Thông qua trang cá nhân, nhà báo Lại Văn Sâm đăng tải bài viết cảnh báo khán giả khi bị kẻ xấu mạo danh nhằm mục đích lừa đảo. MC chương trình Ký ức vui vẻ cho biết thời gian gần đây xuất hiện một trang giả mạo, gắn ảnh đại diện của ông để quảng cáo cho thuốc bổ mắt, khiến nhiều người bị lừa.
“Nay tôi buộc phải gửi tới mọi người thông báo này. Tôi lập Facebook duy nhất của mình chỉ với lý do có quá nhiều kẻ mạo danh tôi với mục đích xấu mà thôi. Tôi chưa bao giờ và không bao giờ quảng cáo cho bất kỳ sản phẩm, nhãn hàng nào. Đề nghị mọi người tỉnh táo, tránh mắc lừa kẻ gian”, Lại Văn Sâm nhắn nhủ.

MC Lại Văn Sâm mong mọi người cảnh giác trước chiêu trò của kẻ xấu
Ảnh: T.L
Đáng chú ý dưới phần bình luận, MC Hoàng Trang chia sẻ thêm: "Bao nhiêu người nhắn hỏi em, em phải trả lời là anh Sâm không bao giờ quảng cáo đâu, chắc chắn là giả mạo”. Trong khi đó, một bộ phận cư dân mạng cũng cho biết người thân của họ suýt bị lừa vì nghĩ bài đăng quảng cáo thuốc bổ mắt là của nhà báo Lại Văn Sâm.
Thực tế cho thấy không riêng gì Lại Văn Sâm mà nhiều nghệ sĩ khác như Lan Phương, đạo diễn Khương Dừa, diễn viên Khôi Trần… cũng gặp trường hợp tương tự, phải lên tiếng đính chính.
Để bảo vệ mình trước chiêu trò lừa đảo
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Hà Thị Kim Liên (Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam – Chi nhánh Hà Nội) cho rằng hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác để tạo tài khoản mạng xã hội quảng cáo bán sản phẩm khi chưa được sự đồng ý là vi phạm pháp luật.

Lan Phương từng bức xúc khi một fanpage sử dụng tên và hình ảnh của cô để lừa đảo với mục đích bán hàng
Ảnh: FBNV
Theo luật sư Liên, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Bất kỳ ai sử dụng hình ảnh của cá nhân của người khác đều phải được sự đồng ý của người đó, ngoại trừ các trường hợp pháp luật cho phép được sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác cho mục đích lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng… mà không cần sự đồng ý của người đó được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 32 bộ luật Dân sự năm 2015. Trường hợp sử dụng hình ảnh của cá nhân nhằm mục đích thương mại phải có nghĩa vụ trả thù lao cho người có hình ảnh theo quy định của pháp luật.
“Bên cạnh đó, hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của cá nhân là hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 3 Điều 12 luật Công nghệ thông tin năm 2006”, luật sư Liên chia sẻ.
Luật sư Liên nói thêm khi phát hiện người khác sử dụng hình ảnh cá nhân của mình để giả mạo tài khoản mạng xã hội bất kể mục đích trái pháp luật nào thì có thể thực hiện các biện pháp bảo vệ mình, như: nhanh chóng thông báo và đính chính thông tin về hành vi vi phạm trên tài khoản mạng xã hội của mình để ngăn chặn, giảm thiểu các thiệt hại có thể xảy ra; liên hệ thừa phát lại để tiến hành lập vi bằng ghi nhận hành vi vi phạm đang diễn ra nhằm thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết bằng các chế tài pháp luật quy định tùy thuộc vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm.