Đảm nhận vai trò host của Kính đa chiều, Lê Hoàng thẳng thắn nêu quan điểm về những thách thức mà các nhà xuất bản sách đang đối mặt. Ông cho rằng bất lợi đầu tiên là sự cạnh tranh với nhiều phương tiện giải trí khác. Nếu như trước đây, ngoài việc đọc sách thì chẳng còn lựa chọn nào, bởi số lượng phim khá ít và vé rất đắt đỏ. Còn thời điểm hiện tại có rất nhiều sự lựa chọn.
Bất lợi thứ hai của các nhà xuất bản hiện nay là sự xuất hiện của những quyển sách có nội dung sơ sài, thiếu chất lượng khiến độc giả mất niềm tin. Theo đạo diễn Lê Hoàng, trước đây khi đọc một quyển sách, hầu hết mọi người đều tin tưởng vào giá trị nó mang lại nhưng bây giờ, độc giả phải có sự chọn lọc.
Bất lợi thứ ba là sách in đang bị thay thế bằng sách điện tử. Ngoài ra, Lê Hoàng cho rằng quan niệm về giá trị đọc không còn được đề cao. Bởi ngày nay có nhiều người thành công trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, kinh doanh mà không cần đọc nhiều sách. Ông còn cho rằng sách đang thiếu sự độc đáo để tạo nên cơn sốt tương tự phim chiếu rạp. “Nếu sách không gây cơn sốt trong xã hội thì chứng tỏ vai trò và sự độc đáo của sách đang bị giảm xuống”, host chương trình nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, doanh nhân Nguyễn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch công ty Saigon Books cho rằng giới trẻ hiện nay có nhiều sự lựa chọn giải trí, nhất là khi xuất hiện các nền tảng mạng xã hội. Liên quan đến những phát ngôn của người nổi tiếng về việc chưa bao giờ đọc hết quyển sách, nam khách mời bày tỏ: “Thật ra có nhiều cách tiếp cận kiến thức. Không đọc sách không có nghĩa là không học hỏi. Tất nhiên bên cạnh kiến thức từ những nguồn khác thì đọc thêm sách sẽ tốt hơn”.
Cuối chương trình, đạo diễn Lê Hoàng còn nhận định rằng không chỉ sách mất vai trò trong xã hội mà người viết sách cũng ngày càng bị xem nhẹ khi ai cũng có thể chi tiền để in thơ, in sách hồi ký một cách dễ dãi. Nam đạo diễn thẳng thắn: “Tôi nhìn số lượng bản in và giá tiền quyển sách, tôi biết là chi tiền xuất bản và khi họ in 1 - 2 cuốn thì ghi là nhà văn. Danh hiệu nhà văn bây giờ rẻ quá, điều đấy cũng làm hại sách rất nhiều, làm cho người ta cảm thấy không còn thiêng liêng nữa”.