Phát biểu tại hội thảo "Việt Nam nên miễn visa cho du khách nào?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (24.4), TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng - nhận định ngành du lịch Việt Nam không bị tác động từ căng thẳng thương mại hiện nay.
Bức tranh kinh tế của Việt Nam quý 1/2025 diễn ra theo đúng kế hoạch, mục tiêu mà Chính phủ đưa ra. Cụ thể, tăng trưởng GDP đạt 6,93% là quý tăng cao nhất trong 5 năm vừa qua; xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng như xuất khẩu đạt 103 tỉ USD, tăng 11% và nhập khẩu đạt 100 tỉ USD, tăng 17%. Việc thu hút và giải ngân dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tích cực khi dòng vốn mới đăng ký tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lạm phát hoàn toàn được kiểm soát khi chỉ số CPI quý 1/2025 tăng 3,22%, cho phép Chính phủ có dư địa để vừa kiểm soát tốt lạm phát nhưng vẫn thuận lợi đưa vốn vào nền kinh tế.

TS Đinh Thế Hiển phát biểu tại hội thảo do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 24.4
ẢNH: ĐỘC LẬP
Tuy nhiên hiện nay, xuất hiện những khó khăn mới từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc. Khó khăn này không phải chỉ riêng Việt Nam mà diễn ra chung toàn cầu. Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay ở mức 8%. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam đối diện với những bất ổn từ thế giới. Nhưng trước mắt, doanh nghiệp và nền kinh tế phải cấu trúc lại xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động sản xuất.
TS Đinh Thế Hiển nhận định, trong ngắn hạn, cụ thể là quý 2/2025, tiêu dùng sẽ bị hạn chế, do tâm lý e ngại của người dân khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Việt Nam đang đối đầu với 3 vấn đề: thuế quan của Mỹ; gia tăng vấn đề bảo hộ thương mại; bất ổn địa chính trị sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục có xu hướng rút ròng ra khỏi thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, ông tin rằng đến quý 4/2025 và sang năm 2026 dòng vốn nước ngoài sẽ quay lại Việt Nam.
Dù trong ngắn hạn có khó khăn, nhưng trung hạn từ 2026 - 2027, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng dựa vào các yếu tố nội lực như sự cải thiện của nhu cầu tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh của quá trình đô thị hóa; Việc tinh giản các quy trình, quy định và phát triển doanh nghiệp tư nhân; chủ động điều chỉnh kiến trúc sản xuất kinh doanh phù hợp với môi trường kinh tế thế giới với Mỹ và các nước; dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng, nhất là trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, công nghệ sau cấu trúc.
Chính sách visa có tác động gì đến quyết định của du khách?
Riêng với du lịch Việt Nam không bị tác động từ chiến tranh thương mại trong năm 2025 trong khi nhu cầu vẫn lớn. Quý 1/2025, Việt Nam đã đón hơn 6 triệu lượt du khách nước ngoài và cũng là mức cao nhất trong các năm. Điều này hoàn toàn có thể đưa ngành du lịch Việt Nam cả năm nay lập kỷ lục đón khách quốc tế.