Chọn ngành như 'chọn bạn đời', hiểu sao cho đúng?

Vậy làm thế nào để chọn ngành học đúng khi có quá nhiều thông tin tham khảo hiện nay? Phần 2 chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Những điều cần lưu ý khi chọn ngành đăng ký xét tuyển” do Báo Thanh Niên thực hiện ngày 8.4, sẽ tiếp tục có những lời khuyên hữu ích tới thí sinh khi tham gia chọn ngành.

Chương trình được trực tuyến vào lúc 15 giờ 15 tại địa chỉ: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

Năm nay, thí sinh khi đăng ký xét tuyển không cần chọn mã tổ hợp, chỉ cần xác định rõ chương trình, ngành, nhóm ngành và cơ sở đào tạo mong muốn theo học để quyết định đăng ký. Ngoài ra, với các bài thi đánh giá năng lực và phương thức xét học bạ, thí sinh cũng được đánh giá trên năng lực tổng hợp.

Tại chương trình tư vấn, các chuyên gia cũng sẽ đưa ra lời khuyên hữu ích về cách đăng ký các môn học phù hợp với tổ hợp môn xét tuyển và đặc thù đào tạo ngành nghề muốn theo học khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh đó, đại diện trường ĐH cũng thông tin về chương trình đào tạo được xây dựng với các khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành, chuyên ngành ra sao để phù hợp với cách thức tuyển sinh hiện nay? Từ đó, thí sinh có thêm cơ sở để lựa chọn ngành học, môn thi chính xác.

Chọn ngành học sao cho đúng trong bối cảnh hiện nay - Ảnh 1.

Chọn ngành học rất quan trọng vì liên quan đến tương lai nghề nghiệp của mỗi thí sinh

ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tại chương trình, các chuyên gia sẽ phân tích vai trò quan trọng của việc chọn ngành phù hợp, nếu làm sai có thể dẫn đến điều gì? Việc chọn được ngành phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi thí sinh bị chi phối trước nhiều thông tin, phải căn cứ vào các yếu tố nào?

Tham gia tư vấn có các khách mời

Chọn ngành như 'chọn bạn đời', hiểu sao cho đúng? - Ảnh 1.

Các khách mời tham gia đợt 2 chương trình tư vấn của Báo Thanh Niên chiều 8.4

ảnh: lê Thanh hải

Chọn ngành cần có tầm nhìn dài hạn 

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho hay ở góc độ nghề nghiệp, lựa chọn ngành học quyết định cả hành trình tương lai phía trước. Xác định ngành học mình mong muốn và công việc hướng đến trong tương lai từ đó chọn phương thức, tổ hợp, phân khúc trường ĐH. Thí sinh cũng nên xem năng lực mình phù hợp với ngành học nào. Chương trình 2018 phân loại năng lực học sinh để đáp ứng việc lựa chọn ngành ở bậc ĐH.

Các yếu tố chọn ngành như sau: Mình có năng lực gì, ngành học mình mong muốn có phù hợp với mình không, đúng với sở trường hay không? Môi trường học tập có đáp ứng được yêu cầu, điều kiện gia đình hay không?...

Ngành học giống như người bạn đời vì nó theo các bạn trong suốt hành trình dài sau này, nên cần có niềm đam mê, tình yêu, sự bao dung... Như vậy mới có thể thành công, mang lại giá trị cho mình, cho gia đình, bản thân và xã hội.

Nếu chọn sai sẽ gây ra hệ lụy lớn, tốn thời gian, tốn tiền, tốn nguồn lực... Nếu đã chọn thì cần có trách nhiệm với lựa chọn của mình.

Trong khi đó, thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Marketing và Phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: ''Các em đặt vấn đề nên chọn ngành mình thích hay ngành mình giỏi? Cần để ý những lời khuyên, phân tích của ba mẹ, thầy cô. Đồng thời nên có tầm nhìn dài hạn, ngành học đó tương lai sẽ làm những công việc gì? Xác định rõ mình muốn gì, có gì, cần gì? Một vài nền tảng có thể giúp thí sinh xác định bản thân, và cần tham chiếu với những thông tin từ ba mẹ, anh chị, thầy cô...''.

Thầy Phương cũng khuyên: ''Các em nên lên website của các trường để tham khảo thông tin chính thống''.

Chọn ngành như 'chọn bạn đời', hiểu sao cho đúng? - Ảnh 2.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn

ảnh: Lê Thanh Hải

Nguyên tắc khi chọn ngành xét tuyển 

Năm nay, thí sinh khi đăng ký xét tuyển không cần chọn mã tổ hợp, chỉ cần xác định rõ chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo và cơ sở đào tạo mong muốn theo học để quyết định đăng ký. Vậy, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có cần đăng ký các môn học phù hợp với tổ hợp môn xét tuyển và đặc thù đào tạo ngành nghề muốn theo học? Chương trình đào tạo của các trường ĐH được xây dựng với các khối kiến thức đại cương, cơ sở ngành, chuyên ngành ra sao để phù hợp với cách thức tuyển sinh hiện nay?

Với mối quan tâm này, thạc sĩ Cao Quảng Tư cho hay: Học toán, lý, hóa, văn, sử, địa nên theo tổ hợp nào, hướng ngành nào là vấn đề nhiều thí sinh quan tâm. Ngành học mở rộng sẽ có nhiều tổ hợp hơn cho các em lựa chọn. Nhiều trường có 4, 5, 6 hoặc nhiều tổ hợp hơn.

Trong các tổ hợp được quy định có môn chính là toán hoặc văn. Việc chọn tổ hợp là thế mạnh hoặc có điểm tốt nhất không có nghĩa học toán, lý, hóa sẽ tiếp tục học toán, lý, hóa, ngoại trừ các ngành học đặc thù có yêu cầu cơ bản. Ví dụ ngành y thì bắt buộc phải có môn sinh. Nhiều em học THPT rất giỏi toán, lý, hóa nhưng lên ĐH lại học bị đuối không theo kịp. Khi học ĐH, ngoài kiến thức đại cương thì kiến thức chuyên ngành rất quan trọng, ví dụ ngành quản trị kinh doanh phải học nhiều môn như quản trị nhân sự, quản trị khách hàng, marketing... không chỉ liên quan đến môn toán mà là ý tưởng. Hành trình học ĐH có sự khác biệt với phổ thông, các môn trong tổ hợp sẽ là nền tảng hỗ trợ các em nhưng cần phải có tư duy, kỹ năng tự học, tìm tòi, sáng tạo rất cao mới có thể học tốt ngành học. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn chú trọng đào tạo kỹ năng và trình độ tiếng Anh để có công việc, vị trí tốt trong tương lai''.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương có lời khuyên: ''Các em cần xác định rõ trường mình muốn xét tuyển. Sau đó chọn ngành, không cần chọn phương thức và tổ hợp mà hệ thống sẽ tự động lọc phương thức và tổ hợp mà các em có điểm cao nhất. Các ngành học ứng dụng, sáng tạo và tư duy thì có rất nhiều tổ hợp khác nhau, có thể giao thoa giữa các môn tự nhiên và xã hội. Khi hướng đến phương thức nào thì  thí sinh cố gắng đạt mức điểm cao ở phương thức đó''.

Chọn ngành như 'chọn bạn đời', hiểu sao cho đúng? - Ảnh 3.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương, Giám đốc Marketing và Phát triển thương hiệu Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Thí sinh đã tốt nghiệp, chọn ngành học xét tuyển theo phương thức nào? 

Bạn đọc Quyên Lê gửi câu hỏi đến chương trình: ''Em muốn học toán ứng dụng thì khi ra trường cơ hội việc làm ra sao? Em là thí sinh năm 2002 đã tốt nghiệp và muốn học thêm 1 ngành về kỹ thuật em nên thi lại hay xét học bạ, học bổng ra sao?''.

Bạn đọc Mặc Nhiên hỏi: ''Em quan tâm đến ngành AI, là thí sinh sinh năm 2002. Đã tốt nghiệp và muốn học thêm một ngành về kỹ thuật. Em nên thi lại hay xét học bạ sẽ phù hợp hơn. Em cũng quan tâm đến học bổng".

Giải đáp những thắc mắc này, thạc sĩ Cao Quảng Tư cho hay: ''Thí sinh không tốt nghiệp năm nay thì phải đăng ký để cấp tài khoản tại sở GD-ĐT. Các em thi trên đề thi và kiến thức chương trình cũ. Các trường có nhiều phương thức, em muốn xét phương thức bằng kết quả thi tốt nghiệp thì em phải dự thi tốt nghiệp, em cũng có thể xét học bạ.

Ngành AI trong 3 năm trở lại đây rất được quan tâm, tác động hầu hết các lĩnh vực trong xã hội. Nếu các em biết sử dụng AI để làm việc thì công việc sẽ hiệu quả và dễ thành trong trong bối cảnh hiện nay. Để học tốt ngành này thì cần tư duy logic, toán học, giỏi các môn tự nhiên.

Hàng năm Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) có học bổng Chủ tịch SIU hỗ trợ toàn bộ học phí 4 năm và 2 triệu/tháng tiền sinh hoạt phí cho những thí sinh giỏi. Các em đạt giải thưởng học sinh giỏi, giải thưởng khoa học kỹ thuật cấp thành phố, quốc gia, quốc tế... có cơ hội nhận học bổng rất cao.

Ngoài ra còn có học bổng bán phần dành cho tài năng nghệ thuật, thể thao cấp thành phố, quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó còn học bổng cho ngành học có nhu cầu tuyển dụng cao với 40% học phí như kế toán, công nghệ thông tin, ngôn ngữ Anh. Ngoài ra có có các học bổng doanh nghiệp, học bổng dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Tiếp tục gửi câu hỏi đến chương trình, bạn đọc tên Nhi Nhi cho biết: ''Em quan tâm ngành marketing, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech) đào tạo ngành này ra sao, có học bổng không?''.

Bạn đọc Tuấn Duy hỏi: ''Hiện nay em  học ổn tiếng Anh và quan tâm ngành ngôn ngữ Trung, em cần chuẩn bị những gì để học tốt?''.

Bạn đọc Trà Mi thắc mắc: ''Em thích nhóm ngành truyền thông, phân vân ngành quan hệ công chúng và truyền thông đa phương tiện. Mức học phí và cơ hội phát triển của 2 ngành trên ra sao?''.

Thạc sĩ Nguyễn Trần Ngọc Phương giải đáp 3 câu hỏi này: Ngành marketing hiện nay có nhiều cải tiến về chương trình, phù hợp với bối cảnh công nghệ phát triển, có nhiều hướng trong đó có digital marketing. Các phương thức xét tuyển: điểm thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực, học bạ THPT.

Nếu  giỏi tiếng Anh và có bằng ĐH tiếng Trung thì có thể chinh phục nhiều thị trường lao động. Em có thể học chuyên ngành biên, phiên dịch tiếng Trung, tiếng Trung thương mại, tiếng Trung du lịch... Các em không chỉ giỏi về tiếng mà giỏi nhiều phạm trù khác nhau nên cơ hội nghề nghiệp rất đa dạng.

Ngành truyền thông đa phương tiện Hutech tập trung mảng tổ chức sự kiện chuyên nghiệp, sản xuất phim, hoặc sản xuất chương trình truyền hình. Còn quan hệ công chúng có thể giúp các em làm dự án cộng đồng, hoạt động truyền thông, sản xuất chương trình... 2 ngành đều có cơ hội nghề nghiệp như nhau.

Học bổng của Hutech khá đa dạng. Học bổng cho thí sinh có tổng điểm học kỳ 1 lớp 12 với 3 môn tổ hợp đạt từ 20 điểm trở lên. Ngoài ra có học bổng tài năng, học bổng vượt khó...

Bạn đọc có thể xem lại phần 1 của chương trình TẠI ĐÂY.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao