Với cuốn Xe tăng trong chiến tranh ở Việt Nam do NXB Trẻ ấn hành, Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt - nguyên chiến sĩ lái tăng số 380, Đại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 - đã đi từ những ngày đầu đến khi Binh chủng Tăng - thiết giáp được thành lập rồi lập nên chiến công oanh liệt, góp phần vào chiến thắng chung của cả dân tộc. Đây có thể nói là một tác phẩm độc đáo khi tập trung vào một binh chủng còn chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu, qua đó cung cấp rất nhiều câu chuyện thú vị, bài học ý nghĩa.

Bìa sách Xe tăng trong chiến tranh ở Việt Nam
ẢNH: NXB Trẻ
Tương quan lực lượng cách biệt
Theo tác giả, những chiếc xe tăng đầu tiên xuất hiện ở nước ta là từ năm 1919, do Pháp đưa sang Đông Dương và là những mẫu từng được sử dụng trong Đệ nhất Thế chiến. Tuy vậy với vai trò đảm bảo an ninh nội bộ và chưa từng phải đối mặt với xe tăng đối địch trong chiến đấu, nên chúng nhanh chóng lỗi thời, hư hỏng. Đến năm 1942, hầu hết phương tiện không di chuyển được, do đó đã được chuyển đổi trở thành lô cốt. Sau giai đoạn này, phương Tây liên tục hỗ trợ nhằm tăng cường lực lượng thiết giáp hiện đại của Pháp ở Đông Dương, trong khi quân ta vẫn chưa có được những phương tiện này.
Tuy vậy bằng tinh thần "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" cũng như phương châm "trường kỳ kháng chiến", toàn dân VN bằng ý chí và những thiết bị thô sơ nhất đã kiên cường chống chọi trước các trang bị hiện đại. Chẳng hạn, chỉ bằng "bom ba càng" - thứ vũ khí chống tăng khá thô sơ thu được của Nhật, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã tiêu diệt nhiều xe tăng, xe bọc thép của Pháp, ngăn Pháp tiến công chiến lũy do các chiến sĩ Vệ quốc đoàn lập nên. Sau đó với sự trang bị súng chống tăng SKZ kết hợp cùng hỏa lực pháo binh, khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã bắt đầu tiêu diệt được nhiều xe tăng hơn, trong đó bắt giữ được 2 xe tăng M24 hoàn toàn nguyên vẹn…
Và cũng từ phương tiện này mà vào ngày 5.10.1959, trung đoàn xe tăng đầu tiên của Quân đội Nhân dân VN được thành lập. Với sự giúp đỡ của nhiều quốc gia, tính đến năm 1975, ta đã được viện trợ khoảng 2.000 xe tăng, thiết giáp các loại. Mặc dù bước vào chiến đấu khá muộn (từ tháng 2.1968) do tình hình chiến sự phức tạp, song bộ đội Tăng - thiết giáp đã nhanh chóng trưởng thành, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, khi tham gia vào nhiều sự kiện đặc biệt như chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, cuộc tiến công chiến lược 1972, tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975…
Từ đó có thể thấy rằng sự ra đời của trung đoàn xe tăng đầu tiên có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới của quân đội ta trong quá trình xây dựng lực lượng lục quân cách mạng chính quy, tinh nhuệ. Tuy vậy quá trình đó cũng tồn tại không ít khó khăn mà binh chủng tăng - thiết giáp đã phải vượt qua. Điều đó đã được tác giả Nguyễn Khắc Nguyệt tái hiện sinh động, lý thú, hào hùng nhưng cũng không kém phần xúc động với nhiều câu chuyện ý nghĩa, không thể nào quên.

Tác giả - Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt
ẢNH: TƯ LIỆU
Vượt qua những chông gai
Theo đó, do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan mà sau ngày 13.7.1960 - cột mốc đánh dấu những vết xích đầu tiên lăn trên nước ta - quân ta vẫn chưa thể đưa xe tăng vào chiến trường miền Nam. Nhận thấy điều đó, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định "Xe chưa đi được thì đưa người vào trước, vừa chuẩn bị chiến trường vừa lấy xe địch đánh địch". Với tình hình đó, các chiến sĩ vừa vận dụng cách đánh của đặc công, đồng thời nghiên cứu cấu tạo các xe của địch để nếu đã đánh là trúng, nhanh chóng loại khỏi vòng chiến và nếu có thể thì lấy xe địch trang bị cho mình. Kết quả là trong chưa đầy một năm, phía ta đã thu về được 7 xe tăng, thiết giáp của địch. Điều này cho thấy được sự sáng tạo và khả năng thích nghi của bộ đội ta trong quá trình chiến đấu.
Đến khi điều kiện cho phép để đưa xe tăng vào miền Nam vào cuối năm 1967, thì hành trình này cũng không dễ dàng. Đầu tiên là bởi ở thời điểm đó, chưa có đơn vị xe tăng nào thực hiện nhiệm vụ hành quân "thiên lý" vào chiến trường miền Nam như vậy. Thêm vào đó, đường sá cũng không thuận lợi do sự đánh phá của không quân Mỹ. Đó là còn chưa kể đến các thiết bị tiên tiến như trinh sát hồng ngoại, "cây nhiệt đới" thu tiếng động, bom thông minh, chất "làm rụng lá cây", chất "gây mưa"… gây nên không ít khó khăn cho quân đội ta. Thế nhưng với tinh thần "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", quân ta đã lập nên kỳ tích xe tăng vượt Trường Sơn vô cùng đặc biệt.
Ngoài việc di chuyển bằng đường bộ, tác giả Nguyễn Khắc Nguyệt cũng nhắc đến nhiều trải nghiệm đặc biệt khi di chuyển xe tăng, như việc đi theo đường thủy, cho xe tăng tự bơi hay ghép thuyền gỗ làm bè vượt sông… Tác giả kể lại từng có những lần thuyền đắm do trời nổi bão, khiến các chiến sĩ gần như chơ vơ giữa biển cả mênh mông; nhưng chính bằng ý chí quyết tâm và sự cưu mang, đùm bọc của bà con dân mình mà hành trình này bớt phần khó khăn. Trong quá trình đó cũng có những người mãi mãi nằm lại, hy sinh để từ đó non sông liền thành một dải…
Với cuốn sách này, giờ đây nhìn lại sau nửa thế kỷ đã qua, có thể nói những vết xích xe tăng ấy không chỉ nhắc nhớ về hòa bình gian khó, mà còn gợi mở bài học về bản lĩnh, sáng tạo và tinh thần đồng lòng của nhân dân ta trong thời gian khó.