Du lịch lập kỷ lục đón khách quốc tế

Ba tháng đầu năm bội thu

Số liệu thống kê mới nhất từ Cục Du lịch quốc gia cho biết, khách quốc tế đến VN trong tháng 3.2025 đạt hơn 2,05 triệu lượt người, tăng gần 29% so với cùng kỳ 2024. Tính chung quý 1, cả nước đón hơn 6 triệu lượt khách, tăng gần 30% và là lượng khách đến trong một quý cao nhất từ trước đến nay của VN. Trong 10 thị trường lớn nhất của du lịch VN, Trung Quốc dẫn đầu với 1,58 triệu lượt; Hàn Quốc thứ hai với 1,26 triệu lượt. Hai thị trường này đóng góp 47% tổng số khách đến VN.

Đáng chú ý, khách từ thị trường Nga, Campuchia, Philippines và Trung Quốc được xem là động lực tăng trưởng của quý 1 khi có mức tăng cao nhất, lần lượt bằng 210%, 205%, 195% và 178%. Trung Quốc và Nga vốn là hai thị trường khách quốc tế lớn hàng đầu của ngành du lịch VN ở thời điểm trước đại dịch Covid-19. Vì một số lý do mà hai thị trường này đều bị sụt giảm đáng tiếc trong vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, thời gian qua, lượng khách từ hai thị trường này liên tục có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ. Dù con số tuyệt đối vẫn chưa thể trở lại bằng năm 2019, song sự phục hồi đầy ấn tượng của hai thị trường khách lớn này được Cục Du lịch nhìn nhận có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo động lực, tạo niềm tin cho ngành du lịch VN thực hiện các mục tiêu lớn phía trước.

Du lịch lập kỷ lục đón khách quốc tế- Ảnh 1.

Du khách quốc tế đến Nha Trang bằng đường biển, tháng 2.2025

ẢNH: BÁ DUY

Du lịch lập kỷ lục đón khách quốc tế- Ảnh 2.

ẢNH: BÁ DUY

Bên cạnh đó, thị trường Ba Lan và Thụy Sĩ cũng ghi nhận gia tăng lượng khách, lần lượt 52,9% và 14,1% so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả tích cực này được đánh giá là do tác động từ việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 miễn visa ngắn hạn cho công dân các nước trên theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025. Chính sách được kỳ vọng sẽ tạo động lực thu hút nhiều hơn lượng khách từ thị trường châu Âu này trong năm nay.

Lượng khách tăng kỷ lục, trên khắp cả nước, từng địa phương cũng lần lượt "khoe" 1 mùa du lịch đầu năm bội thu. Đón hơn 1,63 triệu lượt khách ngoại trong 3 tháng qua, tăng 18,2% so cùng kỳ năm ngoái và đạt 19,2% so với kế hoạch năm 2025, ngành du lịch TP.HCM đã đóng góp 19.245 tỉ đồng doanh thu cho ngân sách TP, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong số này cũng có đóng góp không nhỏ từ chi tiêu của gần 3 triệu lượt khách nội địa, mặc dù mức độ tăng trưởng không cao, chỉ tăng 6,3%.

Nếu tính về con số tuyệt đối, mức thu 2.600 tỉ đồng từ các hoạt động du lịch 3 tháng đầu năm của TP.Huế khá nhỏ so với TP.HCM, nhưng mức tăng trưởng lại gần gấp 3 lần, đạt 53% so cùng kỳ năm ngoái. Có được kết quả ấn tượng này nhờ từ đầu năm đến nay, Huế có nhiều hoạt động lễ hội văn hóa đặc sắc được tổ chức, đặc biệt là tổ chức thành công Lễ khai mạc năm du lịch quốc gia gắn với Festival Huế đã tạo điểm nhấn, kích cầu, thu hút gần 1,5 triệu lượt khách, tăng 62%. Trong đó, khách quốc tế tới cố đô ước đạt hơn 650.000 lượt, tăng gần 50%.

Cục Thống kê ghi nhận doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong quý 1 tại các địa phương khác cũng tăng mạnh, như Quảng Ninh tăng 20,1%; Đà Nẵng tăng 16,7%; Hà Nội tăng 14,9%; Hải Phòng tăng 14,6%; Khánh Hòa tăng 11,4%; Cần Thơ tăng 11,2%...

Động lực bứt phá kinh tế

Trên cả nước, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống trong quý 1 tăng mạnh tới 14% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 200.100 tỉ đồng, chiếm 11,7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Cùng với đó, doanh thu du lịch lữ hành cũng ước đạt 21.500 tỉ đồng, tăng 18,3%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 175.000 tỉ đồng, chiếm 10,2% tổng mức và tăng 12,5%. "Nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng cao trong các kỳ nghỉ lễ, tết đầu năm cùng số lượng khách quốc tế đến VN tăng cao là các nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ, góp phần vào tăng trưởng GDP 6,93% của toàn nền kinh tế 3 tháng đầu năm", Cục Thống kê lý giải.

Du lịch lập kỷ lục đón khách quốc tế- Ảnh 3.

TP.HCM bội thu khi đón hơn 1,6 triệu lượt khách quốc tế trong 3 tháng đầu năm 2025

ẢNH: NHẬT THỊNH

Nhìn chung tổng quan nền kinh tế, GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, ĐH Kinh tế TP.HCM, đánh giá để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới, kinh tế VN vẫn phải dựa vào các động lực chính, đó là tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu của Chính phủ và xuất khẩu. Trong đó, tiêu dùng hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GDP của VN. Sau giai đoạn chững lại vì đại dịch Covid-19, tiêu dùng trong nước đang có xu hướng tăng lên đáng kể, năm 2024 tăng hơn 30% so với 2019.

Theo ông Vinh, khuyến khích người dân chi tiêu, kích thích tiêu dùng luôn là "vũ khí" để các nền kinh tế lớn trên thế giới tạo động lực cho nền kinh tế chuyển động, phát triển. Tuy nhiên, khoảng 77% tỷ lệ tiêu dùng trong nước hiện nay vẫn là hàng thiết yếu; còn dịch vụ, sản phẩm khác chiếm tỷ trọng nhỏ, cho thấy người dân còn tương đối tiết kiệm. Để khuyến khích chi tiêu, cần có những chính sách không chỉ kích cầu người tiêu dùng trong nước mà còn một đối tượng rất quan trọng, đó là du khách nước ngoài tới VN.

"Nếu ngành du lịch hoàn thành mục tiêu đón 22 - 23 triệu khách quốc tế trong năm nay, đồng thời có những sản phẩm, dịch vụ để khách chi tiêu mạnh tay thì đây sẽ là một trong những yếu tố chủ lực thúc đẩy tiêu dùng trong nước trở thành động lực bứt phá kinh tế", GS-TS Võ Xuân Vinh nhấn mạnh.

Du lịch lập kỷ lục đón khách quốc tế- Ảnh 4.

Du khách nước ngoài tham quan Hà Nội

ẢNH: NGỌC THẮNG

Đồng quan điểm, Chủ tịch Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ phân tích: Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên nếu thúc đẩy được du lịch thì sẽ mang lại tác động lan tỏa cho nhiều ngành kinh tế khác. Không chỉ tiêu dùng, dịch vụ mà bất động sản (BĐS), hạ tầng… cũng có thể khởi sắc ngay nếu có các hoạt động du lịch sôi động. Bởi trong tỷ trọng cấu trúc kinh tế địa phương, ngành xây dựng và kinh tế công nghiệp rất được quan tâm, chú trọng. Khi du lịch phát triển thì khối BĐS du lịch, BĐS nghỉ dưỡng cũng hồi sinh, từ đó tăng tỷ lệ ngành công nghiệp, xây dựng. Cùng với đó, du lịch cũng góp phần quan trọng đóng góp vào mảng kinh tế tri thức, thông qua việc chuyển đổi số từ hệ thống mạng bán trực tuyến, các kênh OTA kết nối, điều hành…

"Có thể thấy, du lịch có vai trò quan trọng kích hoạt tất cả các ngành đang được coi là động lực chính giúp kinh tế VN đạt tăng trưởng cao 8% trong năm nay, đó là đầu tư, là tiêu dùng, dịch vụ, là kinh tế số. Quan trọng nhất là tốc độ lan tỏa rất nhanh. Để đạt mục tiêu kinh tế lớn trong thời gian tương đối ngắn thì không gì hiệu quả bằng việc thúc thật mạnh phát triển du lịch, dịch vụ", ông Nguyễn Quốc Kỳ khẳng định.

Du lịch có vai trò quan trọng kích hoạt tất cả các ngành đang được coi là động lực chính giúp kinh tế VN đạt tăng trưởng cao 8% trong năm nay, đó là đầu tư, là tiêu dùng, dịch vụ, là kinh tế số. Để đạt mục tiêu kinh tế lớn trong thời gian tương đối ngắn thì không gì hiệu quả bằng việc thúc thật mạnh phát triển du lịch, dịch vụ.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Corporation

Hội tụ nhiều cơ hội để bước vào vận hội mới

Mặc dù đã ghi nhận được rất nhiều thành quả tích cực thông qua những con số đầy lạc quan, song trong văn bản vừa gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các chuyên gia thuộc Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) vẫn lo ngại du lịch VN đang có nguy cơ tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh chính trong khu vực, đặc biệt là Thái Lan và Malaysia. Cụ thể, về bối cảnh, trong năm 2024, du lịch VN đã phục hồi gần bằng mức trước đại dịch với 17,6 triệu lượt khách quốc tế, trong khi Thái Lan chỉ còn 12% nữa là đạt mức 40 triệu lượt khách trước dịch và Malaysia cũng chỉ còn 4% nữa là quay về mức 25 triệu lượt khách quốc tế.

Du lịch lập kỷ lục đón khách quốc tế- Ảnh 5.

Du khách nước ngoài chật kín tại bến tàu đảo Ti Tốp trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), tháng 3.2025

ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU

TAB đánh giá, để đạt được kết quả trên, các đối thủ cạnh tranh của chúng ta đang thực hiện những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách thị thực. Đơn cử, Thái Lan đã mở rộng số quốc gia được miễn thị thực từ 57 lên 93 và nâng số quốc gia được áp dụng cấp thị thực tại cửa khẩu từ 19 lên 31. Malaysia cũng miễn thị thực cho 158 quốc gia; đồng thời cả hai nước này đều triển khai các loại thị thực mới. Trong khi đó, VN hiện chỉ miễn thị thực cho 30 quốc gia.

Bên cạnh đó, các nước cũng triển khai rất nhiều chương trình thị thực đặc thù, đặc biệt, chuyên biệt cho nhiều nhóm đối tượng để thu hút đa dạng người nước ngoài đến du lịch, đầu tư, làm việc, đóng góp cho nền kinh tế. Do đó, để thực hiện hóa mục tiêu tăng trưởng rất cao trong giai đoạn tới, TAB cho rằng chính sách mở rộng thị thực không chỉ là một giải pháp đơn lẻ mà còn được xem như một phần không thể thiếu trong chiến lược tổng thể, một công cụ quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng.

TAB đề xuất Chính phủ cân nhắc các loại thị thực đặc thù như: Thị thực vàng VN (Vietnam Golden Visa) có thời hạn từ 5 - 10 năm, có khả năng gia hạn, dài hơn so với thời hạn 1 - 2 năm hiện tại; thị thực đầu tư (Investor Visa) thời hạn 10 năm, kèm theo lộ trình trở thành thường trú nhân sau 5 năm nếu duy trì mức đầu tư; thị thực nhân tài (Talent Visa) thời hạn 5 năm, với quy trình gia hạn đơn giản. Các chương trình này có thể được thí điểm tại một số địa phương có điều kiện tốt như Phú Quốc, TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng...

Hoàn toàn ủng hộ những đề xuất trên, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, cho rằng các tỉ phú là dòng khách chi tiêu cao, yêu cầu khắt khe và cao cấp; nếu VN có thể tiếp cận và khai thác thành công sẽ mang lại giá trị rất lớn về doanh thu cho du lịch.

Nhìn lại xuyên suốt quá trình phục hồi của du lịch VN sau đại dịch đến nay, ông Đặng Minh Trường cho rằng du lịch nước ta đang hội tụ rất nhiều cơ hội để bước vào vận hội mới. Trong những năm gần đây, các chính sách phát triển du lịch của VN đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, thể hiện rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Sự chuyển biến này không chỉ dừng ở mức độ nhận thức mà đã được cụ thể hóa thành những hành động thực tiễn quyết liệt và sát sao với thực tế. Ấn tượng nhất là chính sách thị thực ngày càng linh hoạt, nới lỏng hơn, tạo điều kiện cho du khách quốc tế đến VN và hiệu quả từ chính sách visa đã được xác tín thông qua số liệu tăng trưởng khách quốc tế. Tuy nhiên, để tạo được sức mạnh đột phá thì chưa, nhất là khi đặt cạnh các "đối thủ" như Thái Lan, Malaysia, Singapore… Điều này vừa là bất lợi nhưng đồng thời cũng cho thấy du lịch VN vẫn còn nhiều dư địa để khai thác, phát triển bùng nổ.

Vì thế, lãnh đạo Sun Group đề xuất Chính phủ và các bộ, ban ngành liên quan tiếp tục tháo gỡ, mở rộng danh sách các quốc gia miễn thị thực, đặc biệt ưu tiên những thị trường khách mục tiêu, giàu tiềm năng như New Zealand, Úc, Trung Quốc, Ấn Độ; nhóm khách từ các thị trường mới nổi và tiềm năng cao như UAE, Ả Rập Xê Út, Qatar, Kuwait cùng các nước Trung Á, khách châu Âu và Bắc Mỹ… 

Đề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho du lịch

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Nguyễn Trùng Khánh khẳng định VN có dư địa lớn về phát triển du lịch, nhất là các tài nguyên thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản được UNESCO công nhận… Tốc độ tăng trưởng của du lịch thời gian qua cùng những ghi nhận của quốc tế, những chuyển động mạnh mẽ từ nội tại, lãnh đạo ngành du lịch hoàn toàn tin tưởng vào sức bật của du lịch VN thời gian tới.

"Với định hướng tập trung vào chiều sâu, chất lượng, chuyên nghiệp, bền vững, thương hiệu, du lịch VN thời gian tới sẽ chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ; tập trung xây dựng các sản phẩm ngày càng đẳng cấp để mang lại những giá trị trải nghiệm thực sự đặc sắc, ấn tượng cho du khách. Đồng thời, triển khai đồng bộ những nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành, thích ứng với điều kiện trong giai đoạn phát triển mới. Trong đó, sẽ tập trung thực hiện từ đổi mới phương thức xúc tiến quảng bá du lịch đến việc đề xuất những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho hoạt động du lịch…", ông Nguyễn Trùng Khánh thông tin.

Du lịch lập kỷ lục đón khách quốc tế- Ảnh 6.

 

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao