
Học sinh cả nước hào hứng mừng 50 năm Ngày đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025)
ẢNH: LÂM BỘI TRÂN - CHỤP MÀN HÌNH
Gặp gỡ nhân chứng lịch sử ngày 30.4
Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) hôm 28.4 đã tổ chức chương trình kỷ niệm "50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975 - 30.4.2025", với sự góp mặt của 3 chiến sĩ giải phóng quân trên chiếc xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30.4 của 50 năm về trước.
Đó là đại úy Vũ Đăng Toàn - nguyên chính trị viên xe tăng 390, trung úy Ngô Sĩ Nguyên - nguyên pháo thủ xe tăng 390, thượng sĩ Nguyễn Văn Tập - nguyên lái xe tăng 390. Lễ kỷ niệm còn có sự tham gia của đại tá, bác sĩ Nguyễn Hồng Minh - nguyên sĩ quan Tiểu đoàn B18 đã tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975 và đại tá Phạm Ngọc Khoa - nguyên chỉ huy trưởng công an cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất.
"Buổi lễ không chỉ là dịp để thế hệ trẻ ôn lại trang sử hào hùng của dân tộc, mà còn là cơ hội quý giá để các em được lắng nghe, cảm nhận, trân trọng hơn giá trị của hòa bình, tự do hôm nay", đại diện nhà trường chia sẻ.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trao đổi cùng các cựu chiến binh hôm 28.4
ẢNH: TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ HỒNG PHONG TP.HCM
Cách đó vài km, thầy trò Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) đã đến thăm bà Lê Nguyễn Hồng Minh - con của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và cố Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Chợ Lớn Nguyễn Thị Minh Khai.
Tại đây, Lương Ngọc Bảo Châu, học sinh lớp 10A15 và là Ủy viên Ban thường vụ Đoàn trường Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết đã vô cùng xúc động khi nghe bà Minh kể rằng trong suốt cuộc đời, bà chỉ được gặp ba một lần và cũng chỉ cảm nhận ấm áp trong vòng tay của má chẳng bao lâu, tất cả đều diễn ra hồi bà mới được sinh ra. Chân dung của ba má bà Minh chỉ được khắc họa qua câu chuyện mà bố mẹ nuôi và mọi người kể lại...
"Chuyến thăm đã thay đổi định nghĩa của hai chữ 'hòa bình' trong tâm trí em. Hòa bình với em giờ không chỉ là một cuộc sống không có chiến tranh, mà là cuộc sống nơi chúng em được bình an trưởng thành, được cảm nhận 'vị hạnh phúc' cả về mặt vật chất và tinh thần chứ không phải đối diện với cảnh chia ly. Hòa bình là một điều thiêng liêng", Châu bộc bạch.

Bà Lê Nguyễn Hồng Minh (hàng đứng, thứ 4 từ phải qua) chụp hình kỷ niệm cùng thầy và trò Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, trong đó có Lương Ngọc Bảo Châu (hàng đứng, thứ 3 từ trái qua)
ẢNH: ĐOÀN TRƯỜNG MINH KHAI

Học sinh Trường Trung học Thực hành Sài Gòn trong chương trình "Việt Nam tôi"
ẢNH: CLB VĂN NGHỆ XUNG KÍCH TRƯỜNG TRUNG HỌC THỰC HÀNH ĐHSP
Trong khi đó, tại Trường Trung học Thực hành Sài Gòn (Trường ĐH Sài Gòn), các học sinh từ câu lạc bộ văn nghệ xung kích đã tổ chức sự kiện âm nhạc giữa sân trường mang tên "Việt Nam tôi". Đứng trước lá cờ đỏ sao vàng được làm từ những tấm giấy ghi chú, các bạn đã cùng nhau đàn hát, ngân vang ca khúc Lá cờ (tác giả Tạ Quang Thắng) và Việt Nam trong tôi là (tác giả Yến Lê) với đong đầy cảm xúc tự hào.
Lan tỏa sắc cờ Tổ quốc
Còn ở Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM), hai ngày qua, cả trăm học sinh cùng hẹn nhau mang cờ Tổ quốc để mở "mini-concert quốc gia", theo Hà Đức Cường, Bí thư Đoàn trường THPT Trần Khai Nguyên và là học sinh lớp 12A5 trường này. Tại đây, các bạn vừa tự hào giơ cao lá đỏ sao vàng, vừa đồng ca những bài hát về lòng yêu nước như Khát vọng tuổi trẻ, Như có Bác trong ngày đại thắng, Viết tiếp câu chuyện hòa bình...
"Các bạn hầu như đều 'thuộc bài' và hưởng ứng rất tích cực", Cường nói.

Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên tham gia chương trình "mini-concert quốc gia" sáng 29.4
ẢNH: ĐOÀN TRƯỜNG THPT TRẦN KHAI NGUYÊN
"Em rất đỗi tự hào và biết ơn ông cha ta, những chiến sĩ đã vì hai chữ 'tự do', 'hòa bình' mà quyết hy sinh thân mình. Quá khứ anh hùng của dân tộc Việt Nam chính là động lực để các bạn trẻ như em phấn đấu và nỗ lực để trở thành công dân có ích cho đất nước, để có cơ hội góp sức mình vào công cuộc xây dựng quê hương trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", nam sinh bộc bạch.
Không chỉ có nhiều hoạt động mừng 30.4, các trường THPT phổ thông từ Nam chí Bắc còn hào hứng chia sẻ hình ảnh của các tòa nhà dạy học được "nhuộm" đỏ thắm màu cờ Tổ quốc. Sự xuất hiện của lá cờ Tổ quốc trong từng góc lớp, trên từng hành lang không chỉ khơi gợi lòng tự hào dân tộc của tập thể thầy cô, học sinh mà còn thể hiện tinh thần Bắc Nam liền một dải trong Ngày đất nước thống nhất.

Không khí đón mừng Ngày thống nhất đất nước tại Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm
ẢNH: TRƯỜNG THPT CHUYÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)

Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) rợp bóng cờ hoa những ngày cuối tháng 4
ẢNH: TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGOẠI NGỮ
"Toàn dân tộc tưng bừng phấn khởi/Kỷ nguyên vươn mình, đất nước trọn niềm vui", đó là những dòng chia sẻ do Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đăng tải nhân ngày 30.4. Còn Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) thì đăng tải hình ảnh trường rợp bóng cờ hoa với lời tự hào: "Dưới lá cờ đỏ sao vàng, rộn ràng tình yêu Tổ quốc".
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hàng trăm giáo viên, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã cùng hát vang ca khúc Giai điệu Tổ quốc (tác giả Trần Tiến) trong một video âm nhạc được thực hiện kỳ công. Trong khi đó, các học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An đã diện lên mình trang phục đặc trưng của dân tộc mình, hào hứng "check-in" cùng lá cờ Tổ quốc.

Học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An chụp tấm bảng đen được vẽ kỳ công mừng ngày 30.4
ẢNH: TRƯỜNG THPT DÂN TỘC NỘI TRÚ NGHỆ AN
Không khí đón mừng Ngày đất nước thống nhất 30.4 ở các trường THPT cũng phủ đầy TikTok - mạng xã hội của giới trẻ. Những video về hoạt động mừng lễ của học sinh các trường THPT: Long Thành (Đồng Nai), Cần Giuộc (Long An), chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang), Lương Ngọc Quyền (Thái Nguyên), Tân Yên số 1 (Bắc Giang), Trung Phú (TP.HCM), Tiên Du số 1 (Bắc Ninh)... đều thu hút lượng lớn tương tác.