Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Trước thời hạn kết thúc đăng ký nguyện vọng, những sai lầm cần tránh"diễn ra đồng thời ở các kênh: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
Thí sinh chỉ còn vài ngày để thực hiện việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Trong giai đoạn nước rút này, thí sinh cần đặc biệt lưu ý tránh những sai lầm có thể xảy ra khi thao tác trực tuyến.
Chỉ còn vài ngày để thí sinh thực hiện việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Trong giai đoạn nước rút này, thí sinh cần đặc biệt lưu ý khi thực hiện các thao tác trực tuyến. Thời điểm này thí sinh cần làm gì, có nên điều chỉnh nguyện vọng? Những sai lầm cần tránh trong quá trình đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng để không mất cơ hội trúng tuyển cũng như không bị thiệt thòi sau này?

Thí sinh còn 3 ngày để thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT
ảnh: nhật thịnh
Trong chương trình tư vấn trực tuyến "Trước thời hạn kết thúc đăng ký nguyện vọng, những sai lầm cần tránh", đại diện các trường sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích và giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trước khi thời gian này kết thúc. Trong chương trình, đại diện các trường ĐH cũng chia sẻ thông tin dự báo xu hướng lựa chọn ngành, trường của thí sinh năm nay, đặc biệt nhấn mạnh những khối ngành đang thu hút thí sinh đăng ký. Trên cơ sở đó đưa ra những dự báo các xu hướng điểm chuẩn có thể xảy ra trong năm nay.
Đợt 1 (14 giờ-15 giờ 10) gồm các chuyên gia:

Các khách mời tham gia chương trình tư vấn chiều nay tại Báo Thanh Niên
ảnh: Lê Thanh Hải
- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân;
- Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn;
- Thạc sĩ Vương Văn Khởi, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM;
- Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Những điều thí sinh cần lưu tâm trong giai đoạn này
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực Trường ĐH Duy Tân, thông tin năm nay Bộ GD-ĐT có một số điểm mới về mặt kỹ thuật nhằm khắc phục những hạn chế trong tuyển sinh. Mỗi phương thức của mỗi trường tính điểm khác nhau, độ khó của đề thi cũng có sự khác nhau... Sự điều chỉnh này sẽ đảm bảo công bằng cho thí sinh.
Năm nay, thí sinh sẽ có lợi khi tất cả cạnh tranh một cách công bằng trong một đợt xét tuyển trên hệ thống. Năm nay độ khó của đề thi khác nhau, các phương thức khác nhau, chẳng hạn có độ lệch giữa điểm học bạ so với thi THPT, nên quy đổi tương đương là rất cần thiết, giúp công bằng cho mọi thí sinh.
Thời điểm này tất cả các trường ĐH đã công bố điểm sàn xét tuyển. Do đó, điều các em cần quan tâm là xem điểm của mình có vượt điểm sàn hay không, nếu vượt thì cứ tự tin đăng ký. Sau đó các trường sẽ tính toán điểm chuẩn. Các em không cần tìm hiểu "bách phân vị" là gì vì đó là vấn đề kỹ thuật các trường sẽ thực hiện.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, nói rõ thêm mục tiêu của việc điều chỉnh là hướng đến sự công bằng trong xét tuyển, vì thế đây là thay đổi mang tính tích cực, phân hóa rõ ràng năng lực học tập của thí sinh.
Khi thí sinh đã chắc chắn về việc đăng ký xét tuyển rồi thì an tâm chờ kết quả. Với thí sinh còn phân vân thì nên đăng ký, điều chỉnh trước ngày 28.7. Các em cũng không cần quá băn khoăn quan tâm về cách thức quy đổi vì việc đó có các trường ĐH lo.
Theo thạc sĩ Vương Văn Khởi, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, việc quy đổi ra thang điểm tương đương là yếu tố kỹ thuật. Điểm chuẩn xác định phụ thuộc vào tổng số thí sinh đăng ký và phổ điểm của thí sinh. Điểm chuẩn mà tăng thì tăng đều, giảm thì giảm đều. Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM sử dụng mức điểm quy đổi dựa theo thang điểm của các phương thức, ví dụ điểm thi là 15, học bạ là 18, đánh giá năng lực là 600 và V-SAT là 225. Các em cần tìm hiểu kỹ điểm chuẩn của các trường 2, 3 năm trở lại đây để xem mức điểm của mình có phù hợp hay không.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng các trường chủ động trong việc quy đổi để đảm bảo công bằng. Các em nên chọn ngành học, trường học phù hợp với năng lực chứ không nên chạy theo xu hướng. Năm nay điểm sàn các ngành của trường là 15, ngành khối sức khỏe từ 17-20,5 điểm. Trường có 4 phương thức xét tuyển, trong đó có học bạ, điểm thi THPT, điểm thi đánh giá năng lực...


Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân (phải) và Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn
ảnh: Lê Thanh Hải
Xu hướng lựa chọn ngành nghề
Tiến sĩ Võ Thanh Hải cho hay theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, từ 2022-2024 có 5 lĩnh vực thí sinh đăng ký, trúng tuyển nhập học cao nhất. Đó là máy tính, công nghệ thông tin, kinh doanh quản lý, khoa học sức khỏe, khoa học xã hội nhân văn và ngôn ngữ.
Năm nay có một số ngành phát triển như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... Các ngành này đều nằm trong chiến lược phát triển nhân lực của quốc gia.
Một số ngành mang tính ổn định như khoa học sức khỏe vẫn luôn có nhu cầu nên thí sinh vẫn tập trung nhiều. Hiện nay tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng trên 1 vạn dân vẫn còn thấp.
Tại ĐH Duy Tân, trong những ngày qua thí sinh hỏi nhiều về ngành nghề đào tạo, tỷ lệ chọi của ngành học, các ngành gần với ngành mình yêu thích. Tiếp đến là thí sinh hỏi các loại hình đào tạo như chương trình chuẩn, tiên tiến, liên kết. Đặc biệt thí sinh quan tâm đến chính sách học bổng, hỗ trợ tài chính. Năm nay nhiều thí sinh còn tìm hiểu về môi trường học tập có tính quốc tế hay không, có tương tác với doanh nghiệp hay không... Điều đó cho thấy công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông cũng tốt hơn.
Tham gia chương trình, một thí sinh đặt câu hỏi: ''Em muốn đăng ký ngành trí tuệ nhân tạo của Trường ĐH Duy Tân. Điểm thi khối A của em là 20 trong khi điểm học bạ là 23,5. Em chưa hiểu việc quy đổi là như thế nào. Từ số điểm thực tế trên của em, mong thầy cô có thể nói về kết quả sau khi quy đổi và em có khả năng trúng tuyển ngành này hay không?''.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải giải đáp: ''Sẽ có sự chênh lệch giữa điểm thi với học bạ, theo đó điểm thi phải cộng với 2-3-4 điểm do mỗi môn đã có sự chênh lệch từ 0,12-2,25 điểm.
Nếu so sánh tương đương thì 20 điểm thi khối A00 của em sẽ có vị trí cao hơn 23,5 điểm. Vì thế điểm thi của em hoàn toàn có cơ hội trúng tuyển vào ngành trí tuệ nhân tạo của ĐH Duy Tân. Ngành này cần có năng lực môn toán.
Theo thạc sĩ Cao Quảng Tư, trong giai đoạn này thí sinh đang tiếp nhận nhiều thông tin khác nhau nên có nhu cầu tư vấn về việc chọn ngành. Phụ huynh có xu hướng quan tâm trải nghiệm của con trong suốt 4 năm học tại trường ĐH nên nhiều phụ huynh và thí sinh đến tận trường để tìm hiểu cơ sở vật chất, môi trường học tập. Vấn đề thí sinh cũng rất muốn biết là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, cơ hội phát triển sự nghiệp ra sao. "Khi chọn ngành các em cần cân nhắc, tránh quyết định cảm tính vì nó ảnh hưởng tới cả một hành trình dài phía trước'', thầy Tư khuyên.
''Em đọc thông tin thấy điểm sàn của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn giảm 1-2 điểm so với năm trước, như vậy điểm chuẩn năm nay có giảm hay không? Em được 17 điểm tổ hợp toán, văn, tiếng Anh vậy có khả năng đậu ngành quan hệ công chúng hay không? Ngành này đòi hỏi tố chất, kỹ năng gì để làm việc thành công?''. Đây là câu hỏi của thí sinh gửi đến chương trình.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư thông tin: ''Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn đã công bố điểm sàn theo 3 phương thức xét tuyển: học bạ 18 điểm, điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM 600, điểm thi tốt nghiệp THPT từ 15-16 điểm. Điểm sàn theo phương thức xét điểm thi THPT tại trường giảm so với năm 2024. Tuy nhiên các em cần lưu ý điểm sàn khác điểm chuẩn, tại nhiều trường có thể điểm chuẩn cao hơn điểm sàn trong khoảng từ 1-5 điểm.
Ngành truyền thông đa phương tiện phù hợp với thí sinh thích khám phá nhiều ý tưởng, đam mê hướng ngoại, tiếp cận công nghệ. Cơ hội nghề nghiệp lớn do nhu cầu ứng dụng truyền thông trong doanh nghiệp, trường học, bệnh viện rất lớn.
Năm 2025 Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có nhiều chính sách học bổng cho các ngành, chuyên ngành như công nghệ giáo dục, quan hệ công chúng, công nghệ thông tin trong y tế... trị giá từ 40-100% học phí. Ví dụ thí sinh 25 điểm thi tốt nghiệp trở lên có cơ hội nhận học bổng 100%...


Thạc sĩ Vương Văn Khởi, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (trái) ;Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
ảnh: Lê Thanh Hải
Theo thạc sĩ Vương Văn Khởi, hiện nay nhiều ngành học đều được cập nhật, ứng dụng công nghệ thông tin... Từ đó sinh ra nhiều ngành mới như công nghệ tài chính, thương mại điện tử, kinh tế số, digital marketing... Nếu yêu thích các em cứ mạnh dạn theo học, hoặc có thể chọn ngành học gần.
Theo thạc sĩ Vương Văn Khởi, phụ huynh ngày nay rất quan tâm đến chương trình đào tạo gắn với ngôn ngữ, môi trường học tập... Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM xây dựng chương trình song ngữ, 50% học bằng tiếng Anh, các em có một học kỳ quốc tế, học 2-3 môn tại nước ngoài. Chính sách học phí, học bổng cũng được thí sinh phụ huynh hỏi nhiều trong thời gian qua. Trường sẽ miễn 5 triệu học phí học kỳ 1 nếu thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 và nhập học sớm tại trường. Ngoài ra, những ngày gần đây các em còn hỏi về cách đăng ký xét tuyển, sắp xếp thứ tự nguyện vọng để tăng cơ hội trúng tuyển.
ột học sinh g73i câu hỏi: ''Nghe nói muốn học ngành kinh tế quốc tế và quan hệ quốc tế Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM phải giỏi tiếng Anh, em có IELTS 6.0 và điểm 3 môn khối D là 18 điểm liệu có đủ điều kiện để trúng tuyển và học một trong 2 ngành này hay không? Sự khác nhau giữa 2 ngành là gì, em nên học ngành nào thì có cơ hội làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài?"
Thạc sĩ Vương Văn Khởi giải đáp 2 ngành học này đều liên quan đến các vấn đề có yếu tố nước ngoài. Ngành kinh tế quốc tế cung cấp kiến thức nghiên cứu về sự tác động qua lại giữa các nền kinh tế, trao đổi mua bán thương mại, ngành quan hệ quốc tế đi sâu về các hoạt động, chính sách ngoại giao, các vấn đề mang tính toàn cầu... Cơ hội nghề nghiệp của 2 ngành khác nhau, một ngành theo hướng kinh tế - thương mại, một ngành theo hướng ngoại giao tại các cơ quan ngoại giao, các tổ chức phí chính phủ.
Học ngành này sinh viên phải phải giỏi ngoại ngữ, hướng ngoại, có khả năng giao tiếp, kỹ năng lên kế hoạch, tổ chức... trường đào tạo 50% bằng tiếng Anh nhưng không yêu cầu tiếng Anh đầu vào. Khi trúng tuyển sẽ được đào tạo tiếng Anh trong chương trình học.
Các em, có thể làm việc tại các doanh nghiệp tập đoàn đa quốc gia, đại sứ quán, bộ phận đối ngoại của các doanh nghiệp. Ngay từ khi đi học các em đã có cơ hội thực tập ở nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc...
Với mức điểm này em hoàn toàn an tâm đăng ký vào cả 2 ngành học này. Có chứng chỉ ngoại ngữ, các em có lợi thế như IELTS 5.5 trở lên được nhận học bổng từ 25% học phí trở lên, miễn các cấp độ tiếng Anh.
Thạc sĩ Trương Quang Trị thông tin tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thí sinh thường xuyên nhờ tư vấn về cơ hội trúng tuyển. Những ngành trong khối STEM được nhiều em quan tâm. Ngành kinh tế số cũng nhận được nhiều câu hỏi trong thời gian qua. Rất nhiều thí sinh quan tâm đến phương thức xét tuyển cho khối ngành sức khỏe của trường. Trong đó điểm sàn ngành y khoa tại trường theo điểm thi tốt nghiệp THPT là 20,5, học bạ là 23...
Học sinh gửi câu hỏi đến chương trình thắc mắc: ''Năm nay em thấy điểm khối B thấp, mức điểm 21 của em có cơ hội đậu ngành y khoa hay không? Em chỉ muốn học những ngành liên quan đến y dược, mong thầy cô tư vấn cách sắp xếp nguyện vọng cho em''.
Thạc sĩ Trương Quang Trị hướng dẫn: Điểm sàn ngành y khoa tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là 20,5, học bạ là 23, với mức điểm này các em hoàn toàn có cơ hội vào ngành y khoa của trường. Đội ngũ giảng viên gồm nhiều bác sĩ có kinh nghiệm tại các bệnh viện và trong quá trình học các em cũng được thực tập, thực hành tại các bệnh viện.
Ngoài ra em có thể đăng ký các ngành khối sức khỏe như dược, kỹ thuật xét nghiệm y học, y học cổ truyền, điều dưỡng...
Nên đặt ngành y khoa làmnguyện vọng 1là ngành em mong muốn nhất, tiếp đến là các nguyện vọng thấp hơn.