Doanh thu ấn tượng nhưng chất lượng gây tranh cãi ở hầu hết những bộ phim chiếu tết như Bộ tứ báo thủ, Nụ hôn bạc tỷ và kể cả "tân binh" Đèn âm hồn ra rạp sau đó.
Như phim của Trấn Thành nhanh chóng cán mốc hơn 300 tỉ đồng sau 12 ngày ra rạp, trở thành một trong những phim Việt có doanh thu cao nhất mùa tết năm nay. Tuy nhiên, phim vấp phải nhiều ý kiến trái chiều về chất lượng nội dung. Nhiều khán giả cho rằng kịch bản thiếu chiều sâu, tình tiết dễ đoán và chưa có sự đột phá so với các tác phẩm trước đó của Trấn Thành như Mai, Nhà bà Nữ…
Hay ngay cả Nụ hôn bạc tỷ của Thu Trang cũng ghi nhận doanh thu ấn tượng, đạt hơn 171 tỉ đồng sau 12 ngày công chiếu. Phim được đánh giá là dễ xem, mang lại tiếng cười nhẹ nhàng cho khán giả. Tuy nhiên, nội dung phim bị nhận xét là không mới mẻ, thiếu sự sáng tạo và sâu sắc, chỉ dừng lại ở mức giải trí đơn thuần.
"Nhân tố mới" Đèn âm hồn ra mắt vào mùng 10 tháng giêng của đạo diễn Hoàng Nam cũng tạo bất ngờ khi thu về hơn hơn 80 tỉ đồng nhưng cũng không được đánh giá cao về chất lượng, nhiều ý kiến khen chê khác nhau.
![Khán giả bình phim Việt: Thấy gì từ ‘hiện tượng’ phim Trấn Thành đạt doanh thu cao?- Ảnh 1. Khán giả bình phim Việt: Thấy gì từ ‘hiện tượng’ phim Trấn Thành đạt doanh thu cao?- Ảnh 1.](https://images2.thanhnien.vn/thumb_w/640/528068263637045248/2025/2/14/90-1739499433490129132086.png)
Trấn Thành trong Bộ tứ báo thủ
ẢNH: ĐPCC
Có thể thấy sự thành công về doanh thu của các phim trên phản ánh một thực tế: khán giả Việt vẫn ưu tiên những tác phẩm giải trí nhẹ nhàng, dễ hiểu. Điều này đặt ra câu hỏi về thị hiếu của người xem: phải chăng họ đang dễ dãi chấp nhận những nội dung hời hợt, thiếu chiều sâu? Sự "bội thu" của điện ảnh Việt nói chung và loạt phim của Trấn Thành trong thời gian gần đây không có nghĩa là điện ảnh đã "vươn tầm".
Một phần nguyên nhân nữa có thể do thiếu vắng những tác phẩm chất lượng cao, có nội dung sâu sắc và mới mẻ trong một thời gian dài khi thị trường điện ảnh Việt chủ yếu cung cấp các phim giải trí đơn thuần, khán giả không có nhiều lựa chọn và dần chấp nhận tiêu chuẩn này như một điều hiển nhiên.
Từ thập niên 1990 với dòng phim "mì ăn liền" đến nay, điện ảnh Việt dường như vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn của việc sản xuất những tác phẩm nhanh, nội dung đơn giản để đáp ứng nhu cầu giải trí tức thời. Dù hiện tại kỹ thuật làm phim đã tiến bộ, nhưng nếu kịch bản và nội dung không được đầu tư xứng đáng, phim Việt khó có thể tạo dấu ấn sâu sắc và bền vững.
Tôi thấy để nâng cao chất lượng phim và đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khán giả, điện ảnh Việt cần: Đầu tư vào kịch bản: Một kịch bản tốt là nền tảng cho một bộ phim chất lượng. Cần khuyến khích sự sáng tạo, tìm kiếm những câu chuyện mới mẻ, sâu sắc và phản ánh đa dạng các khía cạnh của cuộc sống; Đa dạng hóa thể loại: Bên cạnh phim hài và tình cảm, cần phát triển thêm các thể loại khác như khoa học viễn tưởng, hành động, tâm lý xã hội… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khán giả; Nâng cao chất lượng sản xuất bằng cách đầu tư vào kỹ thuật, âm thanh, hình ảnh và đào tạo diễn xuất để tạo ra những tác phẩm có chất lượng cao, có thể cạnh tranh với phim ngoại nhập. Và cần "nâng tầm" thị hiếu khán giả bằng chính những sản phẩm điện ảnh yêu cầu cao hơn về chất lượng nội dung. Chỉ khi có sự thay đổi đồng bộ từ nhà sản xuất đến khán giả, điện ảnh Việt mới có thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn hiện tại và phát triển bền vững trong tương lai.
Mọi ý kiến, bài viết bình luận về phim Việt, độc giả có thể gửi về địa chỉ email: [email protected].
Xin cảm ơn!