Tại sao phải xây dựng thế hệ làm phim mới?

Phát biểu mở đầu hội thảo, bà Phan Thị Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, đánh giá trong lịch sử điện ảnh, VN đã có đội ngũ có thể gọi là "thế hệ vàng". "Vậy tại sao bây giờ lại đặt ra vấn đề phải xây dựng những nhà làm phim mới ở VN? Đây là điều cần thiết đối với VN bởi nếu muốn phát triển bền vững phải đầu tư cho thế hệ kế thừa, để bổ sung thêm năng lượng sáng tạo, cập nhật thêm những yêu cầu về kỹ thuật ngày càng mới, hiện đại. Tư duy sáng tác cũng cần phải thay đổi, đặc biệt là trong sự phát triển như vũ bão của nền khoa học công nghệ như hiện nay", PGS-TS Phan Thị Bích Hà nói.

Theo PGS-TS Phan Thị Bích Hà, những đóng góp của các nhà làm phim tiên phong, các nhà quay phim mặt trận, các đạo diễn chiến trường là nền tảng quý giá trong lịch sử điện ảnh dân tộc. Nhưng theo thời gian, nhất là bước sang thời kỳ mới, bối cảnh sản xuất phim, phát hành phim đã thay đổi nên sự nghiệp làm phim cần sự hội nhập với thế giới. Vì vậy, cần thiết phải đào tạo một thế hệ làm phim mới không những biết kể câu chuyện bằng hình ảnh động mà còn biết nắm bắt nhiều phương tiện, nhiều "vũ khí" công nghệ hiện đại.

Tại sao phải xây dựng thế hệ làm phim mới?- Ảnh 1.

Hội thảo thu hút nhiều nhà làm phim, đạo diễn, giảng viên… tham gia hiến kế

ẢNH: HOÀNG SƠN

Bà Bích Hà cho rằng việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng điện ảnh trẻ không chỉ là nhiệm vụ của các trường đào tạo mà cần có sự trợ giúp của nhà nước, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp. Những kinh nghiệm quốc tế cho thấy để nuôi dưỡng được các nhà làm phim trẻ tài năng cần xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, từ đào tạo, cố vấn, hỗ trợ tài chính... đến tạo cơ hội trình chiếu tác phẩm và các cơ duyên để phát triển nghề nghiệp. Trong khuôn khổ DANAFF 3, có một hoạt động đã trở thành thường niên và mang lại nhiều sự quan tâm, thú vị đối với các bạn trẻ: những buổi workshop mang tên Ươm mầm tài năng, góp phần mang đến nguồn năng lượng và tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ tương lai, các nhà làm phim trẻ...

Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3: Nơi tôn vinh, gìn giữ và phát huy những chuẩn mực của điện ảnh

ĐÀO TẠO NGƯỜI LÀM PHIM LẪN… NGƯỜI XEM

Đạo diễn, Th.S Nguyễn Hồng Quân, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, nhận định: Với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hợp tác quốc tế trong đào tạo điện ảnh đã trở thành xu thế tất yếu. Và "thực tế là dù có đào tạo quốc tế hay đào tạo trong nước thì trường học là nơi để các bạn tự tin nói tiếng nói riêng của mình, kể các câu chuyện của mình. Tôi nghĩ đó chính là tương lai của điện ảnh, của các nhà làm phim trẻ…", ông Quân nói.

Tại sao phải xây dựng thế hệ làm phim mới?- Ảnh 2.

TS Ngô Phương Lan phát biểu tại hội thảo

ẢNH: HOÀNG SƠN

Đặt vấn đề ở khía cạnh khán giả, PGS-TS Hoàng Cẩm Giang (ĐH KHXH-NV - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng trước đây phim nhà nước chiếm ưu thế, nhưng hiện nay dòng phim này đang thu hẹp, nhường chỗ cho phim thương mại và độc lập. Thực tế này đặt ra yêu cầu mới trong đào tạo điện ảnh không chỉ ở khía cạnh kỹ thuật hay lý luận mà còn ở việc "nuôi dưỡng" gu thẩm mỹ của khán giả. Những tranh luận quanh bộ phim Bi, đừng sợ (2010) cho thấy sự chênh lệch về thẩm mỹ giữa khán giả trong nước và quốc tế, phản ánh rõ "tầm đón đợi" khác biệt. Muốn xây dựng một nền điện ảnh đa dạng, đổi mới, cần chấp nhận những tác phẩm "gây đứt gãy thị hiếu quen thuộc". Do đó, việc đào tạo thế hệ làm phim mới phải song hành với nâng cao trình độ thưởng thức của công chúng. Khán giả không chỉ là người xem, mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển của điện ảnh thông qua khả năng tiếp nhận, đồng hành và thúc đẩy sáng tạo.

Tại sao phải xây dựng thế hệ làm phim mới?- Ảnh 3.

Lần đầu tiên được giới thiệu tại DANAFF 3, sáng kiến “Vườn ươm dự án” giúp kết nối, đào tạo và nâng bước cho những nhà làm phim trẻ

ẢNH: BTC CUNG CẤP

TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh VN, Giám đốc DANAFF, khẳng định một trong những mục tiêu trọng tâm của DANAFF là phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho các tài năng trẻ trong lĩnh vực điện ảnh, nhằm giúp VN và khu vực bắt kịp với bước tiến mạnh mẽ của điện ảnh thế giới. Bà nhấn mạnh để một nền điện ảnh phát triển bền vững và được thế giới công nhận, cần có những tác phẩm chất lượng được làm nên bởi các nhà làm phim trẻ đầy sung sức và sáng tạo. Các hoạt động như workshop diễn xuất, chợ dự án phim nghệ thuật châu Á đã bước đầu gặt hái kết quả, tạo nền tảng cho thế hệ đạo diễn trẻ hiện thực hóa giấc mơ nghề nghiệp. TS Ngô Phương Lan cho biết sẽ tập hợp các tham luận hội thảo để biên tập thành sách chuyên đề, góp phần thúc đẩy hệ sinh thái phát triển điện ảnh VN.

Đà Nẵng đồng hành cùng những gương mặt triển vọng

"Chúng tôi nhận thức rằng để phát triển điện ảnh không thể thiếu những chính sách hỗ trợ thiết thực cho thế hệ làm phim trẻ, từ đào tạo, kết nối quốc tế đến tạo điều kiện sản xuất và phát hành. Thông qua chương trình Ươm mầm tài năngVườn ươm dự án của DANAFF's Talent, chúng tôi hy vọng sẽ phát hiện và đồng hành cùng với những gương mặt triển vọng. TP.Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức điện ảnh, các trường đào tạo và cộng đồng sáng tạo để xây dựng mô hình, môi trường thuận lợi cho tài năng phát triển".

Nguyễn Thị Anh Thi, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng


Tại sao phải xây dựng thế hệ làm phim mới?- Ảnh 4.

Workshop “Ươm mầm tài năng” ươm tạo 52 gương mặt xuất sắc là thế hệ diễn viên đầy triển vọng đến từ VN, Hàn Quốc và Nhật Bản

ẢNH: BTC CUNG CẤP

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao