Miễn/giảm visa luôn đi đôi với mở rộng đường bay
Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), cho biết Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines tự hào là cầu nối đón thế giới đến Việt Nam. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu về thu hút du khách, việc cải cách chính sách visa không chỉ là yếu tố then chốt để phát triển du lịch mà còn là đòn bẩy để Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với chuyên gia, nhân tài và du khách quốc tế.
Trong quý 1/2025, Việt Nam đã đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế, một tín hiệu tích cực, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch quốc tế đến Việt Nam. Với đà này, mục tiêu đón 22 - 23 triệu lượt khách quốc tế năm 2025 hoàn toàn khả thi nếu các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là về visa và hàng không được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Tuy nhiên, quan trọng hơn số lượng là thu hút phân khúc khách giá trị cao, những người có mức chi tiêu lớn, thời gian lưu trú dài và tỷ lệ quay lại cao. Đây là nhóm khách giúp tăng hiệu quả khai thác hàng không, mở rộng mạng bay quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Nguyễn Quang Trung kiến nghị mở rộng nhóm nước miễn visa
ẢNH: ĐỘC LẬP
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia du lịch hàng đầu luôn áp dụng chính sách visa linh hoạt cùng chiến lược mở rộng mạng bay. Tại Thái Lan, Nhật Bản hay UAE, việc miễn/giảm visa luôn đi đôi với mở rộng đường bay, tăng tần suất chuyến và hỗ trợ hãng hàng không quốc gia. Chính sách visa thuận lợi sẽ tạo ra nhu cầu và ngành hàng không sẽ hiện thực hóa tiềm năng đó bằng các kết nối cụ thể.
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Quang Trung cho biết, Vietnam Airlines đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch quốc tế, như mở mới và khôi phục 17 đường bay quốc tế quan trọng từ năm 2024 đến nay, gồm Munich (Đức); Milan (Ý); Bengaluru, Hyderabad (Ấn Độ). Hãng cũng đang có kế hoạch mở thêm các đường bay đến khu vực Trung Đông và Bắc Âu.
Song song, Vietnam Airlines mở rộng sản phẩm thông qua hợp tác với các hãng như Turkish Airlines, Scandinavian Airlines, Etihad Airways. Tham gia tích cực vào các hội chợ du lịch quốc tế lớn như ITB Berlin, WTM London và tổ chức 20 buổi trình diễn chuyên đề quảng bá Việt Nam tại các thị trường tiềm năng. Ngay đầu tháng 5 tới, chuẩn bị cho khai trương đường bay thẳng đến Milan, hãng sẽ phối hợp với nhiều đối tác tổ chức buổi trình diễn tại Ý, một trong những thị trường du lịch tiềm năng tại châu Âu.
Mở visa để du lịch bứt phá: Chìa khóa vàng thu hút khách quốc tế
Mong muốn phối hợp với các cơ quan của Chính phủ
Để ngành du lịch Việt Nam cất cánh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ông Nguyễn Quang Trung đã kiến nghị một số giải pháp trọng tâm về chính sách visa. Trong đó mở rộng nhóm nước miễn visa, tập trung các quốc gia có dung lượng thị trường lớn, có tiềm năng phát triển về khách du lịch cũng như nhà đầu tư.
Cụ thể, bổ sung 20 quốc gia thuộc EU chưa được miễn, trong đó ưu tiên các quốc gia Thụy Sỹ, Ba Lan, CH Czech, Hungary và Bồ Đào Nha. Các nước thuộc Bắc Mỹ gồm Mỹ, Canada; và Ưc. Nhóm các thị trường mới như UAE, Ả Rập Xê út, Brazil.
Thí điểm miễn visa ngắn hạn trong 12 tháng cho các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Ấn Độ. Kéo dài thời hạn miễn visa tới 90 ngày cho khách châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và cấp visa dài hạn tới 24 tháng cho nhà đầu tư và chuyên gia. Đơn giản hóa e-visa, giảm thời gian xử lý xuống dưới 24 giờ.

Để ngành du lịch Việt Nam cất cánh và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mở visa là việc làm cấp thiết
ẢNH: ĐỘC LẬP
Ngoài ra, hãng hàng không quốc gia mong muốn phối hợp với các cơ quan của Chính phủ trong việc phát động khách quốc tế đến Việt Nam thông qua các giải pháp như: Thành lập nhóm công tác giữa các cơ quan của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bộ Xây dựng và Vietnam Airlines để đồng bộ hóa chính sách visa với kế hoạch phát triển mạng đường bay, thị trường. Nhóm này sẽ định kỳ đánh giá hiệu quả của các chính sách visa và đề xuất điều chỉnh.
Tăng ngân sách cho chiến dịch quảng bá du lịch quốc tế, trong đó Vietnam Airlines đóng vai trò trung tâm trong việc giới thiệu chính sách visa và các điểm đến Việt Nam trên các chuyến bay, tại sân bay và tại các sự kiện quốc tế (như ITB Berlin, WTM London…). Tích hợp thông tin về chính sách visa (miễn visa, e-visa, visa tại cửa khẩu) vào website, ứng dụng di động và màn hình giải trí trên máy bay của Vietnam Airlines. Phối hợp với các đại lý du lịch quốc tế để truyền thông về chính sách visa thông thoáng, đặc biệt tại các thị trường mới.
"Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 8% trong năm 2025 và hướng tới tốc độ hai con số trong các năm tiếp theo, nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm kinh tế mới nổi trong khu vực. Để đáp ứng yêu cầu này, chính sách hỗ trợ cần đi trước một bước, đặc biệt là về visa, nhằm tạo nền tảng thuận lợi để hàng không mở rộng mạng bay, nâng cao hiệu quả khai thác và đóng góp tích cực cho mục tiêu phát triển chung. Để Việt Nam thực sự trở thành trung tâm du lịch và đầu tư của khu vực, chúng ta cần hành động quyết liệt: Visa mở cửa - Hàng không kết nối - Du lịch cất cánh", ông Nguyễn Quang Trung kiến nghị.