TP.HCM có tên đường Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải

Ngày 19.1, UBND TP.HCM tổ chức lễ công bố việc đặt tên đường đối với Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50.

Tại buổi lễ, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở VH-TT TP.HCM đã công bố nghị quyết của HĐND TP.HCM về việc đặt tên đường trên địa bàn TP.HCM.

TP.HCM có tên đường Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải- Ảnh 1.

Lãnh đạo TP.HCM thực hiện nghi thức đặt bảng tên đường

ẢNH: THÚY LIỄU

Đối với Quốc lộ 1, được chia thành 3 đoạn:

  • Từ nút giao thông Thủ Đức (ngã ba trạm 2 cũ) đến nút giao thông An Sương (dài 21 km) được đặt tên Đỗ Mười (1917 - 2018), nguyên Tổng Bí thư từ năm 1991 - 1997.
  • Từ nút giao thông An Sương đến vòng xoay An Lạc (dài 14 km) được đặt tên Lê Đức Anh (1920 - 2019), nguyên Chủ tịch nước từ năm 1992 - 1997.
  • Từ vòng xoay An Lạc đến ranh tỉnh Long An (dài 9,4 km) được đặt tên Lê Khả Phiêu (1931 - 2020), nguyên Tổng Bí thư từ năm 1997 - 2001.

Đối với Quốc lộ 22, được chia thành 2 đoạn:

  • Từ Quốc lộ 1 đến cầu An Hạ (dài 10 km) được đặt tên Lê Quang Đạo (1921 - 1999), nguyên Chủ tịch Quốc hội từ năm 1987 - 1992.
  • Từ cầu An Hạ đến ranh tỉnh Tây Ninh (dài 20 km) được đặt tên Phan Văn Khải (1933 - 2018), nguyên Thủ tướng Chính phủ từ năm 1997 - 2006.
TP.HCM có tên đường Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải- Ảnh 2.

Bảng tên đường Đỗ Mười được gắn tại hướng đi nút giao thông An Sương

ẢNH: THÚY LIỄU

Quốc lộ 1K (dài hơn 1,8 km, từ Quốc lộ 1 đến ranh tỉnh Bình Dương) được đặt tên Hoàng Cầm (1920 - 2013), thượng tướng, nguyên Tổng thanh tra Quân đội nhân dân.

Quốc lộ 50 (dài 8,5 km, từ đường Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An) được đặt tên Văn Tiến Dũng (1917 - 2002), đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1980 - 1987.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, quốc lộ tại TP.HCM còn là những tuyến đường lớn nhất, được hình thành và mở rộng trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng đô thị Sài Gòn - Gia Định nhiều thế kỷ nay, đặc biệt là từ công cuộc đổi mới đến nay.

"Việc đặt tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh trên các tuyến quốc lộ nhằm tôn vinh những công lao, đóng góp to lớn của các đồng chí cho đất nước. Việc đặt tên đường phần nào sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trên địa bàn, do đó tôi mong người dân, doanh nghiệp đồng cảm, chia sẻ với cơ quan nhà nước trong việc điều chỉnh, cập nhật các loại giấy tờ có liên quan trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, các cơ quan chính quyền sẽ hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện để hạn chế việc gây xáo trộn và ảnh hưởng đời sống người dân", bà Thúy đề nghị.

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Lê Mạnh Hà, con trai cố đại tướng Lê Đức Anh, cho biết bản thân rất xúc động và tự hào khi tên của bố được đặt cho một trong những tuyến đường lớn tại TP.HCM. 

"Giai đoạn kháng chiến chống Pháp, bố tôi gắn bó với miền Đông Nam bộ nói chung và TP.HCM nói riêng. Hôm nay tên của bố tôi được gắn với nơi ông từng hoạt động, phải nói là rất vinh dự", ông Hà cho biết.

TP.HCM có tên đường Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải- Ảnh 3.

Gia đình ông Lê Mạnh Hà, con trai cố đại tướng Lê Đức Anh tại buổi lễ

ẢNH: THÚY LIỄU

Tiểu sử lãnh đạo Đảng và Nhà nước được đặt tên đường tại TP.HCM

Đỗ Mười (1917 - 2018), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1991 - 1997

Ông tham gia cách mạng năm 1936; tháng 6.1939 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1941, ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù, giam ở nhà tù Hà Đông và nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. 

Năm 1945, ông vượt ngục Hỏa Lò, bắt liên lạc với Đảng và tiếp tục hoạt động, được phân công về tham gia Ban khởi nghĩa Tỉnh ủy Hà Đông, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Hà Đông.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng. Sau khi đất nước thống nhất, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, giữ chức vụ Phó thủ tướng Chính phủ. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (1982), ông được bầu vào Bộ Chính trị, tiếp tục làm Phó thủ tướng Chính phủ.

Đến Đại hội Đổi mới (1986), Ủy viên Bộ Chính trị Đỗ Mười được phân công làm Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; năm 1988 được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6.1991) và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6.1996), ông liên tục được bầu vào Bộ Chính trị và giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Bí thư Quân ủy Trung ương.

Do có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Đại tướng Lê Đức Anh (1920 - 2019), Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ năm 1992 - 1997

Ông Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa; Sáu Nam) tham gia phong trào dân chủ ở Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế, nay là TP.Huế) từ năm 1937; được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) tháng 5.1938. Ông là người tổ chức và phụ trách nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh từ năm 1944.

Sau Cách Mạng Tháng Tám 1945, ông tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc, tướng Lê Đức Anh luôn có mặt ở những chiến trường trọng yếu với nhiều khó khăn, ác liệt. 

Ông đã kinh qua các chức vụ từ cấp đại đội, chi đội, trung đoàn, Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8, Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam bộ, Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng tham mưu, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tướng Lê Đức Anh trên cương vị là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nam, Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam, Tư lệnh Khu 9, Phó tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam. Là Tư lệnh cánh quân Tây Nam (Đoàn 232) đánh vào Sài Gòn, chặn diệt quân đội Sài Gòn rút chạy kéo về tử thủ ở Cần Thơ, giải phóng nhiều tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, góp phần vào thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, ông là một trong những tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy chiến trường và giành nhiều thắng lợi quan trọng, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.

Do có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta, ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Lê Khả Phiêu (1931 - 2020), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1997 - 2001

Năm 1949, ông được kết nạp đảng. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông có mặt trên mặt trận Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954). Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng của quân đội. Tháng 4.1975, ông cùng các lực lượng Quân đoàn 2 đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định từ hướng đông, góp phần vào toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.


TP.HCM có tên đường Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải- Ảnh 4.

TP.HCM có tên đường Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Phan Văn Khải- Ảnh 5.

Lãnh đạo TP.HCM và gia đình cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thực hiện nghi thức đặt tên đường Lê Khả Phiêu

ẢNH: T.L

Sau 1975, ông được giao nhiều nhiệm vụ của quân đội. Tháng 12.1997 - 4.2001, ông được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương).

Do có có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Thượng tướng Hoàng Cầm (1920 - 2013)

Ông tham gia cách mạng và nhập ngũ tháng 8.1945. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương vào tháng 2.1947.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tướng Hoàng Cầm, Tư lệnh Quân đoàn 4 đã đánh mở toang "cánh cửa thép" Xuân Lộc, đưa đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, tướng Tư lệnh Hoàng Cầm là vị chỉ huy cao nhất có mặt đầu tiên ở thủ đô Phnom Penh khi cùng Quân đoàn 4 tiến sang giải phóng nước bạn khỏi nạn diệt chủng Pol Pot. Sau đó ông là Phó tư lệnh Bộ đội Việt Nam tại Campuchia. Sau chiến tranh, ông được điều động và bổ nhiệm Tổng Thanh tra Quân đội (Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng). Ông được phong Thượng tướng năm 1984.

Với nhiều công lao, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, thượng tướng Hoàng Cầm đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trung tướng Lê Quang Đạo (1921 - 1999), Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1987 - 1994

Ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 8.1940. Từ năm 1941 - 1945, ông được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách xây dựng các cơ sở Đảng, tuyên truyền phát triển các tổ chức quần chúng ở vùng căn cứ địa Bắc Ninh - Vĩnh Phúc - Hà Nội; làm Bí thư Ban Cán sự Đảng các tỉnh: Bắc Ninh, Phúc Yên, Xứ ủy viên, rồi Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, giúp Trung ương đào tạo cán bộ cho phong trào quần chúng đấu tranh sâu rộng, mạnh mẽ, tạo những tiền đề và điều kiện thuận lợi cho khởi nghĩa thắng lợi.

Từ năm 1950, ông được điều động vào quân đội và phụ trách công tác đảng, công tác chính trị trong các chiến dịch lớn như Chiến dịch Biên giới (1950); Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954); Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968), Đường 9 - Nam Lào (1971), Đường 9 - Quảng Trị (1972)...

Ông được mệnh danh là "Anh cả của ngành tuyên huấn quân đội", được phong hàm thiếu tướng (năm 1958) và trung tướng (năm 1974).

Tháng 6.1987, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa VIII, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Từ năm 1994 - 1999, làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng nhất và nhiều huân chương, huy chương khác.

Phan Văn Khải (1933 - 2018), Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ 1997 - 2006

Từ những năm cuối của kháng chiến chống Pháp (1950 - 1954), ông tham gia công tác văn thư Tỉnh đoàn thanh niên tỉnh Gia Định, sau đó làm công tác văn phòng của Mặt trận Liên Việt tỉnh Gia Định Ninh, Văn phòng Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia Định Ninh.

Sau khi tập kết ra Bắc, ông tham gia công tác cải cách ruộng đất; được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) năm 1959.

Trong thời kỳ đổi mới, khi còn làm lãnh đạo ở TP.HCM, ông được cử ra Trung ương làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước; được Trung ương bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị và làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó thủ tướng Chính phủ).

Tháng 9.1997, ông được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến tháng 7.2006.

Do có nhiều công lao và đóng góp lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, nhiều huân chương, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

Đại tướng Văn Tiến Dũng (1917 - 2002), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 1980 - 1986; tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh

Ông Văn Tiến Dũng (bí danh Lê Hoài) tham gia cách mạng từ năm 1936. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1937.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng của quân đội. Ông nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam, từng bị thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt.

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông là Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch: Đường 9 - Nam Lào (1971); Trị Thiên (1972). Trong đại thắng mùa xuân 1975, ông là Tư lệnh chiến dịch Tây nguyên và sau đó là Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Sau 1975, ông làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1980 - 1986), Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (1984 - 1986), là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị nhiều khóa, Đại biểu Quốc hội nhiều khóa.

Do có nhiều công lao và đóng góp lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công (hạng nhất, hạng nhì), Huân chương Tự do hạng nhất của Nhà nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Huân chương Angkor của Nhà nước Campuchia tặng; và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thời tiết

Văn hóa

Giải trí

Thể thao