Trong tác phẩm Kiến trúc Pháp - Đông Dương - Dấu tích "Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông" (của Trung tâm Lưu trữ quốc gia 2 và NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ra mắt), tác giả Phúc Tiến đã lược thuật quá trình xây dựng Sài Gòn tân tiến, từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, cùng những kiến trúc điển hình vừa có yếu tố Pháp, vừa có yếu tố bản địa, gọi chung là Kiến trúc Pháp - Đông Dương. Qua đó, có thể thấy cảnh quan và kiến trúc đặc sắc chính là một phần quan trọng của di sản thành phố. Mời bạn đọc cùng tham gia chuyến "đi phượt" Sài Gòn xưa qua loạt bài trích dẫn từ cuốn sách này.

Biểu trưng thành phố Sài Gòn ra đời vào 1870 với các hình ảnh tiêu biểu là dòng sông, thương thuyền và hai con cọp vằn cường tráng. Trong hình là mẫu thiết kế trong hình tròn năm 1942
Từ lâu, La Perle de l'Extrême-Orient, hay Pearl of the Far East - viên ngọc trai của miền xa nhất phương Đông, là cách gọi yêu kiều của người nước ngoài đối với Sài Gòn. Tên tiếng Pháp ấy được Việt hóa một cách thân thương là Hòn ngọc Viễn Đông.
Năm 1881, luật sư Jules Blancsubé, thị trưởng đầu tiên của Sài Gòn đã có một cuộc diễn thuyết tại Hiệp hội Hàng hải và Thuộc địa. Thời điểm ấy, Sài Gòn đã qua 20 năm chuyển đổi từ một thành thị phong kiến châu Á trở thành một đô thị tân tiến trong hệ thống thuộc địa của Pháp. Luật sư Blancsubé cho rằng khi toàn Đông Dương hình thành liền lạc hệ thống đường thủy và đường sắt thì Sài Gòn với vai trò đầu mối của hệ thống ấy sẽ trở thành Hòn ngọc Viễn Đông.
Phát biểu này phản ánh một viễn kiến khả thi. Bởi đế chế Pháp sau khi xâm chiếm Sài Gòn đã nỗ lực xây dựng nơi đây thành một trung tâm hàng đầu về giao thông và giao thương cho toàn Đông Dương và khu vực xung quanh. Trong thực tế, từ tháng 3.1860, Thương cảng Sài Gòn bắt đầu đón nhận tàu thuyền của tất cả các nước. Cùng lúc, tuyến đường biển xuyên Âu - Á, từ châu Âu qua Trung Đông đến Trung Quốc, Nhật Bản và Bắc Mỹ đã bổ sung điểm dừng chân tại Sài Gòn. Thành phố còn có nhà máy Ba Son là cơ sở đóng và sửa chữa tàu thuyền dân sự và quân sự cho Pháp và nhiều nước.
Năm 1870, liên lạc viễn thông giữa Sài Gòn với Pháp và các nước Âu Mỹ được thiết lập qua đường cáp điện tín dưới lòng biển. Sang năm 1881, khởi sự có đường sắt Sài Gòn - Chợ Lớn, 3 năm sau có thêm đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho. Từ đấy, nối tiếp là kế hoạch mở đường sắt xuyên Đông Dương, lên đến Trung Quốc. Sang thập niên 1930, khi hàng không thế giới phát triển, tuyến đường bay Jakarta - Sài Gòn - Paris đã khởi động. Với vị trí thuận lợi và các cơ sở hạ tầng hiện đại, hợp cùng nhân lực quản trị chuyên nghiệp, Sài Gòn mau chóng trở thành đầu mối kinh tế liên thông quốc tế của toàn Đông Dương.
Thương hiệu thu hút đầu tư và du lịch
Khi đưa tin cuộc diễn thuyết của luật sư Blancsubé, báo L'Avenir Diplomatique - Tương lai Ngoại giao, tại Paris, cho biết họ dẫn nguồn từ báo Time - Thời đại của Anh quốc. Như thế tên gọi Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông bắt đầu lan truyền trong các nước phương Tây từ thời điểm ấy. Sang thập niên 1920 - 1930, danh hiệu La Perle de l'Extrême-Orient xuất hiện trên các ấn phẩm giới thiệu Đông Dương, như một điểm đến mới mẻ và hấp dẫn của thế giới. Sử dụng mỹ từ Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông chính là một cách làm "thương hiệu", thu hút doanh nhân và du khách quốc tế.

Bản đồ đường sắt và cảng biển Đông Dương năm 1933 với khởi điểm là Sài Gòn đi thẳng Huế - Hà Nội và lên đến Vân Nam (Trung Quốc). Con đường này có nhiều nhánh dự kiến sang Campuchia, Lào và Thái Lan
Ảnh: Thư viện quốc gia Pháp

Đoạn cuối bài báo trên tờ L’Avenir diplomatique ra ngày 7.4.1881 tại Paris có chi tiết Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông
Ảnh: Thư viện quốc gia Pháp
Với người VN, ngay từ năm 1918, trên báo Nam Phong, nhà báo Phạm Quỳnh đã nhắc đến tên gọi La Perle de l'Extrême-Orient mà ông dịch là "Hạt báu của Á Đông". Ông nói Sài Gòn có khí vị của một "đô hội lớn". Vào thời gian này, người Anh gọi Hồng Kông và Singapore là Pearl of Far East. Người Mỹ cũng gọi Manila của Philippines với mỹ từ tương tự. Tuy nhiên, không ai độc quyền danh hiệu Hòn ngọc Viễn Đông bởi tạo hóa cho chúng ta nhiều viên ngọc trai chứ không chỉ một viên duy nhất, và mỗi viên ngọc trai đều có vẻ đẹp lấp lánh của riêng nó.
"Viên ngọc Sài Gòn" có những nét đặc sắc khác biệt, thể hiện trước nhất qua cảnh quan và kiến trúc cũng như cách quy hoạch đô thị mà ngày nay vẫn còn nhiều dấu tích để thưởng ngoạn và kinh nghiệm để học hỏi. (còn tiếp)