Hoàn thiện thành phố quy mô lớn (1900 - 1945)

Phát triển giao thông và giao thương

Hoàn chỉnh xong đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho (1882 - 1886), chính quyền triển khai xây dựng đường sắt Sài Gòn - Nha Trang (1904 - 1913). Đây là tuyến đường khởi đầu cho đường sắt Sài Gòn - Hà Nội (toàn tuyến thông suốt năm 1936). Từ Hà Nội, tuyến đường huyết mạch còn lên đến Vân Nam - Trung Quốc. Mặt khác, vào năm 1933, tuyến đường sắt Sài Gòn - Lái Thiêu - Lộc Ninh được mở ra để đưa sản phẩm cao su về Sài Gòn. Chính quyền còn dự kiến kết nối đến Tây Ninh để sang Campuchia, và từ đấy đi tiếp sang Lào, Thái Lan.

Hoàn thiện thành phố quy mô lớn (1900 - 1945)- Ảnh 1.

Ảnh khu vực cảng Khánh Hội và dãy phố tài chính - ngân hàng bên kinh Tàu Hủ những năm 1930

Ảnh: Thư viện quốc gia Pháp

Do vậy, nhà ga trung tâm Sài Gòn được hoàn thành cùng lúc với khu phố chợ Bến Thành. Cả hai kết nối với Thương cảng Sài Gòn bằng đường bộ và đường xe tram là đại lộ La Somme (Hàm Nghi). Phía đối diện nhà ga là tòa nhà Công ty Đường sắt Đông Dương và Vân Nam. Mặt trước chợ Bến Thành và khu nhà ga hướng ra một quảng trường rộng lớn (công trường Quách Thị Trang). Ngoài ra, đại lộ Bonard (Lê Lợi) từ Nhà hát Lớn được kéo dài tới đây, thông với đại lộ Galliéni (Trần Hưng Đạo) mới mở để có thêm con đường thứ 4 đi thẳng Chợ Lớn. Toàn bộ khu vực liên hoàn giao thông - giao thương này là thành công quy hoạch nổi bật của Sài Gòn trong thập niên 1910 - 1920. Đó cũng là hình mẫu đầu tiên ở VN về mô hình phát triển Transit - Oriented Development - TOD mà bây giờ chúng ta đang tiếp tục thực hiện.

Trong khi ấy, sân bay Tân Sơn Nhứt - 700 ha xây dựng từ năm 1913, hoàn thiện từ thập niên 1930. Vào năm 1931, đường bay Sài Gòn - Marseille, Sài Gòn - Paris, kế tiếp là Sài Gòn - Hà Nội bắt đầu hoạt động. Trước đấy, từ năm 1929, Sài Gòn có tour du lịch đi thủy phi cơ từ bờ sông (Bến Bạch Đằng) đến Angkor Siam Reap - Campuchia. Cùng thời gian này, Tổng cục Du lịch Đông Dương ra đời, đặt trụ sở chính ở Sài Gòn.

Riêng về đường sông, từ năm 1881, Công ty Messageries Fluviales de Cochinchine - Vận tải đường sông Nam kỳ được thành lập. Sau đấy có thêm Công ty CSNT, cả hai lần lượt triển khai các tàu khách và tàu chở hàng từ Sài Gòn đi các tỉnh Nam kỳ và kể cả Campuchia, Lào, Thái Lan.

Chuẩn bị thời kỳ phát triển sau Thế chiến 2

Có thể nói, cho đến thời điểm 1945, Sài Gòn - Chợ Lớn là một thành phố đẹp, được xếp đặt hiệu quả, nhiều tiện nghi hiện đại, không thua kém các đô thị tân tiến ở châu Á. Nhiều kiến trúc mới mẻ và mỹ lệ mang dấu ấn kết hợp Đông - Tây, trở thành biểu tượng của một thành phố năng động và đa văn hóa như Nhà Rồng (trụ sở hãng tàu Messageries Maritimes), Nhà hát Lớn, Nhà thờ lớn (từ 1959 mang tên Nhà thờ Đức Bà), Bảo tàng Blanchard de la Brosse (Bảo tàng lịch sử), chợ Bến Thành, Nhà Bưu điện, Tòa án, Dinh Toàn quyền và Dinh Thống đốc Nam kỳ (Bảo tàng Thành phố).

Hoàn thiện thành phố quy mô lớn (1900 - 1945)- Ảnh 2.

Ảnh ghép các bưu ảnh kiến trúc tiêu biểu của Sài Gòn trước 1945

Ảnh: Sưu tập Nguyễn Đại Hùng Lộc

Vào các năm 1940 - 1943, chính quyền Pháp lập quy hoạch nhằm mở rộng và tái thiết Sài Gòn - Chợ Lớn, đón trước cơ hội phát triển sau Thế chiến 2. Cụ thể, các khu vực cảng, chợ Bến Thành, nhà ga xe lửa trung tâm, giao lộ Charner - Bonard (Nguyễn Huệ - Lê Lợi) dự định sẽ được chỉnh trang và xây mới. Nhà ga xe lửa và chợ Bến Thành dự kiến là khu cao tầng. Dọc đại lộ Le Grand de la Liraye (Điện Biên Phủ) sẽ có thêm nhiều tòa nhà chọc trời.

Thương cảng Sài Gòn dự kiến mở rộng về phía Nhà Bè và Cần Giờ. Đặc biệt ở vịnh Gành Rái sẽ lập bến thủy phi cơ loại lớn. Khu Tân Thuận, giáp với cảng Khánh Hội được quy hoạch là khu công nghiệp (vào năm 1991, nơi đây đã hình thành Khu chế xuất Tân Thuận). Các cụm nhà máy nảy nở thêm quanh cảng và đường xe lửa. Vào năm 1941, cầu Pétain (cầu Chữ Y) - 900 m được khánh thành, nối Chợ Lớn và trung tâm thành phố với khu vực Chánh Hưng - Bình Xuyên. Đó là vùng thuận lợi để mở rộng các cơ sở công nghiệp từ Chợ Lớn sang bên kia sông. Tuy vậy, quy hoạch mới đã không thực hiện được vì vào tháng 3.1945, phát xít Nhật lật đổ chính quyền Pháp trên toàn Đông Dương.

Thế nhưng, Hòn ngọc Viễn Đông cũng có "mặt khuất" của nó. Đó là việc đông đảo người lao động và dân nghèo chỉ sống trong các xóm nhà lá kém vệ sinh, ở phía sau các tòa nhà mặt tiền hay ven kênh rạch. Mãi đến thập niên 1930 - 1940, chính quyền mới có kế hoạch làm một số khu nhà ở cho giới bình dân. "Cư xá lao động" đầu tiên được khởi công là cư xá Aristide Briand, nằm ở khu Vườn Chuối - Bàn Cờ (cư xá Đô Thành) với khoảng 100 căn. Sang các thập niên sau, thành phố tiếp tục mở rộng và phải đối phó với nhiều vấn nạn của chiến tranh, bùng nổ dân số... (còn tiếp) 

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao