Cùng với đánh giá các lĩnh vực đọc hiểu, toán và khoa học, đây cũng là lần đầu tiên học sinh Việt Nam được tham gia đánh giá năng lực học tập trong thế giới số.

Ông Huỳnh Văn Chương (bìa trái) kiểm tra công tác khảo sát PISA trên máy tính tại Bắc Giang
ẢNH: MOET
Theo ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), mục tiêu của Việt Nam khi tham gia PISA nhằm tạo ra các bộ chỉ số trung thực, tin cậy, chất lượng về kết quả đánh giá diện rộng của giáo dục phổ thông.
Đồng thời, thể hiện nỗ lực của Việt Nam trong việc hội nhập quốc tế, so sánh và học hỏi kinh nghiệm từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, qua đó không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục trong nước.
Theo đánh giá sơ bộ của Trung tâm Khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng), tính đến hết ngày 16.4, có 36/195 trường tổ chức khảo sát chính thức trên máy tính thành công. Trong đó, 30/36 trường đạt tỷ lệ 100% học sinh tham gia; 6 trường có tỷ lệ tham gia trên 95%, đảm bảo tỷ lệ tham gia theo yêu cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Bộ GD-ĐT cho biết, để chuẩn bị cho khảo sát PISA trên máy tính, các trường tham gia khảo sát đã cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn về đánh giá PISA; đảm bảo cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin; tập trung phát triển năng lực tư duy, giải quyết vấn đề, đọc hiểu, năng lực khoa học cho học sinh, những năng lực cốt lõi được đánh giá trong kỳ PISA...
PISA (Programme for International Student Assessment) là chương trình đánh giá học sinh quốc tế, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế khởi xướng với quy mô toàn cầu, chu kỳ 3 năm/lần, đánh giá năng lực của học sinh 15 tuổi ở 3 lĩnh vực là đọc hiểu, toán, khoa học.
Mỗi kỳ sẽ có một lĩnh vực được lựa chọn để đánh giá sâu hơn, gọi là lĩnh vực trọng tâm và sử dụng làm căn cứ để xếp loại chất lượng giáo dục của các quốc gia. Năm 2018 là lĩnh vực đọc hiểu.
Chu kỳ đầu tiên của PISA được đánh giá là năm 2000. Ban đầu, PISA được thiết kế đánh giá bằng đề thi trên giấy. Tuy nhiên, đến năm 2018, hầu hết quốc gia đã chuyển sang hình thức thi trên máy tính, chỉ còn 9 nước tham gia thi trên giấy, trong đó có Việt Nam.