Dự án trên của Mỹ còn được gọi là "nhà máy tế bào máu đỏ" đang tìm kiếm các nghiên cứu liên quan việc đưa "các thành phần hoạt tính sinh học" hoặc "vi chất" vào tế bào máu. Mục tiêu của dự án là biến đổi các tế bào để "cho phép những người nhận, chẳng hạn như binh sĩ, hoạt động hiệu quả hơn trong môi trường nguy hiểm hoặc khắc nghiệt", theo Busines Insider.
Hiện DARPA chưa tiến hành thử nghiệm lên con người hay động vật, mà chỉ nghiên cứu trên các túi máu. Ông Christopher Bettinger, giáo sư kỹ thuật y sinh giám sát chương trình trên, cho hay nghiên cứu này mang tính nền tảng, nhưng có thể cho phép các nhà khoa học xác định cách biến đổi tế bào hồng cầu có thể tiến hóa theo thời gian.
Ông Bettinger đưa ra giả thuyết rằng nghiên cứu này có thể tác động đến cách quân đội chống lại các căn bệnh sinh sôi trong tế bào hồng cầu như bệnh sốt rét. Một ứng dụng tiềm năng khác của tế bào biến đổi là ngăn ngừa xuất huyết do chấn thương, bao gồm cả vết thương trên chiến trường.
Theo Busines Insider, các nhà nghiên cứu cũng có thể biến đổi các tế bào hồng cầu theo cách cho phép thuốc có tác dụng lâu hơn mà không cần quân nhân phải uống thuốc hằng ngày. Dựa vào liều lượng mà thuốc có thể bảo vệ một người trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng thay vì chỉ 24 giờ.
Ông Samir Mitragotri, giáo sư kỹ thuật sinh học tại Đại học Harvard (Mỹ) cho biết: "Mỗi tế bào hồng cầu tồn tại trong máu trong khoảng 4 tháng và nó tiếp cận hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể". Sự phổ biến và tuổi thọ tương đối dài của chúng là một phần lý do tại sao các tế bào hồng cầu lại là mục tiêu hấp dẫn đối với các nhà khoa học.
Ông Mitragotri chia sẻ các tế bào không thể thay đổi quá nhiều, do đó thúc đẩy quá trình tiêu hóa của cơ thể diễn ra nhanh hơn. Những tiến bộ như vậy trong kỹ thuật sinh học có thể là bước ngoặt trong các lĩnh vực như điều trị bệnh truyền nhiễm và ung thư - những căn bệnh đòi hỏi thời gian điều trị bằng thuốc kéo dài. Ông Mitragotri nhận định đây là một lĩnh vực rất hứa hẹn.
Quân đội Mỹ nghiên cứu "khung xương" cho "siêu chiến binh"
Trong nhiều năm, quân đội Mỹ đã nghiên cứu những lợi ích của công nghệ phản hồi sinh học để hiểu rõ hơn về sức khỏe tinh thần và thể chất. Hiện có nhiều nghiên cứu về khả năng cải thiện thể chất thông qua nhiều hướng nỗ lực khác nhau.
Vào năm 2019, quân đội Mỹ đã công bố báo cáo "Cyborg Soldier 2050", trong đó nêu chi tiết cách quân đội đang suy nghĩ về tương lai mà binh lính có thể được hưởng lợi từ những thứ như cải tiến thần kinh và quang học. Mặc dù, báo cáo trên cũng thừa nhận những lo ngại về mặt đạo đức và pháp lý xung quanh những khả năng như vậy.
Không chỉ Mỹ, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng chiến lược của công nghệ sinh học, tham gia vào các hoạt động hợp tác sâu rộng với những gã khổng lồ công nghệ sinh học nội địa. Mạng lưới quan hệ đối tác rộng lớn đã mang lại nghiên cứu có khả năng ứng dụng trong quân sự, bao gồm các nỗ lực nâng cao khả năng thể chất và nhận thức của binh lính Trung Quốc, theo Busines Insider.