Mưa trên cánh bướm (tựa tiếng Anh: Don't Cry Butterfly) mang đậm dấu ấn cá nhân của đạo diễn Dương Diệu Linh và thuộc dòng phim nghệ thuật (art house). Trước khi ra rạp Việt Nam, tác phẩm giành giải Phim hay nhất và Phim sáng tạo nhất tại Tuần lễ Phê bình phim Quốc tế thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Venice 2024.
Bộ phim kể về bà Tâm (Tú Oanh thủ vai), người phát hiện chồng mình, ông Thành (Lê Vũ Long), ngoại tình. Thay vì đối diện và trò chuyện, bà tìm đến một thầy pháp để làm phép với hy vọng kéo chồng quay về. Trong khi đó, cô con gái Hà (Nam Linh) không muốn mắc kẹt trong bi kịch gia đình. Cô nuôi giấc mơ rời xa thực tại ngột ngạt bằng con đường du học ở châu Âu.
Ẩn dụ sâu sắc về sự rạn nứt trong gia đình
Mưa trên cánh bướm mang đến một bức tranh sống động và chân thực về Hà Nội ngay từ những cảnh quay đầu tiên. Từ tiếng leng keng của bát đũa chuẩn bị bữa sáng vang lên trong các khu tập thể, tiếng bước chân người già khởi đầu ngày mới với bài tập thể dục quen thuộc, đến những dòng xe hối hả chen chúc trên các cây cầu và ngõ phố giờ tan tầm - tất cả hòa quyện, tạo nên một Hà Nội rất đỗi đời thường nhưng đầy sức gợi.
Trung tâm của câu chuyện là bà Tâm, người đối mặt với cú sốc khi phát hiện chồng mình, ông Thành, ngoại tình và sự thật phơi bày ngay trên sóng truyền hình. Quyết tâm cứu vãn hôn nhân, bà tìm đến một thầy bùa để níu kéo người chồng phản bội. Tuy nhiên, hành động này vô tình đánh thức một thế lực bí ẩn đang ẩn náu trong chính ngôi nhà của bà.
Trong khi đó, Hà - cô con gái đang mang nỗi thất vọng về cha lại chọn cách trốn chạy bằng quyết định du học nơi xứ người.
Song song với những xung đột gia đình, phim còn cuốn hút khán giả qua cách Dương Diệu Linh lồng ghép hình ảnh lời nguyền liên thế hệ như một "con quái vật", vừa ẩn dụ vừa đầy ám ảnh, mang đến chiều sâu cho tác phẩm.
Với câu chuyện gần gũi, đậm chất đời sống Việt Nam, phim đã chinh phục khán giả quốc tế nhờ lối kể chuyện mộc mạc nhưng giàu cảm xúc. Đặc biệt, cách Dương Diệu Linh diễn giải hình ảnh "lời nguyền liên thế hệ" như một "quái vật" vô hình đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình, tạo nên dấu ấn riêng cho tác phẩm.
Mưa trên cánh bướm cuốn hút khán giả bởi những ẩn dụ tinh tế, vừa khơi gợi sự đồng cảm, vừa kích thích trí tò mò. Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất chính là vết dột trên trần nhà xuất hiện liên tục như một lời nhắc nhở không lời. Hình ảnh "nhà dột từ nóc" không chỉ mang ý nghĩa trực quan mà còn là ẩn dụ sâu sắc về sự rạn nứt trong gia đình.
Vết ố loang lổ ấy, trong cơn tưởng tượng của các nhân vật hóa thân thành một con quái vật đáng sợ, tượng trưng cho nỗi đau và khủng hoảng mà những người phụ nữ phải đối mặt khi thiếu đi sự che chở và đồng hành của người đàn ông trong gia đình. Mọi mâu thuẫn là sự bất an, mất kết nối và cảm giác bị bỏ rơi len lỏi qua từng ngóc ngách cuộc sống.
Trả lời truyền thông, đạo diễn Dương Diệu Linh nói: “Cuộc đời bà Tâm giống như bị giam cầm trong một nhà tù vô hình”. Để truyền tải cảm giác này, các góc quay thường đặt nhân vật vào những không gian chật chội, bị bó hẹp bởi khung cửa hay những bức tường áp sát. Ngay cả khi rời khỏi căn nhà ngột ngạt, bà Tâm vẫn luôn bị "giam giữ" giữa những dòng xe cộ ồn ào, bối cảnh đông đúc và sự chuyển động không ngừng nghỉ xung quanh, như thể bà không bao giờ tìm được khoảng trống cho riêng mình.
Cảm giác lạnh lẽo trong ngôi nhà của bà Tâm không chỉ đến từ hình ảnh dột nát, tối tăm và cũ kỹ mà còn từ sự im lặng ngột ngạt giữa các thành viên. Ông Thành gần như là cái bóng lặng lẽ, chỉ nói đúng một câu, trong khi bà Tâm phải gồng gánh tất cả, đối mặt với cô con gái xa cách về cả tâm hồn lẫn giao tiếp. Phim tinh tế khắc họa các vấn đề phức tạp của hôn nhân, từ sự đổ vỡ niềm tin đến mối quan hệ cha mẹ với con cái, qua đó mổ xẻ những ranh giới mong manh trong giao tiếp gia đình.
Dàn diễn viên ấn tượng
Một trong những điểm nhấn đáng nhớ của Mưa trên cánh bướm chính là màn hóa thân đầy cảm xúc của NSƯT Tú Oanh, gương mặt quen thuộc trong làng sân khấu và phim truyền hình. Với kinh nghiệm dày dặn, Tú Oanh đã mang đến một bà Tâm sống động, chân thực đến từng chi tiết nhỏ.
Bà Tâm không chỉ là một người phụ nữ trung niên điển hình của xã hội Việt Nam mà còn là hiện thân của những giá trị gia đình bền chặt. Bà gánh trên vai trách nhiệm của một người vợ, người mẹ với sự tần tảo và kiên cường. Dù đôi lúc khắt khe, bà vẫn luôn đặt tình yêu thương lên trên hết, dẫu cách thể hiện đôi khi khó lòng được thấu hiểu.
Trong vai diễn này, Tú Oanh đã khắc họa trọn vẹn những mâu thuẫn nội tâm của một người phụ nữ mắc kẹt giữa truyền thống và hiện đại, giữa kỳ vọng của người khác và mong muốn được sống cho chính mình. Từng ánh mắt, cử chỉ của bà Tâm không chỉ là sự diễn đạt mà còn là những cung bậc cảm xúc tinh tế, chạm đến trái tim người xem qua từng phân cảnh.
Nguyễn Nam Linh cũng để lại dấu ấn sâu sắc với khán giả. Hà là một cô gái mang đầy những mâu thuẫn nội tâm, một vai diễn đòi hỏi chiều sâu cảm xúc và sự nhạy bén trong cách thể hiện. Nguyễn Nam Linh đã nỗ lực khắc họa hình ảnh một người trẻ loay hoay giữa những ngã rẽ của cuộc đời, vừa chịu tổn thương từ những vết nứt trong mối quan hệ gia đình, vừa tìm cách tự chữa lành cho chính mình. Nhân vật Hà là tiếng nói cho thế hệ trẻ đang chênh vênh, không chỉ đối mặt với áp lực từ bên ngoài mà còn từ chính những kỳ vọng và nỗi đau do cha mẹ vô tình gây ra.
Diễn xuất tự nhiên, giàu cảm xúc của dàn diễn viên đã giúp Mưa trên cánh bướm cân bằng được sự sâu sắc của một tác phẩm nghệ thuật và tính dễ tiếp cận đối với khán giả đại chúng. Phim không quá "kén" người xem như nhiều phim nghệ thuật, nhưng cũng không sa vào lối mòn giải trí đơn thuần, mang đến trải nghiệm vừa tinh tế vừa giàu sức hấp dẫn.