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích thì cho rằng đến thời điểm hiện tại, nhiều thí sinh đã tham dự các kỳ thi riêng do các trường ĐH tổ chức để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành yêu thích. Tuy nhiên, kết quả các kỳ thi riêng mới chỉ là điều kiện xét tuyển. Trước đó, thí sinh cũng cần lưu ý rõ phải đảm bảo điều kiện cần là được công nhận tốt nghiệp THPT.
Khi tuyển sinh, các trường ĐH đưa ra những môn học nền tảng để tuyển thí sinh có đầu vào tốt, tham gia tốt quá trình đào tạo bậc ĐH. Ví dụ, học ngành sức khỏe cần giỏi sinh chẳng hạn. Tại Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, toán và ngoại ngữ là môn học nền tảng trường chú trọng khi tuyển người học vào các ngành của trường.

Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm Thông tin-Truyền thông Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM
ảnh: Lê Thanh Hải
Còn thạc sĩ Trương Quang Trị cho hay chọn ngành học là việc làm quan trọng, việc này không chỉ tác động đến 4 năm học ĐH, mà còn cả nghề nghiệp sau này. Việc chọn đúng ngành sẽ dễ dàng xây dựng được sự nghiệp ổn định và dễ dàng hơn. Chọn đúng ngành, sinh viên cũng có kết quả học tập tốt hơn, vượt qua những trở ngại dễ dàng hơn.
Để chọn đúng, bản thân người học cần phải đánh giá đúng bản thân về đam mê, khả năng có thể theo được đam mê đó ở mức nào. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét yêu cầu về điểm số và khả năng trúng tuyển; xu hướng thị trường lao động và khả năng tài chính gia đình.
Học ở địa phương hay thành phố lớn? Học theo đam mê hay nhu cầu tuyển dụng?
Tham gia chương trình, một học sinh đặt câu hỏi: ''Em muốn đăng ký ngành khoa học máy tính nhưng điểm chuẩn ngành này các năm trước rất cao. Bố mẹ khuyên em nên chọn ngành học này tại khu vực Đà Nẵng cho gần nhà, em vẫn băn khoăn giữa một trường địa phương với trường thành phố lớn. Thầy cô cho em xin lời khuyên''.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho lời khuyên: ''Việc chọn một trường ĐH cần xem xét đến các yếu tố như: Ngành học đã được kiểm định chất lượng chưa; Việc đánh giá của các doanh nghiệp với sinh viên đầu ra thế nào; Việc xếp hạng… Về địa điểm học tập, thí sinh cũng nên xem xét cơ hội việc làm tại thành phố đó sau khi ra trường, mức độ đáp ứng tài chính trong quá trình học... Với những đặc điểm trên, với ngành khoa học máy tính, thí sinh có thể cân nhắc chọn học tại Đà Nẵng.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
ảnh: Lê Thanh Hải
Một học sinh khác băn khoăn: ''Em vẽ khá đẹp, em cũng không giỏi trội một môn đặc biệt nào và có người khuyên em nên chọn ngành thiết kế đồ họa. Cho em hỏi nếu chỉ có khiếu mỹ thuật thì theo học ngành này có phù hợp không và cơ hội nghề nghiệp khi ra trường như thế nào?''.
Trả lời câu hỏi này, thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích cho hay khả năng vẽ đẹp là một ưu thế khi học ngành thiết kế đồ họa. Kể cả những người không vẽ đẹp thì với sự hỗ trợ của công nghệ hiện nay, cũng có thể theo học khối ngành liên quan đến mỹ thuật. Người yêu thích sự sáng tạo, có tư duy thẩm mỹ và nếu có năng khiếu về vẽ, sẽ đạt được mục tiêu cao hơn trong nghề nghiệp. Lĩnh vực nghề nghiệp này đang là sự lựa chọn của nhiều người trẻ hiện này.
''Em đang trong tình trạng mâu thuẫn: Em muốn theo đuổi đam mê thanh nhạc nhưng lại muốn học ngành kỹ thuật vì nghĩ rằng công việc ổn định hơn khi ra trường. Em nên chọn lựa như thế nào hoặc có thể học cùng lúc cả 2 rồi tương lai quyết định lựa chọn việc làm sau không?'', một học sinh gửi câu hỏi đến chương trình.
Thạc sĩ Trương Quang Trị cho lời khuyên: ''Bạn cần hiểu rõ thực sự bản thân mình, đánh giá sự yêu thích của bản thân với ngành thanh nhạc ở mức nào. Nếu đam mê chỉ là sở trường nhất thời, chưa đủ mạnh để muốn theo đuổi cả cuộc đời, thì nên cân nhắc thêm. Ngược lại, nếu chỉ chọn ngành kỹ thuật vì ổn định nhưng không đam mê thì cũng chưa thực sự hạnh phúc. Nếu có đủ điều kiện và năng lực, việc học 2 ngành có thể thực hiện được với quy chế đào tạo hiện nay. Tuy nhiên, việc học cùng lúc 2 ngành đòi hỏi khả năng tài chính và khả năng học tập gấp đôi so với việc học một ngành''.