Hé lộ những điều chưa biết về 'ni cô Huyền Trang' và phim 'Biệt động Sài Gòn'

Ra mắt năm 1986, Biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân là một trong những tác phẩm điện ảnh kinh điển về đề tài chiến tranh cách mạng. Với 4 tập phim: Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông Trả lại tên cho em, bộ phim tái hiện sinh động cuộc chiến cam go của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong những năm tháng đầy máu lửa, đặc biệt là trong sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Trong bức tranh tổng thể ấy, ni cô Huyền Trang - do NSƯT Thanh Loan thủ vai - không chỉ là một nhân vật điện ảnh, mà còn trở thành hình ảnh kết tinh giữa lý tưởng, trí tuệ và lòng quả cảm của những chiến sĩ biệt động thành. Khoác lên mình vỏ bọc một nữ tu, Huyền Trang thầm lặng chuyển giao thông tin, che giấu hoạt động của đội F8 ngay giữa lòng đô thị Sài Gòn đầy hiểm nguy.

Hé lộ những điều chưa biết về ‘Ni cô Huyền Trang’ và phim ‘Biệt động Sài Gòn’ - Ảnh 1.

NSƯT Thanh Loan chia sẻ về vai "ni cô Huyền Trang" trong Biệt động Sài Gòn ở chương trình Cine 7- Ký ức phim Việt

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

NSƯT Thanh Loan tiết lộ về vai ni cô Huyền Trang

Điều đặc biệt ở vai diễn ni cô Huyền Trang không chỉ đến từ tạo hình hay câu chuyện kịch bản, mà còn từ hành trình nhập vai đầy thử thách mà NSƯT Thanh Loan đã trải qua. Chia sẻ trong chương trình Cine 7 - Ký ức phim Việt vừa phát sóng, diễn viên gạo cội tiết lộ về cảnh quay khó nhất: "Tôi phải nhảy xuống cái đầm đầy hoa súng để đẩy thuyền của Tư Chu bị thương. Tôi phải đẩy con thuyền rất to, máy quay ở trên cao, thấy tôi đẩy thuyền rồi hút dần đi vào rừng dừa. Đoạn đó quay rất đẹp".

Hé lộ những điều chưa biết về ‘Ni cô Huyền Trang’ và phim ‘Biệt động Sài Gòn’ - Ảnh 2.

Cảnh quay khó nhất của NSƯT Thanh Loan khi đóng ni cô Huyền Trang

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Theo chia sẻ của NSƯT Thanh Loan, năm 1984, trong một chuyến công tác, bà tình cờ biết đoàn phim đang thiếu diễn viên cho vai ni cô. Không ngần ngại, nữ nghệ sĩ chủ động xin kịch bản và gặp đạo diễn Long Vân. Sự quyết tâm và thần thái đặc biệt của bà đã giúp bà được trao gửi niềm tin vào nhân vật nặng ký này.

Để hóa thân trọn vẹn, NSƯT Thanh Loan đã dành cả tuần sống trong chùa Dược Sư, ăn chay, tụng kinh, tập đi khất thực, luyện cách gõ mõ, đánh chuông. Những chi tiết nhỏ nhưng đòi hỏi sự kiên trì và nhập tâm tuyệt đối. Không dừng ở đó, kinh nghiệm bắn súng từ thời quân ngũ cũng được bà vận dụng khéo léo để thể hiện những cảnh chiến đấu, tạo nên những thước phim vừa chân thực, vừa giàu cảm xúc.

Hé lộ những điều chưa biết về ‘Ni cô Huyền Trang’ và phim ‘Biệt động Sài Gòn’ - Ảnh 3.

Ni cô Huyền Trang trong Biệt động Sài Gòn

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Bên cạnh sự kỳ công trong diễn xuất, hậu trường Biệt động Sài Gòn còn ẩn chứa những câu chuyện rất đời. Trong một cảnh quay ni cô Huyền Trang đi dưới mưa, nước tưới xuống thực ra là nước rỉ sét để lâu trong thùng xe cứu hỏa. Chi tiết tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng cho thấy sự thiếu thốn, gian nan của đoàn phim thời bấy giờ. Hay trong một phân đoạn cần một người dân cho tiền khất thực, không ai chịu đóng vai quần chúng. Cuối cùng, chính nhà biên kịch Lê Phương - "cha đẻ" của kịch bản - phải đóng thay.

Những mảnh ghép hậu trường ấy càng làm cho giá trị của Biệt động Sài Gòn thêm sống động. Bởi bộ phim được dệt nên từ tâm huyết, từ lòng yêu nước và sự hy sinh lặng thầm của cả ê kíp. Trong dòng chảy ký ức, NSƯT Thanh Loan và hình tượng ni cô Huyền Trang sẽ mãi là biểu tượng bất tử - một người phụ nữ nhỏ bé đã góp phần làm nên một tượng đài lớn trong lịch sử điện ảnh và trong trái tim những người yêu nước.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao