Chúng tôi đến xóm ve chai hay còn gọi là Xóm Ruộng (ở hẻm 184 Nguyễn Xí, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vào chiều một ngày cuối năm. Không khí tết chộn rộn khắp mọi nẻo đường, thế nhưng ở xóm ve chai lại có một không khí khác, trầm lắng, chật chội và bí bách.
Phòng trọ ở đây rộng chừng 10 mét vuông, được lợp bằng tôn. Đồ đạc trong nhà ngổn ngang, đa số đồ đạc ở đây được mọi người nhặt về tái sử dụng. Không gian phòng chật chội, nhà vệ sinh và chỗ nấu ăn đều cạnh nhau.
Trò chuyện với những những người dân ở đây, hầu hết đều nói rằng tết năm nay họ không về quê mà chọn bám trụ lại TP.HCM, cầm cự sống qua ngày. Khi được hỏi lý do tại sao, thì ai cũng trả lời “tiền đâu mà về?”.
Mong ước giản đơn
Chúng tôi bước vào một căn phòng chừng 7 mét vuông với 1 chiếc giường kê tạm chất nhiều đồ đạc. Giá thuê 1,5 triệu/ tháng, chưa tính tiền điện nước. Chúng tôi gặp một người phụ nữ lớn tuổi, đang đi bước chậm rãi trên chiếc nạng. Lân la hỏi chuyện, bà nói tên Nguyễn Thị Mai (75 tuổi, quê ở Đồng Nai); bà nói sống một mình ở xóm ve chai cũng gần 10 năm.
Bà Mai nói, hồi trước bà làm mướn cho người ta, sau này sức khỏe không có, được hàng xóm kháo lên TP.HCM nhặt ve chai, bà đi luôn. Cách đây vài năm, bà không may bị ngã nên gãy xương chậu. Bà kể, bà có 2 người con (1 trai, 1 gái) đều đi làm thuê, lương không được bao nhiêu. Không muốn làm khổ con cái nên bà tự chắt bóp chi tiêu, sống qua ngày nào hay ngày đó.
Chúng tôi hỏi, bà đi lại không được thì tiền đâu mà sống qua ngày? Đưa ánh mắt nhìn xa xăm, bà nghẹn ngào: “Tôi bị ngã thế này, bây giờ ở một chỗ. Có đứa em dâu ở gần đây nhờ nó nấu cho ăn hằng ngày. Lâu lâu con cái cũng cho vài trăm ngàn đồng để đóng tiền trọ. Cũng nhờ các nhà hảo tâm đến đây hỗ trợ chứ không biết sống sao”.
Thắc mắc năm nay bà có về quê đón tết cùng con cháu không. Bà Mai trả lời ngay: “Năm ngoái tôi có về, còn năm nay thì không. Tôi ăn tết ở đây luôn, chân tôi gãy thế này giờ đi đâu được nữa. Con cái ghé chơi thì mình mừng còn không thì thôi. Gần tết, không biết chúng nó có cho gì không, bây giờ 23 tháng chạp rồi mà chưa thấy gì hết”.
Khi được hỏi tết năm nay bà có chuẩn bị gì không? Bà Mai chỉ tay vào chiếc bánh chưng ở đầu giường, bà lắc đầu rồi nói với giọng đứt quãng, nặng nhọc: “Tết tôi không chuẩn bị gì hết. Bánh chưng này được mấy người làm từ thiện người ta cho. Mình sống qua ngày nào hay ngày đó”.
Tuy đón tết xa nhà, nhưng bà Mai nói ở đây có hàng xóm, láng giềng yêu thương nhau nên cũng đỡ buồn. Ai có gì ngon hoặc được người ta cho cũng chia sẻ cho nhau. Khi được hỏi về mong muốn trong dịp tết đến, bà Mai khóc nức nở: “Tết tôi chẳng mong gì lớn lao đâu. Chỉ mong có chút tiền, nhờ em dâu nấu giúp một nồi thịt kho hột vịt thôi”.
Khi nghe mong ước của bà Mai, lòng chúng tôi nặng trĩu. Mong muốn một nồi thịt kho hột vịt ngày tết của bà tưởng chừng như giản đơn, nhưng lại chứa đựng niềm khát khao bình dị mà sâu sắc về một cái tết ấm áp.
Xem những khoảnh khắc để thấy yêu thương luôn ngập tràn tại TP.HCM những ngày giáp tết
“Tiền đâu về quê ăn tết?”
Cách phòng trọ của bà Mai không xa là một phòng trọ khác khoảng 10 mét vuông. Quanh phòng, áo quần, đồ đạc treo lỉnh kỉnh khắp nơi; mùi thức ăn và ẩm mốc hòa lẫn. Thế nhưng, đây là nơi ở của vợ chồng bà Võ Thị Châu (66 tuổi, quê ở TP.Huế) hơn 10 năm qua.
Bà Châu kể vào TP.HCM mưu sinh khi còn tuổi đôi mươi. Lúc đó, bà làm đủ nghề từ rửa chén, bán vé số đến nhặt ve chai. Từ ngày bà mang trong mình nhiều căn bệnh như tiểu đường, xương khớp…, bà không đi lại được. Mỗi tháng bà tốn khoảng 500.000 đồng tiền thuốc, men.
Mỗi ngày, chồng bà đi xe đạp quanh TP.HCM từ 20 giờ đến sáng ngày hôm sau để nhặt ve chai. Ngày nào nhặt được nhiều thì kiếm được 200.000 đồng, ngày ít thì khoảng 100.000 đồng. Để sống qua ngày, 2 vợ chồng ăn uống, chi tiêu dè sẻn để dành tiền đóng tiền trọ và trả tiền thuốc.
Bà Châu tâm sự, bà có 2 người con, đều làm công nhân nhưng không dư dả. Đã 3 năm nay bà chưa về quê đón tết cùng gia đình. Bà nhớ cảm giác cùng con, cháu quây quần bên mâm cơm ngày tết. Thế nhưng vì không có tiền và sợ làm phiền con cái nên bà không về quê.
“Cũng buồn dữ lắm nhưng mình ở đây thoải mái hơn, bây giờ về quê đi lại tốn tiền vé xe tội con cái. Giờ lương của con có hơn 4 triệu đồng sao đủ tiền mua vé cho 2 vợ chồng. Thôi ở đây 2 vợ chồng cũng được”, bà Châu nói.
Tuy vậy, bà Châu nói ở xóm ve chai này, bà nhận được tình cảm của hàng xóm và các nhà hảo tâm đến cho ít bánh chưng, trái cây. Chính điều đó, trong những ngày cận tết, gia đình của người xa xứ như bà càng thêm ấm lòng.
Hỏi bà Châu có mong ước gì khi năm mới sắp đến không? Bà tâm sự: “Tôi chỉ mong được khỏe lại bình thường để đi nhặt ve chai phụ chồng”.