Du học Mỹ thời điểm này, lãnh đạo ĐH Mỹ khuyên điều gì?

Lãnh đạo ĐH Mỹ khuyên du học sinh Việt điều gì trong bối cảnh biến động? - Ảnh 1.

Phụ huynh, học sinh trao đổi với đại diện trường về cơ hội du học Mỹ trong một sự kiện tổ chức năm 2024

ẢNH: NGỌC LONG

Nhiều tầng hỗ trợ du học sinh

Trao đổi với Thanh Niên bên lề sự kiện gặp gỡ học sinh trúng tuyển tổ chức mới đây ở TP.HCM, GS-TS Elizabeth Watkins, Tổng hiệu trưởng kiêm Phó chủ tịch điều hành của ĐH California ở Riverside (UCR), cho biết nguồn tài trợ của trường rất đa dạng từ chính phủ liên bang, tiểu bang đến doanh nghiệp. Hiện tại, không có khoản nào bị cắt giảm hay gặp trở ngại nên trường vẫn tiến hành nghiên cứu và tuyển du học sinh như bình thường.

"Chúng tôi không thấy có bất kỳ thay đổi lớn nào trong thời điểm này. Nhà trường cũng đang rất chủ động trong việc mở rộng quy mô, nhất là tăng số lượng sinh viên California lẫn sinh viên quốc tế", bà Watkins nhấn mạnh.

Đối lập với sự chào đón từ các trường ĐH, trong những tuần qua, truyền thông Mỹ liên tục đưa tin nhiều du học sinh ở nước này đã bị tước visa vì đa dạng lý do. Theo GS-TS Watkins, đây cũng là vấn đề mà rất nhiều lãnh đạo ĐH Mỹ quan tâm, nhưng bà tin rằng "các chính sách không phù hợp sẽ bị thách thức tại tòa án".

Một lý do khác mà du học sinh Việt không cần lo lắng là các trường ĐH Mỹ thường có bộ phận hoặc các cán bộ chuyên hỗ trợ người nước ngoài, theo GS-TS Marko Princevac, Phó tổng hiệu trưởng phụ trách các vấn đề quốc tế tại UCR. Như ở UCR, văn phòng tư vấn nhập cư sẽ hỗ trợ sinh viên từ quá trình phỏng vấn xin visa du học, sau đó đảm bảo các bạn luôn duy trì tình trạng hợp pháp trong quá trình học tập tại xứ sở cờ hoa.

Nhà trường cũng sẽ đồng hành cùng du học sinh xuyên suốt quá trình xin thực tập trong chương trình đào tạo (CPT) và thực tập không bắt buộc (OPT), theo nam giáo sư. "Sinh viên quốc tế có những nhu cầu đặc thù, và chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ", ông Princevac chia sẻ.

Lãnh đạo ĐH Mỹ khuyên du học sinh Việt điều gì trong bối cảnh biến động? - Ảnh 2.

Sinh viên tại Mỹ

ẢNH: UC RIVERSIDE

"Một điều quan trọng khác là phải đảm bảo du học sinh còn được kết nối với khoa ngành và ký túc xá để các bạn biết nên tìm tới ai khi cần. Đó là cách chúng tôi tạo ra cảm giác an toàn nhất cho các bạn. Điều quan trọng nhất đối với sinh viên vẫn là những con người mà họ tương tác hằng ngày", GS-TS Elizabeth Watkins nhắn nhủ.

Hạn chế đăng nội dung "gây tranh cãi"

Ông Huỳnh Hiếu Thuận, Trưởng phòng tuyển sinh tại ĐH Keiser Việt Nam (KUV), cho biết tới nay, trường "chưa bị ảnh hưởng nhiều" bởi những thay đổi chính sách trong thời gian qua. Là ngôi trường có cơ sở chính ở Florida nhưng đặt trung tâm đào tạo quốc tế tại Việt Nam, ông Thuận nhận định mô hình đặc biệt này là yếu tố khiến nhiều học sinh, phụ huynh chuyển hướng quan tâm tới đơn vị của ông trong bối cảnh hiện tại.

"Bởi, sau khi học hai năm ở Việt Nam, các bạn có thể chuyển tiếp đến cơ sở chính hoặc bất kỳ trường ĐH nào khác tại Mỹ mà vẫn được công nhận tín chỉ", ông Thuận chia sẻ. Điều này giúp các bạn sinh viên có sự chuẩn bị tốt hơn về năng lực tiếng Anh cũng như kế hoạch học tập ở Mỹ, hạn chế rủi ro bị từ chối cấp visa du học Mỹ cũng như nâng cao khả năng hòa nhập khi tới nước này.

Trong khi đó, bà Lê Phương Uyên, Trưởng phòng hợp tác ĐH của KUV, khuyên du học sinh Việt hạn chế đăng tải các nội dung "có tính chất gây tranh cãi" trước và sau khi tới Mỹ, nhất là trong giai đoạn hiện tại. Ngoài ra, đương đơn xin visa du học cũng cần chuẩn bị kỹ kế hoạch học tập, lộ trình học từ khi tới Mỹ tới sau khi tốt nghiệp... tối thiểu trước 6 tháng để tăng khả năng được cấp visa, theo bà Uyên.

Hiện bức tranh du học Mỹ đang có nhiều biến động. Trước việc nhiều người học bị tước visa, một số ĐH Mỹ khuyên du học sinh và giảng viên dù có thẻ xanh vẫn nên tránh rời Mỹ. Hàng loạt ĐH Mỹ cũng đã ngưng tuyển giảng viên, cắt giảm tuyển sinh tiến sĩ trong khi chờ tin về nguồn tài trợ từ liên bang, nhất là khi chính quyền Mỹ đang bày tỏ ý định cắt giảm hoặc tạm giữ nguồn ngân sách tài trợ cho một số ĐH hàng đầu.

Việc đóng băng tài trợ với một loạt học bổng và chương trình trao đổi hoặc khả năng áp dụng lệnh cấm nhập cảnh với 43 quốc gia cũng khiến nhiều du học sinh e ngại khi chọn Mỹ. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất từ StudyPortals (Hà Lan), từ đầu tháng 1 tới đầu tháng 3.2025, số lượt quan tâm tới việc theo học thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở Mỹ đã giảm 42%, trong đó tỷ lệ giảm mạnh nhất thuộc về nhóm sinh viên Iran, Bangladesh, Ấn Độ...

Mặt khác, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio vài tuần trước yêu cầu viên chức lãnh sự phải chuyển một số đơn xin visa du học và visa trao đổi khách tới "đơn vị phòng chống gian lận" tại đại sứ quán hoặc lãnh sự quán để "kiểm tra tài khoản mạng xã hội bắt buộc", tờ The New York Times dẫn lời hai quan chức Mỹ cho biết. Nếu có "thái độ thù địch với công dân Mỹ hoặc văn hóa Mỹ" trên mạng xã hội, đương đơn có thể bị từ chối cấp visa.

Theo thống kê từ Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE), năm 2023 ghi nhận có 31.310 người Việt du học Mỹ, xếp thứ 6 về số du học sinh. Đây là lần đầu số người Việt học tại Mỹ cán mốc hơn 30.000 người sau 2 năm dưới mức 30.000. Nhưng nếu xét riêng số lượng ở các trường từ mẫu giáo tới phổ thông, Việt Nam đông thứ 5 với 3.187 người, đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Mexico và Tây Ban Nha.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao