‘Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối’: Thành công đến từ sự chân thật

Con số nói lên tất cả! Nhưng có mua vé vào rạp, cùng dõi theo những cung bậc cảm xúc của khán giả mới thấy hết sức cuốn hút của Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối.

‘Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối’: Thành công đến từ sự chân thật- Ảnh 1.

Phim Địa Đạo: Mặt trời trong bóng tối là một phần trong chuỗi hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất

ẢNH: ĐPCC

Khán giả thời nay không dễ gì bị lừa bởi những kỹ xảo điện ảnh đã trở nên nhàm chán. Khán giả khi đến rạp là để mong được thưởng thức một thứ nghệ thuật điện ảnh đạt đến những tiêu chí của chân - thiện - mỹ. Phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đã đáp ứng được những điều như thế.

Trong Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối không có bóng dáng của những cảnh nóng lộ liễu, không có chỗ cho thời trang với phấn son. Toàn cảnh bộ phim từ đầu đến cuối, các diễn viên đã được "bôi xấu" ngoại hình của mình để tạo dựng nên sự chân thật cho nhân vật mà họ thủ vai. Đó là những người du kích Củ Chi tại chiến trường Bình An Đông, Củ Chi năm 1967, những chàng trai cô gái Nam bộ tuổi đời còn rất trẻ đã đi theo cách mạng, cầm súng chiến đấu để chống lại kẻ địch.

Hot girl Vietnam Idol chia sẻ về Thái Hòa, tiết lộ hậu trường đóng phim 'Địa đạo'

Thật hơn cả sự thật

Xem Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, những người nắm vững lịch sử cách mạng miền Nam sẽ thấy đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã dựng lại rất rõ nét và sinh động về cục diện chiến lược quân sự của Mỹ với "cuộc chiến tranh cục bộ" ở thời điểm 1967 trên chiến trường miền Nam Việt Nam (giai đoạn 1965 - 1967).

‘Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối’: Thành công đến từ sự chân thật- Ảnh 2.

Quang Tuấn nhận được nhiều lời khen với vai Tư Đạp

ẢNH: ĐPCC

Nội dung cơ bản của chiến lược này là tận dụng ưu thế hỏa lực, công nghệ và quân số của lực lượng viễn chinh Mỹ để đè bẹp quân và dân miền Nam. Đây được đánh giá là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ. Thể hiện được điều đó trong sách vở thì dễ nhưng thể hiện bằng nghệ thuật điện ảnh thì vô cùng khó, trừ khi đó là một bộ phim tài liệu.

Tuy nhiên, Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối lại không phải là phim tài liệu. Đó là một bộ phim điện ảnh đích thực. Nói như thế để thấy được tài nghệ của Bùi Thạc Chuyên từ Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối. Anh đã dựng nên một bộ phim điện ảnh mà hiện thực trong đó đạt đến tầm của một bộ phim tài liệu, thậm chí thực hơn cả phim tài liệu.

Từ bối cảnh phim là vùng đất Củ Chi và hệ thống địa đạo, từ con người - nhân vật phim đến âm thanh, ánh sáng, khói bom và đạn nổ với các phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ như máy bay, tàu chiến, xe tăng, bộ binh và bom đạn ngút ngàn..., cái bối cảnh thực hơn cả sự thực ấy của Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối khiến khán giả khi xem phim nhiều lúc thấy nghẹt thở.

Ngôn ngữ điện ảnh được phát huy tối đa

Thành công nhất của bộ phim phải kể đến là ngôn ngữ điện ảnh. Ai cũng biết rằng ngôn ngữ điện ảnh của một bộ phim là cách mà tác giả nói với người xem không phải bằng những từ ngữ trên trang giấy, càng không phải là lời thoại của nhân vật mà nó được hiện lên bằng hình ảnh, âm thanh và cảm xúc. Với Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, ngôn ngữ phim đã được Bùi Thạc Chuyên sử dụng một cách chắt chiu và rất độc đáo. Từ đó câu chuyện về cuộc chiến đấu trong phim được hiện lên một cách sáng rỡ. Phim đã khuấy động được tột cùng cảm xúc của khán giả là vì thế.

‘Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối’: Thành công đến từ sự chân thật- Ảnh 3.

Bộ phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên được dự đoán nhanh chóng vượt qua mốc 100 tỉ đồng

ẢNH: ĐPCC

Một thành công nữa là lời thoại của các nhân vật trong phim đã được tiết chế đến tận cùng. Một bộ phim về chiến tranh cách mạng của Việt Nam nhưng trong phim từ đầu đến cuối không có một từ "đồng chí" nào cũng như một từ "cách mạng" nào được nhắc đến.

Phim mang đậm tính bi tráng, các nhân vật tuyến cách mạng đã chiến đấu như những người anh hùng và cuối cùng họ đã hy sinh gần hết nhưng các nhân vật, kể cả những cán bộ cao cấp cũng không nhắc đến một từ "hy sinh" nào. Họ đã chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc nhưng với họ, đó là lẽ thường tất nhiên của cuộc sống.

Trong phim cũng có những phân cảnh dành cho tình yêu trai gái mãnh liệt và dữ dội bất chấp mọi nguyên tắc và quy định của cuộc chiến đấu trong địa đạo, nhưng trong những mối tình đó - chẳng hạn mối tình của Ba Hương và Tư Đạp, hoặc mối tình của Út Khờ (một cô gái du kích ngây thơ trong trắng) dưới bàn tay đạo diễn khéo léo của Bùi Thạc Chuyên đã được thể hiện một cách trong sáng, hồn nhiên và rất đáng trân trọng.

Tất cả nói lên sự cao tay của một đạo diễn nhà nghề.

Thành công của sự lựa chọn nhân vật

Thành công lớn nữa của Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là cách lựa chọn nhân vật. Dưới bảng phân vai của Bùi Thạc Chuyên cùng ê kíp casting, nhân vật nào vào vai nào trong phim này cũng đều rất xứng đáng bởi rất hợp lý với sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên gồm Thái Hòa, Quang Tuấn, Hồ Thu Anh, Diễm Hằng Lamoon, Hoàng Minh Triết, Anh Tú Wilson, Nhật Ý, Khánh Ly, A Tới, Cao Sang Lê, Cao Minh… Xem xong phim hẳn không ít khán giả sẽ đồng tình rằng, người chỉ huy đội du kích Củ Chi ấy chỉ có thể là Thái Hòa, người cán bộ mang dáng vẻ của một chỉ huy cao cấp ấy chỉ có thể là Cao Minh còn các diễn viên vào vai du kích Củ Chi thì cứ như thể họ sinh ra là để đóng vai du kích Củ Chi vậy.

Và cuối cùng, bộ phim mang đến cho người xem một kết luận: Việt Nam đã chiến thắng, miền Nam được giải phóng, đất nước Việt Nam được thống nhất là tất yếu.

Điều đó càng trở nên vô cùng ý nghĩa trong những ngày tháng tư lịch sử này khi mà cả nước ta đang náo nức kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao