Bách hóa Charner - Thương xá Tax

BÁCH HÓA QUÝ PHÁI

Theo sách Les Annales coloniales, tòa nhà GMC thuộc sở hữu Société Coloniale des Grands Magasins, một công ty Pháp thành lập năm 1921. Họ cũng là chủ nhân của tòa nhà Grands Magasins Réunis ở Hà Nội (nay là Bách hóa Tràng Tiền). Vào năm 1925, Thương cảng Sài Gòn cũng đã lắp đặt một cái còi to trên nóc GMC để thông báo tàu biển từ Pháp đã cập bến.

Bách hóa Charner - Thương xá Tax- Ảnh 1.

Tòa nhà Đại bách hóa Charner năm 1925 nhìn từ giao lộ Charner (Nguyễn Huệ) và Bonard (Lê Lợi)

ẢNH: SƯU TẬP MẠNH HẢI FLICKR.COM

Grand Magasin Charner (Đại bách hóa Charner, viết tắt là GMC) là tòa nhà ba tầng bao quát hai mặt phố Charner (Nguyễn Huệ) và Bonard (Lê Lợi), xây dựng khoảng 1922 - 1924. Ở vị trí trung tâm là một tháp tròn hình quả chuông, cùng dạng với tòa tháp của Đại bách hóa Au Printemps nổi tiếng ở Paris.

Thế nhưng, trên đỉnh tháp và hai bên tháp của GMC vẫn có sự khác biệt lý thú bởi các mặt đồng hồ được đặt dưới mái ngói. Thêm nữa, mái ngói tại đây có đường viền lượn sóng, theo kiểu mái nhà xưa của Nhật. Nóc tòa nhà được lợp ngói thoai thoải, xuôi xuống mép bên trên của tầng thượng, thể hiện thêm yếu tố Á Đông. Mặt ngoài của hai tầng lầu không có ban công, chỉ có các khung cửa lớn, bao gồm nhiều khung cửa nhỏ gắn kính.

Ngoài ra, khác với Au Printemps, tầng trệt của Đại bách hóa Charner có thêm mái hiên, chạy suốt mặt tiền tòa nhà. Mái hiên này có đoạn cong lên một ít thể hiện đường nét thanh thoát. Bên trong đại sảnh có hai cầu thang hình thể duyên dáng dẫn lên tầng một. Đặc biệt, nền gạch nằm giữa lối lên hai cầu thang được thiết kế như một bức thảm hoa văn kiểu Mosaic tuyệt đẹp. Ở mỗi đầu lan can của hai cầu thang đều gắn tượng đồng tạo hình chú gà Gaulois - biểu tượng truyền thống của nước Pháp.

Bách hóa Charner - Thương xá Tax- Ảnh 2.

Thương xá Tax trước khi bị phá dỡ để xây dựng trung tâm thương mại 40 tầng

Ảnh: QUỲNH TRÂN

Thuở ấy, bách hóa là loại hình cửa hàng cao cấp mới mẻ với Việt Nam. Đây là nơi giới thiệu hàng tiêu dùng cao cấp, chủ yếu dùng cho giới thượng lưu, chia ra làm nhiều quầy hàng nhỏ sắp xếp theo từng ngành hàng. Bách hóa thường đặt trong những tòa nhà lớn, thiết kế mang phong cách quý phái và lịch lãm.

THƯƠNG XÁ NHỘN NHỊP TỪ GIỮA THẬP NIÊN 1950

Đại bách hóa GMC không phải là trung tâm thương mại cao cấp và hiện đại đầu tiên của Sài Gòn. Trước đó, trên đường Catinat (Đồng Khởi), đã có Bách hóa Bazar Saigonnais (1885, nay là tòa nhà khách sạn Sheraton) và Bách hóa Les Nouveautés (1887, hiện tại là tòa nhà Opera View, 161 Đồng Khởi) nằm đối diện Hotel du Théâtre (khách sạn Caravelle). Ngoài ra, trên phố Catinat còn có Bách hóa Mottet et Cie (1908, hiện là phần mở rộng của khách sạn Grand).

Tuy nhiên, các bách hóa kể trên đều ở quy mô nhỏ, còn GMC có quy mô lớn gấp bội và đặt tại một tòa nhà bề thế hơn, và có địa điểm rất đắc dụng. Đại bách hóa GMC không chỉ thể hiện dấu ấn mới mẻ của kiến trúc Pháp - Đông Dương mà còn là biểu tượng thương mại của Sài Gòn thịnh vượng. Vào cuối thập niên 1940, tòa nhà GMC được sửa đổi, tháp đồng hồ được gỡ bỏ, để cơi thêm một tầng mới trên tầng thượng đã có. Mặt trước tòa nhà cũng gỡ bỏ các mái ngói khiến tổng quát tòa nhà mang kiểu dáng tương tự Art Deco.

Từ 1955 cho đến tháng 4.1975, GMC đổi tên là Thương xá Tax, vừa là trung tâm thương mại sang trọng, vừa là cao ốc văn phòng. Cảnh quan đường Nguyễn Huệ phía trước thương xá cũng thay đổi với sự ra đời của nhiều kiosk hàng lưu niệm, quần áo, dịch vụ băng nhạc, hoa tươi... Trên vỉa hè trước thương xá có lúc là chợ lộ thiên bày bán nhiều hàng hóa PX (hàng cung cấp cho lính Mỹ được tuồn ra bán giá rẻ) và hàng hóa nhiều nước khác. Tiệm kem Pôle Nord - Bắc Cực được đặt ngay đầu tầng trệt mặt tiền thương xá, tại vị trí nhìn ra bồn phun nước, là địa chỉ lui tới của nhiều gia đình. Mùa Noel và tết ở khu vực Thương xá Tax và đường Nguyễn Huệ luôn tấp nập người đi chơi và mua bán.

Sau khi hòa bình lập lại, trong các thập niên đầu, có lúc Thương xá Tax mang tên Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp, Cửa hàng thiếu nhi thành phố. Khoảng đầu thập niên 1990, có một số năm, nơi đây là "Chợ Nga" chuyên mua bán quần áo, giày dép và nhiều hàng gia dụng khác cho khách các nước XHCN. Từ năm 1997, tòa nhà trở lại công năng cũ, hoạt động phong phú, bao gồm nhiều cửa hàng nhỏ, siêu thị, nhà hàng và quán cà phê. Các gian bên trong tòa nhà đều gắn máy điều hòa không khí. Tòa nhà được ốp gạch granite mặt ngoài và cơi thêm một tầng lầu mới. Ở đường viền mặt ngoài tòa nhà, ngăn cách tầng ba và tầng bốn, có thêm tượng đầu gà Gaulois.

Rất tiếc, từ năm 2014, Thương xá Tax ngưng hoạt động và sang năm 2016 bị phá bỏ hoàn toàn để dự định xây lên một cao ốc 40 tầng. Nhưng đến nay, dự án vẫn chưa chuyển động, hiện tại cả khu đất lớn vẫn bỏ trống. (còn tiếp)

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao